Lời sâu thẳm trái tim

Bình yên như được chở che, đó là cảm giác của anh mỗi lần về quê. Còn em, tất cả chỉ là sự miễn cưỡng. Em cầm chiếc điện thoại trên tay, cứ nhoay nhoáy nhắn tin hoặc lướt Web, đăng nhập Facebook. Vợ à, anh thấy lòng chông chênh, hẫng hụt…

Bài dự thi cuộc thi “Viết cho người bạn đời của tôi” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

Mã số: 254_NBĐ
Họ và Tên: Lê Anh Tuấn
Địa chỉ: Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Đã có lần em cằn nhằn chê anh “cổ lỗ sĩ” nên mới không có facebook, không thích chát chít, giao du với bạn bè. Dẫu vậy, một lần nữa anh vẫn phải nói với em rằng hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho những người thân yêu ruột thịt thay vì tốn công vô ích bởi những thứ phù phiếm trên mạng. Đành rằng, chia sẻ thông tin, trò chuyện cùng bạn bè là nhu cầu chính đáng của con người trong thời đại công nghệ số, nhưng cũng cần có chừng mực và giới hạn nhất định, chứ không nên biến mình thành “nô lệ” của nó như em. Sáng ngủ dậy việc đầu tiên của em là vào facebook xem bạn bè có thông tin gì mới không để bình luận, trong ngày đi đâu, làm gì, có sự kiện gì liên quan đều được em cập nhật trạng thái, buổi tối em lại say sưa ôm chiếc điện thoại. Anh thấy day dứt, khó nghĩ khi bố mẹ nhiệt tình hỏi han còn em hờ hững đáp lại, thậm chí còn rơi vào tình cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” chỉ vì em quá nghiện facebook… Ngày trước, em hay chơi cùng con, lắng nghe con tâm sự, còn bây giờ các cuộc trò chuyện cứ thưa dần. Vợ chồng mình khi xưa thường thủ thỉ chuyện cơ quan, hỏi ý kiến nhau về các vấn đề liên quan đến công việc, còn bây giờ thay vì chia sẻ cùng anh, em đăng lên facebook xin ý kiến mọi người. Dù cố an ủi mình nhưng đôi lúc anh vẫn bị chi phối bởi cảm giác đang đứng ngoài mọi nỗi niềm của em. Em cứ mải mê kết nối với những con người, những nơi, những thứ xa xôi như cô bạn học cũ gần hai chục năm chưa có cơ hội gặp lại, anh hàng xóm đang định cư ở nước ngoài, cậu đồng nghiệp ở miền Nam … mà quên mất rằng chính gia đình mình đang thiếu sự gắn kết.

Chiều qua, gọi điện về quê thấy giọng mẹ khàn đặc mới biết mẹ ốm mấy ngày nay nhưng bố không báo vì sợ con cái lo lắng. Đi làm về, anh kể sự tình, cu Bim sốt sắng hỏi “bà nội bị làm sao, có phải đưa đi viện không”, còn em vẫn dán mắt vào chiếc điện thoại rồi thản nhiên chép miệng thốt lên: “Việc gì phải cuống. Tuổi già nay ốm mai đau là chuyện thường ngày ở huyện”. Tim anh nhói đau trước sự thờ ơ đến vô cảm của em…

Bố mẹ cả đời tần tảo nuôi con cái ăn học, đến khi con yên bề gia thất lại dốc toàn bộ vốn liếng chắt chiu cho con mua nhà thành phố. Có yến gạo, con gà, nải chuối ngon lại đùm dúm mang lên cho các cháu. Khoảng cách 15 cây số có xa xôi gì cho cam. Tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều em hoàn toàn có thể về thăm mẹ. Tâm lý người già thích con cái quây quần nên mỗi lần gia đình đông đủ, ông bà vui ra mặt. Là con dâu trưởng nhưng ngoài dịp lễ tết, giỗ chạp không thể né tránh trách nhiệm, em thường viện cớ bận việc để hạn chế tối đa về quê. Vậy nhưng chỉ cần một cú điện thoại của cô bạn rủ đi làm tóc, mua quần áo hoặc tụ tập nhóm thì đang bận mấy em cũng gác hết lại. Chưa bao giờ anh gia trưởng, lấy quyền làm chồng để cấm đoán em, ngay cả khi em ham vui thái quá anh cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Vậy nhưng chứng kiến cách đối nhân xử thế của em với bên nội, anh đã băn khoăn tự hỏi: những người trẻ như chúng mình có ích kỷ quá không? Bố mẹ chẳng ghét bỏ em, chỉ đơn giản là “em không thích về”. Không sổ toẹt với anh, nhưng trong cuộc chuyện phiếm với bạn bè, em tiết lộ lí do không mặn mà với quê chồng vì “sinh hoạt nhếch nhác, lại hay bị làm phiền”. Anh thừa nhận cuộc sống ở quê còn nghèo nàn, lạc hậu, nhưng 3 năm hẹn hò tìm hiểu và 11 năm nên duyên chồng vợ với sự hiện diện của hai đứa con trai lẽ nào tình yêu chưa đủ lớn để em vượt qua những thử thách, để bao dung mở lòng hòa nhập với nếp sinh hoạt của nhà chồng?

Lời sâu thẳm trái tim

Con nghỉ hè, anh khuyên đưa con về thường xuyên để chúng gắn bó với quê hương và điều quan trọng nhất là học được cách cư xử cởi mở, thân thiện của bà con chòm xóm thì em mặt nặng mày nhẹ cho rằng anh không lo phấn đấu thăng tiến, làm giàu, lúc nào cũng nặng nề chuyện quê quán. Ừ, có thể anh chẳng thức thời như người ta khi vài lần bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm có một” để thỏa mãn khát vọng công danh chỉ vì không chịu luồn cúi, không chịu hiểu những vấn đề “tế nhị”. Nhưng thực tế người giàu đôi khi vẫn phải “khóc” đó em. Khóc vì ân hận đã không phụng dưỡng, báo đáp đấng sinh thành khi còn hiện hữu trên cõi đời, khóc vì quá mải miết chạy theo ham hố công danh để con cái hư hỏng, tình cảm vợ chồng rạn nứt, khóc vì lương tâm day dứt khi đã trót chà đạp lên mối thâm tình chỉ vì cái lợi trước mắt… Anh chấp nhận lựa chọn cuộc sống bình dị về vật chất, thoải mái về tinh thần và luôn được là chính bản thân. Và giải pháp anh chọn là hài hòa giữa công việc và gia đình. Nếu không có việc đột xuất thì mỗi buổi chiều, khi đón con đi học về, anh muốn vợ chồng cùng dọn dẹp nhà cửa, nội trợ, tắm táp cho con rồi cả nhà sum họp ấm cúng thưởng thức bữa tối. Ngày cuối tuần, nếu không về quê, vợ chồng mình đưa con đi công viên chơi hoặc đến thăm bạn bè, đồng nghiệp. Hạnh phúc với anh đơn giản là nâng niu, trân trọng những gì mình đang có trong tầm tay… Nhưng hình như vợ cần nhiều hơn thế. Rất nhiều lần em chạnh lòng thở than nhà mình nghèo, vợ chồng chỉ là những công chức bình thường không quyền cao chức trọng như cậu bạn nọ, cũng chẳng giàu có như cô bạn kia. Em đâu biết rằng những lời ấy không chỉ làm anh tổn thương mà còn gieo rắc vào tâm hồn ngây thơ, trong sáng của cậu con trai vừa bước sang tuổi thứ 10 những nỗi mặc cảm, tự ti và cách nhìn phiến diện về cuộc sống. Đã có lần anh giật mình khi con hồn nhiên hỏi: “Nhà mình bất hạnh quá bố nhỉ?”. Thì ra trong cảm nhận của con phải đi ô tô, ở nhà cao tầng mới là hạnh phúc…

Vợ à, anh vừa đọc được một bài báo phân tích về những tác động tiêu cực của thiết bị điện tử đến đời sống xã hội. Khi bị thu hút, chi phối quá nhiều bởi ti vi, điện thoại, các thành viên trong gia đình thường ít trò chuyện, giao tiếp với nhau dẫn đến mối quan hệ tình cảm thiếu chặt chẽ và hệ lụy là cách cư xử không đúng. Người chồng không có hứng thú trò chuyện với vợ con có thể “lấp khoảng trống” bằng cách ngoại tình, khiến gia đình tan vỡ. Con cái không tâm sự với cha mẹ dễ bị lợi dụng, lôi kéo, sa ngã vào tệ nạn ma túy, cờ bạc hoặc các hành vi ngỗ ngược. Từ bao đời nay, truyền thống tốt đẹp trong gia đình luôn có ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của mỗi cá nhân và được coi là nền tảng, là hành trang, là nguồn động lực để con người hoàn thiện, phấn đấu vươn lên. Qua các buổi trò chuyện, cha mẹ thấu hiểu và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời cung cấp kiến thức, định hướng tương lai cho con trẻ. Trong tình cảm “cho đi bao nhiêu, sẽ nhận về bấy nhiêu”, em ạ.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ”Viết cho người bạn đời của tôi” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

(Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN