Viết về mẹ: Nỗi buồn của mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 441_VVM

Họ tên: Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong

Địa chỉ: Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

———————————

Mẹ về hưu, hằng ngày vẫn ngồi trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ. Những năm cuối đời, mẹ nhìn cuộc sống như nhìn vào một mặt hồ phẳng lặng. Quá khứ chênh chao sau lưng, mẹ cũng không còn nhắc đến nhiều.

Tuổi của mẹ, người ta tập yoga, mua sắm, đi du lịch. Mẹ thì không. Bệnh tật mang vào người sau những năm đi làm vất vả, ăn sáng cũng không dám ăn sang, áo quần ăn vận thi thoảng mới mua… Cuộc đời mẹ bình thường và giản dị như bao người phụ nữ hy sinh cho gia đình, chồng con. Chẳng có gì nhiều điều bất thường để mà kể về.

Mẹ ngồi im trong những năm hưu, bóng in lên tường thành hình thù một nỗi buồn to lớn của người có tuổi. Dù rằng, đây là những năm con cái đã biết làm ăn. Dù rằng, đây là năm rực rỡ nhất trong sự nghiệp của ba. Nhưng mẹ cứ buồn, ngồi một mình trong những ngày mùa hè, ở ngoài kia là tiếng leng keng của xe kem và tiếng gió từng đợt từ bờ sông cuộn vào.

Có lẽ, cái buồn mẹ giữ riêng cho mình, cái buồn mẹ không chia sẻ với con cái dù ai cũng muốn mẹ bày tỏ, là cái buồn của người biết mình đang nhạt nhòa đi, trong cái xã hội to lớn cứ nhích từng bước một lên phía trước. Một cỗ máy khổng lồ đang vận hành với các chi tiết cơ khí kêu răng rắc và mẹ ngồi im ở đâu đó trong hệ thống khủng khiếp ấy, không nói gì.

Có những đêm, trong giấc mơ, hình ảnh của mẹ trong những khói bụi và làn xe ken dày giờ tan tầm hiện ra như một nỗi ám ảnh. Mẹ đứng giữa cái dòng chảy của giao thông, trong nắng bụi cuối ngày, đôi mắt rưng rưng.

Có lẽ, cái buồn mẹ giữ riêng cho mình, cái buồn âm thầm mà dữ dội, âm ỉ mà to lớn mẹ đang mang là cái buồn xuất phát từ nỗi cô đơn trong một gia đình bận rộn. Con cái hỏi thăm, quan sát mẹ nhiều nhưng cũng không ở bên mẹ thường xuyên. Có lúc, nghe mẹ mở “Cô đơn” của Nguyễn Ánh 9, căn nhà rộng lớn bỗng nhiên trở thành một mê cung u tối. Bộ bàn ghế gỗ như cái gốc cây cổ thụ ôm lấy hình bóng nhỏ bé của mẹ, tiếng chim xé gió trong lời từ bài hát như yếu ớt vang lên, chìm dần, rồi mất hút…

Ba và các con đã quyết tâm làm mẹ phải vui hơn, cái sứ mệnh đặc biệt đó là trách nhiệm to lớn vạch ra từ đầu năm. Những tấm vé xem phim cuối tuần, những tour du lịch Đông Nam Á, những voucher để mẹ ghé các spa có tiếng trong thành phố,… Những nỗ lực để mẹ tìm niềm vui như sóng đánh vào bờ, vỗ mãi vỗ mãi…

Có hôm mẹ bảo mẹ thèm một mâm cơm gia đình. Hay chỉ cần vậy mà mọi người không nghĩ ra? Cậu em út xin nghỉ phép hẳn hai tuần, bay từ Sài Gòn về đoàn viên gia đình. Ba thì về quê, đi chợ mua gà mua rau. Rồi bữa cơm cũng diễn ra. Cái không khí ngày xưa được tái hiện trên bàn ăn làm mẹ vui lên đôi phần.

Hai tuần hạnh phúc ngắn ngủi trôi qua, và mẹ lại ngồi với mặt hồ tâm tưởng phẳng lặng của mình. Tuổi trẻ trôi qua, sắc đẹp cũng đã vỗ đôi cánh trắng mất hút sau đường chân trời, quá khứ với những lần bị bị thuyên chuyển công tác vì quyết tâm vạch ra sai phạm cấp trên, rồi những năm nuôi các con ăn học với đồng lương còm cõi, rồi những rạn nứt từ đời sống vợ chồng sau đó… Những chuyện này có lẽ sẽ được mẹ lục lại trong ký ức, sẽ như những đoạn phim câm được tua chậm lại trong những năm tháng nghỉ hưu của mẹ, trong những thanh tâm từ cái loa cũ mẹ hay dùng mở nhạc, sau một vẻ mặt bình thản đón nhận và giữa mặt hồ tưởng là êm ả mà mẹ đang ngụp lặn.

Dạo này, mẹ đọc Đoàn Minh Phượng nhiều lắm. Mẹ hình như tìm được niềm vui trong câu chữ. Cũng có thể đó là một câu chuyện gần giống với cuộc đời của mẹ. Biết đâu, những cảm xúc tương tự nhau từ phía người viết và người đọc bỗng va vào nhau giữa một ngã tư tiềm thức, và vỡ ra thành những vệt sáng kỳ lạ, sáng rỡ. Trong giây phút ấy, liệu mẹ có tìm được những lý lẽ và chân lý mới cho cuộc sống của mình?

Mẹ chưa bao giờ trầm cảm như thế này. Mẹ chỉ biết hy sinh và nhận về những tủi hờn đời sống. Mẹ đứng về phe của nước mắt. Mẹ đứng về phe của anh chị em công nhân đói khổ trong xưởng may ngày xưa. Mẹ đứng về phe của người lao động nghèo. Mẹ đứng về phe – của – mẹ. Mẹ bám víu vào những lý do của riêng mình. Lắm lúc, có cảm tưởng, một mình mẹ phải đương đầu với cả thế giới. Cả cái bộ máy kim khí khổng lồ đang rung lên, gầm gừ trước người đàn bà nhỏ bé.

Ngày xưa, sau những trận cãi vã, mẹ tìm về với nước mắt. Những tổn thương tinh thần lâu ngày tích tụ thành một lớp dày lên trí óc mẹ và mẹ không có ý định sẽ phủi bay chúng đi. Làm sao để phủi bay những thứ kỳ dị đó? Bây giờ, thì mẹ hình như buông xuôi. Tranh cãi làm gì? Đấu tranh làm gì? Mẹ ngồi với nỗi buồn riêng tư, một lỗ đen to lớn sẵn sàng hút hết những niềm vui nhỏ nhoi có ai đó mang đến cho mẹ.

Câu chuyện nhỏ của mẹ cũng sẽ chẳng phải là câu chuyện tiêu biểu hay to lớn cho những người phụ nữ khác. Hẳn nhiên, nó có thể chẳng bao giờ được nhắc đến, dẫu cho bài viết này là một nỗ lực để đem nó ra ánh sáng. Bên ngoài, vẫn còn rất nhiều người như mẹ, đang dần chìm trong những nỗi buồn của người có tuổi, người về hưu. Họ sống đâu đó trong những villas hướng biển hay căn nhà gạch có cây ổi tỏa bóng ngoài sân. Những nỗi buồn sẽ mang muôn vàn hình thù. Những nỗi buồn sẽ len vào nhà bằng nhiều đường…

Nhưng, cuộc chiến với những nỗi buồn đâu đã kết thúc. Nó chỉ mới được khởi đầu và chặng đường thì đầy gian nan. Mẹ đừng sợ, vì mẹ nào phải đương đầu một mình. Mẹ sẽ thấy may mắn khi còn có ba và các con. Những thành viên trong gia đình đã quan sát, tâm sự và động viên mẹ mỗi ngày. Dẫu bận rộn thế nào, tất cả đang cùng nắm tay mẹ, kéo mẹ ra khỏi cái khí quyển của nỗi buồn và những cơn trầm cảm u uất. Suy cho cùng, đây là những nghĩa lý cơ bản nhất để gia đình được sinh ra, được tồn tại. Suy cho cùng, những thành tựu con cái đạt được từ đời sống sau những lần “trầy vi tróc vẩy” giằng lấy cũng chẳng thể nào bằng một nụ cười của mẹ.

Và mẹ, vì thế, nhất định phải vui lên!

Đà Nẵng, 26/6/2015

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN