Nhiếp ảnh gia Trần Bích: “Đời sen như thể đời người”

Biến thú vui nhất thời thành đam mê một đời, sử dụng tất cả tiền bán ảnh cho từ thiện, Trần Bích đã cho thấy trong trái tim doanh nhân cũng có phần nghệ sĩ.

Vài năm không gặp lại, Trần Bích vẫn không mấy thay đổi với thời gian. Vẫn tiếng nói sang sảng, tiếng cười sảng khoái và cả thói quen thích khoe hình đẹp. Cuộc nói chuyện giữa anh và chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại xin ông chủ công ty Trần Bích chỉ đạo, tuy nhiên mạch câu chuyện về sen và người lưu giữ hình ảnh đẹp về sen vẫn sôi nổi…

phunungaynay.vn - Nhiếp ảnh gia Trần Bích: "Đời sen như thể đời người"

Duyên nào đã đưa anh tới việc chụp sen?

Tôi là một doanh nhân, không biết ăn nhậu, hút thuốc hay bài bạc. Nghĩ tới chụp hình là thú vui cho mình, nên bắt đầu đi học chụp hình từ năm 2003, rồi sau đó tôi đi chụp hình rất nhiều thứ về phong cảnh, đời thường… Tới năm 2009 tôi bắt đầu mê sen. Đó là lúc sau khi đi chụp phong cảnh ở Mũi Kê Gà, Phan Thiết về, đi ngang qua một hồ sen, nhìn qua cửa kiếng tôi bất chợt bắt gặp vẻ đẹp của sen. Đẹp quá,… sen mọc trên cát, trên bờ luôn. Tôi dừng lại chụp hình những bông sen. Sau hôm chụp sen đó tôi có cảm giác ngộ ra được điều gì đó mà không thể nói lên được. Trong sen tiềm ẩn điều gì đó đang chờ mình khám phá. Tôi mê sen luôn từ đó. Tôi muốn hòa vào từng hoàn cảnh của sen và tìm ra được vẻ đẹp của sen trong bối cảnh đó.

Hơn 50 tuổi mới bắt đầu cầm máy ảnh, anh có e ngại về tuổi tác khi tác nghiệp?

Không e ngại gì cả, tôi chỉ nghĩ là con người ta phải có thú vui, có đam mê. Mình mải mê làm ăn không thì cũng không tốt. Sử dụng nhiếp ảnh như thú vui của mình để đi chơi, giao dịch bạn bè, đâu có gì xấu đâu mà e ngại. Nhưng chụp sen quả thực rất cực, phải lội bùn cả ngày. Sen ngoài Bắc cao, mà phải đi luồn luồn vào, mà còn chưa kể sâu của sen, mình đi vào nó rớt đầy đầu. Nghĩ lại chả ai như mình. Chân cẳng sau khi đi tác nghiệp về, móng thúi hết luôn. Chân tôi hiện bị đau khớp nhưng tới hồ sen là ở cả buổi ở dưới nước. Mai mốt mà đi hết nổi, có lẽ tôi sẽ nghĩ tới việc trồng sen ở nhà để chụp (cười).

phunungaynay.vn - Nhiếp ảnh gia Trần Bích: "Đời sen như thể đời người"

Một thú vui đã chuyển thành đam mê như thế nào?

Tôi vẫn nhớ, cái hồ sen hôm đó kỳ lạ lắm. Bông sen giống như bông hồng, xa xa nhìn lại giống như tulip, đỏ rực một vùng. Khi chụp thấy hoa đẹp đã đành rồi, nhưng coi lại ảnh chụp thì thấy dưới hồ sen có những cảnh tượng mà mình có thể liên tưởng được giữa sen và lá sen. Chúng như lúc nào cũng ôm ấp, che chở. Có hai bông sen già tựa vào nhau. Lại có bông sen vươn cao lên lắc lư trong gió. Tôi liên tưởng tới sen giống như xã hội loài người. Có thương yêu, có mẹ có cha, có hạnh phúc, có vui đùa…. Trong đầu tôi nảy ra suy nghĩ đời sen giống như đời người, cũng có sinh lão bệnh tử, cũng có vui đùa, hỉ nộ ái ố,… Có những bông sen y như con người, dù cong queo, nhưng vẫn cố gắng vươn lên nở hoa thơm ngát cả hồ, hệt như những người khuyết tật, nạn nhân chiến tranh, tàn phế nhưng họ vẫn vươn lên. Họ vẫn dùng những bộ phận cơ thể còn lại để sống và làm việc,  lướt trên bàn phím vi tính bằng ngón tay sót lại, dùng ngón chân hay miệng để cầm cái tournevis sửa máy… Sen cũng có tính vươn lên, chịu khó, thương yêu. Có  những bông sen già, chết trên lá sen, y như những người ra đi quay đầu về cội nguồn của mình.

Khi thấu hiểu được điều đó, tôi mới nghĩ về đời sống của mình, có người thương yêu, có người giận hờn, có người vui vẻ, có người bi sầu… Trên đời có hàng ngàn ngàn cảnh ngộ con người khác nhau, thì đời sen chắc chắn cũng sẽ biểu lộ như vậy. Vấn đề là mình có thấu hiểu, có nhìn ra được sự biểu lộ đó hay không thôi. Tôi muốn qua những tấm hình mình chụp, đưa ra được ẩn dụ điều tôi muốn nói, hãy thương yêu nhau như sen, hãy đùm bọc nhau, giúp nhau sống tốt. Và khi theo đuổi điều đó, sen đã trở thành đam mê trong đời tôi. Đam mê tới mức, tuổi này mà tới mùa sen vẫn đi miết luôn, đi không biết mệt.

Một kỷ niệm khó quên khi đi chụp sen?

Một lần, tôi xuống hái lá sen để làm sạch bối cảnh, chuẩn bị chụp đặc tả, tôi đã bị người ta la (cười). Đó là bà chủ đầm sen. Tôi bảo tôi hái lá sen chứ hái bông sen đâu mà bà la. Bà ấy nói ông không biết chứ cái ngó sen vươn lên kia, nếu ông hái lá sen thì mai mốt không có bông sen lên được, những bụi sen kia nếu hái lá sen thì sẽ bị chết. Thì ra là vậy! Lúc đó tôi đã nghĩ tới hình ảnh lá sen là mẹ, bông sen là con. Lá sen bạt ngàn dưới hồ, vài lá lại có một bông sen đâm lên. Giống như người mẹ lúc nào cũng ở dưới, ủng hộ cho con vươn lên, đỡ đần nâng đỡ cho con. Người mẹ lúc nào cũng thương yêu con đùm bọc con. Đúng là bị la mà tôi vẫn vui! (cười)

Khi chụp sen, anh thiên về kỹ thuật hay ý tưởng?

Trong nhiếp ảnh, nghệ thuật vẫn cần phải có kỹ thuật. Đầu tiên là phải biết chụp như thế nào, rồi mới nói tới chụp đẹp. Tôi vẫn thường chia sẻ với mọi người là để chụp sen đẹp có hồn, có ý tưởng không có gì khó cả, vấn đề là bạn có chịu khó hay không? Nghĩa là muốn chụp sen anh phải lội trực tiếp xuống. Thứ hai là anh phải hiểu về sen. Thấy bông sen hồng đẹp quá, chụp nhưng đó chỉ là chụp màu hồng thôi. Cần phải hiểu sen ở tư thế đó là muốn diễn đạt điều gì, trong đầu mình đã phải có ý tưởng. À, bông sen này ở sát bên mẹ, rồi làm sao để có thể nắm được chụp được sự âu yếm thương yêu đó. Có điều tôi đã nói hết nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn chưa thể chụp được, có lẽ là họ còn thiếu tình yêu với sen, đam mê với vẻ đẹp của sen chăng? Tôi nghe kể ở Nhật có người muốn chụp sen là phải ngồi thiền. Anh cần phải có thời gian để tịnh tâm, để có thể “đọc” được sen, ý nghĩ của sen, thấy hình ảnh đó, anh có thể mường tượng được sen đang làm gì đó, nó muốn nói lên điều gì hay muốn chuyển đạt một thông điệp nào đó.

phunungaynay.vn - Nhiếp ảnh gia Trần Bích: "Đời sen như thể đời người"

Bức ảnh sen tốn công nhất?

Ảnh sen không tốn công nhưng có điều có những khoảnh khắc đã qua khó có thể lấy lại được. Chẳng hạn có bức Lòng Mẹ chụp và triển lãm đầu tiên và bán với giá 100 triệu, không bao giờ chụp lại được. Tôi đã từng cố gắng chụp lại, dàn dựng lại nhưng vẫn không được. Có lẽ đó cũng là cái duyên.

Anh nghĩ sẽ có lúc chán chụp sen?

Chụp tới bây giờ mà tôi vẫn chưa thấy đã nữa. Sen vẫn còn có gì đó mà khiến tôi phải tìm. Có những vẻ đẹp cao siêu hơn nữa mà mình vẫn chưa tìm ra, hoặc vẫn chưa nhìn thấu được, chưa hiểu được. Và đó kích thích mình vẫn đi hoài.

Đi thật nhiều cũng là nền tảng cho cái duyên?

Cũng không hẳn như vậy vì bây giờ có nhiều người chụp sen lắm. Tôi hãnh diện vì trước đây tôi vẫn loay hoay một mình với sen, giờ đây tôi đã khuấy động được phong trào nhiều người theo đuổi vẻ đẹp của sen như vậy. Nhiều người cũng chịu khó lăn lội xuống, áp sát sen nhưng vẫn chưa có tấm ảnh nào tạo ra được sự chú ý của công chúng. Cũng có một số người chụp một thời gian thì chán vì chụp hoài không ra ảnh đẹp. Sen quả thật là một đề tài dễ chụp nhưng không dễ để chụp đẹp.

phunungaynay.vn - Nhiếp ảnh gia Trần Bích: "Đời sen như thể đời người"

Tấm ảnh sen mà anh ưng ý nhất?

Những tấm được nhiều người ưng ý nhất (cười). Nhìn lại những tấm ảnh đó mỗi lần là một cảm xúc khác nhau trong tôi. Hiện tại tôi có 5 kỷ lục về sen. Chụp sen mà trong 5 năm triển lãm 19 lần. Kết quả đều tốt hết, với những số tiền khá lớn để làm từ thiện.

Anh đã phá hỏng bao nhiêu chiếc máy ảnh?

Cái máy đang sử dụng là máy thứ 3 và ống kính cũng là cái thứ 3. Tôi dùng máy Nikon D3, ống thường chụp là 70-200. Nhưng cũng chuẩn bị mang đi sửa chữa rồi. Chụp ở các vùng miền Bắc máy dễ hư vì độ ẩm cao. Khum khum sát nước, màn hình mờ xịt. Nhưng vẫn phải áp sát, dọn dẹp sạch bối cảnh với các lá khô, bèo… vì cũng có những tấm ảnh cần lấy bóng ảnh dưới mặt nước.

Ý tưởng đầu tiên cho việc chụp hình, triển lãm, làm từ thiện?

Đầu tiên, mấy đứa con thấy ảnh của ba chúng chụp đẹp quá, rồi bạn bè cũng khen ngợi, mới đề nghị ba làm triển lãm. Đúng vào ngày sinh nhật của tôi, 19/9/2009, con làm triển lãm cho tôi ở quán cà phê Molinary (Lê Duẩn, Q.1). Tiền vốn con bỏ ra, cứ bán được bao nhiêu tiền thì ba dùng làm từ thiện. Không ngờ thành công quá, triển lãm 45 bức, bán được 540 triệu đồng, tôi tặng chương trình Ước Mơ Của Thúy của báo Tuổi Trẻ,  cho Gia Đình Tình Thương Thiên Phúc (Nơi nuôi các em mồ côi), cho bà con miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt, số còn lại dành cho bà con quê hương tôi. Tôi cũng không nghĩ tới việc hưởng phúc khi làm từ thiện, chỉ nghĩ xưa mình nghèo, giờ có điều kiện muốn giúp đỡ lại người khác. Có nhiều người đã đề nghị tôi bán ảnh để làm lịch nhưng tôi từ chối, vì tôi muốn ảnh của tôi dành cho việc từ thiện.

Thông điệp anh muốn đưa ra từ ảnh sen?

Tôi không áp đặt ý tưởng của mình với người khác. Chính bức ảnh sẽ nói tất cả những điều tôi muốn nói. Trong các buổi triển lãm, tôi chỉ nhắc tới thông điệp là Hãy sống như sen, hãy yêu sen, hãy mở rộng tinh thần và sống đẹp. Thương yêu và hữu ích.

phunungaynay.vn - Nhiếp ảnh gia Trần Bích: "Đời sen như thể đời người"

Theo anh, sen đẹp nhất lúc nào?

Sen lúc nào cũng đẹp. Khi búp sen vừa hé nở một chút như nụ cười chúm chím, như vẻ đẹp như thiếu nữ 18, 19. Khi nở bung ra thì sen có vẻ đẹp quý phái, thành thục. Còn khi già, lại đẹp lão. Hiện tại, chỉ có sen miền Trung trở ra Bắc mới đẹp. Đẹp về màu sắc. Sen trong Nam bây giờ lai sen Đài Loan mất rồi. Nó to nhưng lá bạc bạc và lại không có gân. Sen truyền thống còn sót lại trong đám lác trong rừng sâu vùng xa, mới đẹp, còn giờ sen trồng thì vẻ đẹp mang tính lặp lại nhiều.

Mỗi năm anh thường lên kế hoạch chụp sen ở đâu?

Không lên kế hoạch chỉ nghe thấy chỗ nào có sen đẹp là đi thôi. Nghe từ bạn bè, và chụp thời gian đã lâu nên biết được mùa này ở đâu có sen đẹp. Vùng nào có sen ở Việt Nam là đi tới không ít thì nhiều. Tôi thường đi Nha Trang. Vùng đó thời tiết cũng đẹp vào mùa sen. Sen gần ruộng, gần núi, thành ra ngoài sen chụp đặc tả, mình có thể có sen với phong cảnh.

Mỗi năm tới mùa sen là ra Bắc vài ba lần. Có lần nghe bạn bè báo về loại sen Tịnh Đế một chồi 2 hoa, tôi bay ra liền. Nhưng đúng tối hôm đó mưa gió, bão bùng, khi ra tới nơi, tôi não nùng nhìn thấy những bông sen rớt hết cánh chỉ còn nhụy.

Hình sen của anh đã nghiêng dần về phong cảnh?

Đúng là trước đây tôi quen chụp đặc tả, nhưng sau này cảm thấy chỉ đặc tả không thì khô quá, mới chụp thêm sen phong cảnh. Tuy nhiên với tôi, đó vẫn chỉ là nguồn ảnh dành cho chơi mạng xã hội, chứ không triển lãm.

Anh đã từng chụp sen với áo yếm?

Tôi đã xác định chỉ chụp sen với áo dài hay bà ba thôi, không chụp với áo yếm. Trước đây rất lâu rồi, có một lần tôi cũng chụp áo yếm ở Hà Nội, nhưng thấy không đẹp bằng chụp sen với áo dài hay bà ba. Thứ nhất vì nó kín đáo, trang nhã, mang vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Thứ hai là với sen cần vẻ đẹp trang trọng.

———————————————————————————————————————————

Trần Bích sinh năm 1946, dân Khánh Hòa, vào Sài Gòn từ năm 1976. Từ 1983 bắt đầu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chủ yếu sử dụng trong nhà hàng và khách sạn.

Từ 19/09/2010 đến 4/1/2013, tổ chức 19 cuộc triển lãm, bán ảnh được gần 3 tỉ đồng dành cho các quỹ từ thiện. Ông nhận nhiều  bằng khen từ các quỹ, hội từ thiện…, từ Bộ Văn Hóa Thông Tin, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Tháp, TP.Đà Lạt…

Tổ chức Kỷ Lục Việt Nam cũng đã cấp bằng chứng nhận 5 kỷ lục Việt Nam về Hoa Sen cho nhiếp ảnh gia Trần Bích và đặc biệt năm 2012, Hội Di Sản Văn Hóa Việt Nam đã tặng bằng khen cho Trần Bích vì đã có thành tích trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Hi Lam (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN