May mà có Tư, đời còn dễ thương

Không phải một cô em Plâyku má đỏ môi hồng trong thơ Vũ Hữu Định, trong nhạc Phạm Duy nhưng với những ai yêu thích cây bút nữ đậm khí chất Nam bộ này có dịp trò chuyện với cô cũng muốn nghêu ngao: May mà có Tư, đời còn dễ thương…

Nếu đã đọc nhiều truyện của Nguyễn Ngọc Tư, bạn mường tượng cô ấy là người thế nào ngoài đời? Có giống như các nhân vật nữ của cô, mộc mạc, buồn bã, nói những lời triết lý theo kiểu rất chân chất hay… dung dị đến tưng tửng? Chúng tôi từng là những đồng nghiệp cũ, cũng có thể coi là bạn bè, bạn văn, thi thoảng cũng trò chuyện đủ thứ, nhưng mỗi lần, cũng với con người ấy tôi lại thấy một phần chân dung khác…

Nguyen_Ngoc_Tu_2

1. Những ngày cuối năm, tôi lên chuyến xe về Cà Mau. Phải nói ngay rằng chủ đích của chuyến đi không phải là gặp Tư mà là để viết bài về những người đã gìn giữ hương vị của món bún mắm, bánh tằm được xem là đặc sản của vùng đất này qua nhiều thế hệ. Tôi gọi cho Tư để cầu may, biết đâu cô có thể là thổ địa giúp tôi gặp được những nhân vật thú vị cho bài báo của mình.

Không ngờ Tư nhiệt tình đến vậy, cô chạy tới khách sạn, đưa tôi đi uống cà-phê và hôm sau lại chở tôi đi tìm một gia đình mẹ truyền con nối bán bánh tằm rất đắt khách. Nhưng xui rủi là những nhân vật mà tôi định gặp để phỏng vấn đều lên tiếng từ chối, người thì sợ bị thuế vụ rầy rà, người thì nói quán của họ đã có đông khách, không có nhu cầu lên báo nữa… Tư nói như an ủi: “Trời ơi, không ngờ dân Cà Mau chảnh dữ vậy. Thôi coi như ông từ Sài Gòn lặn lội xuống đây uống nước với tui cho vui!”. Tôi bật cười, quả thật, may mà có Tư, đời còn dễ thương.

Không gặp được nhân vật như đã định, vậy là Tư nghiễm nhiên trở thành nhân vật của tôi. Cuộc trò chuyện với Tư bắt đầu bằng chuyện văn chương. Bất giác, tôi bảo sao đọc truyện nào của Tư cũng thấy buồn buồn, không khí ảm đạm làm sao. Tư tự trào: “Nếu ông muốn đọc cái gì tươi sáng hơn thì nên đọc Tuổi Trẻ Cười”.

Trong câu chuyện của Tư, ai cũng dễ dàng nhận ra cô không khó để cân bằng giữa vai trò một nhà văn tên tuổi và một bà nội trợ đảm đang. Mỗi ngày, rời trang viết, Tư đi chợ, nấu nướng, đưa đón con và giữ đúng nguyên tắc đi chơi, gặp gỡ bạn bè vui mấy cũng không về quá 10 giờ đêm. Từ khi có con nhỏ, cô cũng thường ngán ngại những chuyến đi xa do không muốn tổ ấm của mình bị xáo trộn. Có thể nhờ yên ổn với cuộc sống bình dị như vậy mà khoảng trời riêng của cô trong địa hạt văn chương có nhiều màu sắc khác.

2. Tư cực đoan. Tư bảo với tôi là cô không thích đi du lịch nước ngoài, vì đến một nơi xa lạ, nghe tiếng nói xa lạ là cảm thấy không thoải mái. Mỗi năm, nếu thu xếp được thời gian, cô chỉ thích đi du lịch trong nước, nhất là miền Đông Bắc hoặc Tây Bắc vì nơi đó có cảnh đẹp và những phong tục còn sót lại. Nữ nhà văn luôn ao ước các con mình lớn nhanh hơn để bố mẹ có thể an tâm đi du lịch xa nhà.

Tư cũng nói rằng cô không quan tâm nhiều đến các bạn văn khác, kể cả những trường hợp mà báo chí gọi là “hiện tượng văn học”. “Thường thì mỗi tác giả, tôi chỉ đọc một cuốn cho biết giọng văn, chứ ít khi đọc tiếp cuốn thứ hai của cùng một người”.

Có một điều Tư khiến người ta nể là tính cô rất dứt khoát, viết xong tác phẩm là thôi, không bận tâm chuyện ai đó chuyển thể thành phim, thành kịch thế nào, có làm mất đi cái hay, cái đẹp của truyện hay không. Cô thường từ chối bình luận về những bộ phim, vở kịch chuyển thể từ truyện của mình vì “đứa con của mình đã mang một đời sống khác, còn tôi thì đang bận tâm với một cuốn sách mới”.

Tư thẳng thắn nói chuyện áo cơm hoàn toàn nhờ vào viết văn và viết báo, và vì viết để bán sách nên chẳng bao giờ dại dột đến mức nghĩ cô viết chỉ để cho mình đọc. Không nói chuyện trên trời, đi vào nỗi đời, đâu có xa lạ mà lo không có người đồng cảm.

Tư từng ví von, nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết, cô sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt, hay gần giống như thế, bởi văn học vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố của cuộc đời, cô luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt.

Khi tôi hỏi khéo vì sao trong những buổi giao lưu với khán giả, bạn đọc, Tư không xuất hiện với váy áo, trang điểm đặc biệt hơn ngày thường, Tư cười xòa và đáp: “Nói thiệt, tôi không thoải mái khi khoác lên mình những bộ áo quá điệu đà. Có lẽ vì vậy mà tôi rất ngại đi giao lưu ra mắt sách hoặc phim chuyển thể từ truyện của mình. Thấy người ta đông, tôi kinh hãi lắm, nhất là phải nói về những chuyện mà mình không quan tâm mấy, như thể chưa từng có trong đầu mình vậy”.

Giữa thời của mạng xã hội, một người trong giới viết lách lại không chơi Facebook cũng là chuyện lạ. Tư “ sợ nghiện và tốn thời gian”. Cô chẳng quan tâm đến những tin tức sự kiện trên báo chí. Tư bảo: “ Tôi giống như bà bán rau ngoài chợ, thắc mắc chi những chuyện to tát bởi ngày mai mình cũng phải bán rau tiếp tục để kiếm sống, chớ có đổi đời được đâu?”.

3. Tư khiến tôi ngạc nhiên khi cô cho biết mình thích chơi với đàn ông hơn với đàn bà. Cô giải thích, làm bạn với đàn ông đem lại cho cô cảm giác an toàn và ít mệt mỏi, trong lúc đàn bà ngồi với nhau thường nhiều chuyện, chủ đề quanh đi quẩn lại cũng chỉ toàn chuyện son phấn, quần áo, con cái. Tuy vậy, cô thẳng thắn thừa nhận đa phần đàn ông Cà Mau có những tật xấu cố hữu như lười biếng, bằng lòng với vuông tôm, mảnh vườn và ham nhậu!

Dường như Tư không có gì để than phiền về cuộc sống hiện tại và cũng chưa bao giờ có ý định rời bỏ Cà Mau lên Sài Gòn cho tiện việc viết lách và tìm môi trường học hành tốt hơn cho con cái. “Ở Cà Mau có cái sướng là ra đường, người ta chẳng biết mình là ai, thậm chí mỗi lần có bạn bè về Cà Mau, nhiều nhân viên khách sạn còn tưởng tôi là… xe ôm hay sao mà nay thấy đưa người này, mai đón người kia”.

Tư cười, giọng cười giòn tan… và rồi cô nhắc tôi nhớ một điều tưởng như bất thường là trong suốt cuộc trò chuyện khá dài, cả hai chúng tôi không hề chụp hình “tự sướng” cũng như động đến chiếc điện thoại di động. Cô bảo mấy lần lên Sài Gòn ngại nhất là một số người quen xã giao lấy điện thoại ra đề nghị chụp hình “tự sướng” với cô xong post lên Facebook họ như cả hai là bạn bè thân tình… “Tôi không chơi Facebook nhưng có chuyện gì liên quan đến mình trên mạng xã hội này đều có người gọi điện kể cho tôi nghe hết đó nha!”, Tư nói nửa đùa nửa thật…

Benjamin Ngô (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN