Khi dân công sở đi…buôn

Tất nhiên là chỉ đi buôn trên mạng thôi. Gặp phải thời buổi kinh tế khó khăn, chỉ trong chờ vào đồng lương thì chết. Thôi thì làm được cái gì kiếm thêm thì làm. Mà sẵn tiện công sở hoạt động cầm chừng, có thời gian rỗi việc, không tranh thủ mua đi bán lại trên mạng kiếm đồng ra đồng vào, cũng hơi phí…!

Mua sale 70 bán sale 30

Sau một hồi hì hụi làm ruốc cá, ruốc tôm, ruốc gà… để tranh thủ bán trên mạng kiếm thêm, chị Cẩm Tú, nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp nhà nước phải… kêu trời vì mệt. “Không phải là không kiếm được nhưng bạn tưởng tượng mà xem, vừa phải hì hụi làm, xong có đơn hàng thì phải chuyển đi. Mà đơn hàng thì lắt nha lắt nhắt, từng 100gr một. Đưa hàng trong giờ làm thì không được. Ngoài giờ làm thì lại còn gia đình, con cái. Hồi đầu thì cũng thấy vui vui, mừng mừng vì có thêm đồng ra đồng vào nhưng sau tính toán thì tiền lãi chẳng đủ tiền công, bèn đóng cửa luôn cái topic này và nghĩ cách làm ăn khác”, chị Cẩm Tú chia sẻ.

Khi dân công sở đi...buôn

Thế là đang từ tổ chức sản xuất – phân phối – kinh doanh trọn gói, “ăn” từ A đến Z, chị Cẩm Tú chuyển chiến lược kinh doanh sang “hớt ngọn”. “Vẫn kinh doanh thực phẩm thôi, vì sẵn mối khách hàng rồi. Mình chuyển hướng sang mua bán các loại thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em và người già ở trên mạng. Ngày ngày ngồi lùng các chương trình giảm giá ở các mạng nước ngoài. Cứ ở đâu siêu giảm giá khoảng 70% trở lên thì đặt. Xong tính cả chi phí ship về… báo giá bán lại giảm khoảng 30% là OK. Người mua vẫn mua được sản phẩm với giá tốt mà mình cũng có chút ít thu nhập. Lại không phải lo sản xuất, bảo quản sản phẩm như thời gian trước”.

Không lằng nhằng săn hàng sale ở các website nước ngoài như chị Cẩm Tú, chị Thu Hằng, nhân viên phát hành của một tạp chí lại săn luôn trên các website trong nước. Chị Hằng là thành viên của một diễn đàn gia đình. Chị cũng lập một topic mua đi bán lại những thứ “còn mới tinh nhưng mình không dùng nữa”. Thực chất là chị mua rẻ ở các website mua chung. Khi các website này hết đợt bán của sản phẩm đó, thì chị lại rao bán ở topic của mình. “Cứ mua sale 70% thì bán lại sale 30%. Cũng có người comment rằng “hôm nọ” web mua chung này kia bán sản phẩm này sale những 70%, nhưng có sao đâu, ai có nhu cầu thì họ vẫn sẽ mua, dù sao cũng vẫn là mua giá rẻ mà”, chị Hằng cho biết thêm.

Một người bán rẻ, cả cơ quan được nhờ

Cũng là lập các topic bán hàng trên mạng nhưng sau một hồi quá vất vả vì chuyện giao hàng, nhiều người chuyển hướng sang… kinh doanh nội bộ, tức là chỉ rao bán và giao hàng tới các đối tượng là đồng nghiệp trong cùng cơ quan, cùng tòa nhà hay các địa bàn lân cận khu vực làm việc, và sản phẩm phân phối cũng tập trung vào phục vụ dân văn phòng. Chị Hoàng Thúy, nhân viên tòa nhà Sông Hồng, cho biết: “Trước tôi kinh doanh quần áo trên mạng, đánh hàng Made in Việt Nam, cả người lớn lẫn trẻ em. Nhưng chỉ được một thời gian thôi là stress trầm trọng. Những đợt có hàng mới, ngồi ở cơ quan cứ như ngồi trên đống lửa. Cứ 5 – 10 phút lại một cuộc điện thoại, thậm thà thậm thụt, xong lại trốn việc đi giao hàng… Sếp thì la, đồng nghiệp thì bực bội vì hay bị tôi… nhờ vả. Sau này, tôi rút kinh nghiệm, chỉ chọn những line hàng phục vụ cho dân công sở, rồi nhắn tin, gửi mail cho mọi người trong cơ quan và tòa nhà để ủng hộ”.

Khi dân công sở đi...buôn

Hình thức buôn bán kiểu này cũng khiến các công sở có nhiều chuyện vui để nói. Có chị đánh hàng hộp cơm văn phòng về đúng đợt phong trào mang cơm lên văn phòng ăn, vừa vệ sinh, vừa tiết kiệm. Thế là mọi người ào ào đăng ký. Khổ nỗi là hàng giảm giá nên chỉ có một mẫu. Thế là đến bữa nhầm lung tung cả. Mỗi người lại phải viết tên vào hộp cơm. Rồi mà vẫn nhầm lẫn, đến bữa là đi dò từng cái nắp, hộp nào là Hương A, hộp nào là Hương B…

Một chuyện khác. Chị Bảo Ngọc, “trùm nhậu” ở một cơ quan truyền thông, một ngày đẹp trời bỗng dưng tuyên truyền cho cả anh em lẫn chị em về một loại thực phẩm chức năng hạn chế hấp thụ chất đạm. “Đảm bảo nhậu mà không béo bụng” – slogan quảng cáo ngày nào cũng được chị Bảo Ngọc treo ở status cả YM, FB lẫn Gmail. “Sau một hồi “quẳng cáo”, hàng nhập về không kịp bán, mà chỉ loanh quanh ở cơ quan với nhau thôi đấy!”, chị Bảo Ngọc vui vẻ chia sẻ. “Mà cái hay là sau khi có cái món này, bỗng dưng anh chị em trong cơ quan không ngại phát phì nữa, đâm có người đã mất tiền mua thì chớ lại còn cảm ơn mình vì sản phẩm thú vị” (?!).

Tai nạn nghề nghiệp

Tất nhiên, 8 giờ vàng ngọc ở cơ quan là để dành cho công việc. Những người đã trót tham gia vào “hội buôn online” thì không thể tránh được việc ăn cắp giờ giấc cơ quan. Những người thích buôn bán theo kiểu săn hàng sale để bán hàng sale thì còn phải mất thời gian gấp đôi.

Khi dân công sở đi...buôn

Hơn nữa, các mặt hàng sale trên mạng, đặc biệt là ở các trang mua chung không phải là lúc nào cũng đảm bảo chất lượng. Lỡ “ôm” về rồi nhiều khi bán lại giá rẻ cũng chẳng có ai mua. Một số website mua chung không cho phép thành viên đăng ký mua số lượng nhiều trên mỗi món hàng, nên ai thích kinh doanh theo hình thức này càng mất nhiều thời gian “dò dẫm” trên mạng hơn. Nhất là những mặt hàng ship về từ các website nước ngoài. Nhiều khi chủ hàng nhận hàng về xong cũng phải… há mồm vì không ngờ website nước ngoài cũng làm ăn mất uy tín như thế.

Vì lừa đảo online không hề có quốc tịch, phải không các bạn thích đầu tư?

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN