Nhà Việt Nam học Daria Mishukova: Tính hiện đại mang lại sức sống mới cho Tết Việt

Nhìn ở khía cạnh Việt Nam học, Daria Mishukova đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu văn hóa Việt ra quốc tế. Để ổn định và gắn bó dài lâu hơn với Việt Nam, Daria đã trở thành giám đốc thương hiệu và marketing của tập đoàn Long Beach Pearl, kiêm tổng quản lý Trung tâm nuôi cấy ngọc trai tại Phú Quốc. Sau 20 năm gắn bó với Việt Nam, có thể nói không ngoa rằng Daria thuộc nhóm thiểu số (tính luôn người Việt) những người có hiểu biết sâu sắc về nguồn cội và văn hóa Việt.

Nhà Việt Nam học Daria Mishukova: Tính hiện đại mang lại sức sống mới cho Tết Việt

“Lần đầu tiên Daria đã nghe chữ “Tết đến, Xuân về” và “Tết Nguyên Đán” trong những buổi giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam vào năm 1995, sau khi đã thi vào trường đại học chuyên ngành Đông Phương học, Việt Nam học. Tết năm 1996 cô giáo người Việt Nam đã mời sinh viên học trong lớp đến nhà cô giáo ăn Tết, trải nghiệm thực tế không khí Tết Việt. Cô giáo đã nấu các món ăn tiêu biểu mà người Việt Nam thường dùng vào những ngày Tết, trong đó có bánh chưng. Daria đã gắn bó với văn hóa Việt Nam gần 20 năm rồi. Có thể nói Tết Việt đã vào cuộc đời của mình từ năm 1996 đến nay. Tết đầu tiên thực sự trải nghiệm tại Việt Nam là Tết 1998. Lúc đó là sinh viên thực tập tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Vào những ngày Tết, Daria đi chúc mừng bạn bè Việt Nam, hoặc chỉ ở lại nhà, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đối với cá nhân Daria, Tết Dương lịch vẫn có ý nghĩa đặc biệt hơn nhiều”, Daria Mishukova dành cho tạp chí Phụ nữ ngày nay cuộc trò chuyện gần gũi, giản dị về Tết Việt.

Dù mùa Xuân chính của chị là Tết Tây, nhưng trong những lần tham dự Tết Ta đó, cảm xúc và ấn tượng của chị thế nào?

Daria có nhiều dịp thưởng thức không khí Tết tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga. Daria nhìn thấy rõ sự thay đổi trong phong cách ăn Tết của xã hội Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Trước tiên, nếu đánh giá theo đồ trang trí các trung tâm thương mại, văn phòng và cơ quan nhân dịp Tết, thì năm nào cách trang trí Tết cũng trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn. Cách gói quà cũng vậy. Đây là xu thế chung đối với tất cả những ngày lễ hội truyền thống. Con người hướng về cội nguồn và sử dụng những mô-típ truyền thống để làm cho quà kinh doanh và quà tặng có thêm ý nghĩa văn hóa dân tộc.

Nhiều khi, cuộc sống hiện đại, lối sống mới trong điều kiện toàn cầu hóa ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, một số nét đẹp bị phai màu theo thời gian. Tuy nhiên, có thể nêu lên một số ví dụ rất rõ nét, đã được nổi lên, được tăng lên tính truyền thống, nâng cao thêm giá trị văn hóa dân tộc, chính vì hiện đại hóa toàn diện: Lì xì Tết. Daria có sưu tập bao lì xì từ năm 1996. Lúc đó lì xì của người Việt nhân dịp Tết là một phong bì giấy mỏng, màu đỏ, có chữ Trung Quốc, không có chữ Việt (!!!). Người nước ngoài từ xưa đến nay, khi nhìn thấy phong bì lì xì viết chữ “Vượng”, đều thấy rất ngạc nhiên: làm sao mà Tết Việt mà người Việt tặng cho nhau lì xì ghi chữ Hán. Xu hướng hiện đại về chăm sóc khách hàng và quà tập thể (gift corporate) khuyến khích các công ty thương mại, du lịch, ngân hàng, các thương hiệu khác nhau từ lĩnh vực ẩm thực cho đến lĩnh vực sản xuất,thiết kế lì xì theo phong cách của công ty. Và chính giới đoàn thể

(corporate) đã đưa tiếng Việt vào lì xì. Đây là một ví dụ rõ ràng, khi tính hiện đại đã mang lại sức sống mới và cũng có thể tính chất dân tộc của hiện tượng văn hóa như lì xì được nâng lên.

Nhà Việt Nam học Daria Mishukova: Tính hiện đại mang lại sức sống mới cho Tết Việt

Nhiều người nói đàn ông Việt và phụ nữ Việt ăn Tết có nhiều điểm khác nhau, chị có thấy vậy không?

Ngày 8/3 và Ngày phụ nữ Việt Nam – phái đẹp đã là nhân vật chính. Cả nam và nữ mua quà, nhưng bên nhận quà lại là nữ. Tết Việt Nam, như tôi đã quan sát trong những năm qua, không tạo ra sự khác biệt theo giới tính, như hai ngày lễ nói trên. Tết mang lại niềm vui cho tất cả mọi người: từ trẻ con đến người lớn, cả nam và nữ. Tất nhiên, vì vai trò của từng giới tính, từng thế hệ trong gia đình và xã hội có sự khác biệt, thì trong cách ăn Tết có sự khác biệt tương tự. Tuy nhiên, theo cảm nhận của Daria, Tết Việt Nam chú trọng nhiều hơn đến người lớn tuổi, đặc biệt là với lì xì mừng thọ. Trong khi Tết năm mới ở Nga, đối tượng được quà nhiều nhất là trẻ con.

Từ góc độ một nhà Việt Nam học, chị nghĩ Tết Việt có đóng góp gì cho di sản chung của nhân loại, ngoài chữ “Tết” thường để nguyên khi dịch?

Mỗi nền văn hóa đóng góp vào sự đa dạng văn hóa nhân loại với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của mình. Giống như rừng hoa, càng rực rỡ hơn, càng nhiều sắc màu tươi thì càng đẹp. Noel và Tết năm mới Dương lịch trở thành ngày lễ quốc tế, đều được tổ chức ở khắp năm châu. Tết Âm lịch lại có sự khác biệt. Được phổ biến ở một số nước châu Á, nhưng ít khi được biết đến ở các nước châu Âu. Các thành phố ở Việt Nam, đặc biệt Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang,… đều được trang trí đẹp với cây thông và những đồ trang trí có phong cách châu Âu từ đầu tháng 12. Trong khi các thành phố của các nước Tây và Đông Âu, Nga, Bắc và Nam Mỹ, Úc, New Zeland, châu Phi… không có trang trí đặc biệt nhân dịp Tết Âm lịch (trừ trường hợp cộng đồng người Trung Quốc, Việt Nam… ở nước sở tại trang trí cho riêng họ). Bên cạnh đó, ở đại đa số nước châu Âu, Mỹ, Úc…, Tết Âm lịch được biết đến như Tết Trung Quốc, không phải là Tết Việt Nam. Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là một ngày lễ hội thiêng liêng của dân tộc Việt, đối với người khác là một ngày bình thường.

Nhà Việt Nam học Daria Mishukova: Tính hiện đại mang lại sức sống mới cho Tết Việt

Vậy theo chị, có cách nào để quảng bá Tết Việt?

Quảng bá Tết Việt Nam, câu hỏi là: Để làm gì? Vào ngày Tết, ai muốn vui chơi, ai muốn làm việc? Muốn duy trì Tết Việt như một ngày lễ truyền thống thì chia sẻ niềm vui ngày Tết với người thân, gia đình và bạn bè. Muốn quảng bá Tết Việt Nam như sản phẩm du lịch, trước khi làm bước đầu, nên hiểu rõ: việc tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa là công việc nghiêm túc, có tính triệt để, đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự chú ý.

Một người Nga được người Việt yêu quý

Ngoài cuốn sách Việt Nam – Đất nước con Rồng cháu Tiên, Daria Mishukova đã viết nhiều bài về văn hóa, đất nước và phong tục tốt đẹp của Việt Nam trong các tạp chí hãng hàng không của Nga. Năm 2012, Daria đã được trao Kỷ niệm chương của Bộ VH,TT&DL Việt Nam vì sự đóng góp vào việc xây dựng và phát triển ngành. Daria có uy tín cao trong lĩnh vực phát triển thương hiệu và tiếp thị, quảng bá thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài. Chính Daria đã tạo ra câu chuyện vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015, mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp, gắn nó với văn hóa và truyền thống Việt Nam. Trong 10 năm qua, Daria Mishukova đã xuất hiện trước báo chí Việt Nam với hơn 150 phỏng vấn và bài viết chân dung, là một người Nga được tôn trọng và yêu quý tại Việt Nam.


Ảnh nhân vật cung cấp

Lý Đợi (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN