Cách phòng tránh một số bệnh khi môi trường ngày càng ô nhiễm

Tại các thành phố lớn, môi trường ngày càng ô nhiễm nên người dân dễ mắc các bệnh mắt, tai mũi họng, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh tim mạch và ung thư

Một số bệnh thường gặp ở trẻ em:

Viêm tai giữa

Viêm tai giữa thường xảy ra vào mùa Thu và mùa Đông sau khi bị cảm lạnh và cúm dễ đưa đến các bệnh tai mũi họng. Môi trường ô nhiễm nhiều bụi bặm và khói thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai. Để chẩn đoán, thầy thuốc khám ống tai của trẻ đồng thời cho trẻ chụp X quang vùng đầu cổ tìm tổn thương bên trong xương chũm. Để phòng ngừa, nên cho trẻ khám bệnh tai mũi họng định kỳ, không tự ý lấy ráy tai hay dị vật trong tai trẻ mà nên đem đến thầy thuốc chuyên khoa, giữ ấm cho trẻ để ngăn ngừa cảm cúm, dạy trẻ rửa tay thường xuyên và và dạy cho các em cách ho hay hắt hơi đúng cách. Tránh nơi bụi bặm và nhiều khói thuốc lá, ra đường nên đeo khẩu trang.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là viêm niêm mạc ống phế quản dẫn không khí ra vào phổi mà nguyên nhân thường do hút và ngửi khói thuốc lá, không khí ô nhiễm nhiều bụi bặm và khí độc. Trong vài ngày đầu, khó phân biệt các dấu hiệu của viêm phế quản với cảm lạnh thông thường. Thầy thuốc dùng ống nghe để nghe phổi, chụp X quang xác định viêm phế quản, xét nghiệm đàm xem bệnh do vi khuẩn hay do dị ứng. Viêm phế quản thường do nhiễm siêu vi nên thuốc kháng sinh không có hiệu quả, thầy thuốc chỉ kê toa kháng sinh khi nghi ngờ do vi khuẩn.Tốt nhất là không nên dùng thuốc ho vì ho giúp loại bỏ đàm nhớt và dị vật từ trong phổi ra ngoài. Để phòng viêm phế quản, nên tránh khói thuốc lá, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra đường hay ở nơi đông người.

Cách phòng tránh một số bệnh khi môi trường ngày càng ô nhiễm

Viêm phổi

Môi trường ô nhiễm và thời tiết giá lạnh dễ phát sinh bệnh viêm phổi. Một số vi khuẩn, siêu vi và nấm gây viêm phổi đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu viêm phổi bao gồm sốt và ớn lạnh, ho đàm, đau ngực kèm khó thở. Viêm phổi nặng do vi khuẩn liên cầu phổi ảnh hưởng một thùy phổi nên còn gọi là viêm phổi thùy. Thầy thuốc chẩn đoán bằng cách hỏi bệnh sử và dùng ống nghe tìm âm thanh phổi bất thường. Khi nghi ngờ, thầy thuốc cho chụp X quang phổi, xét nghiệm đàm tìm nguyên nhân gây viêm phổi. Phương pháp điều trị bao gồm thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn, nuôi cấy và làm kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn và lựa chọn kháng sinh. Để phòng bệnh viêm phổi, nên chích ngừa vi khuẩn và siêu vi gây bệnh viêm phổi cho trẻ dưới hai tuổi và người già trên sáu mươi tuổi. Giữ vệ sinh môi trường, rửa tay bằng cồn. Tránh khói thuốc lá, đeo khẩu trang và giữ ấm trong mùa lạnh.

Hen suyễn

Hen suyễn là do phế quản co thắt và tiết chất nhầy làm ho khò khè, khó thở nhất là về đêm. Cơn hen suyễn nặng hơn khi trời lạnh, môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, nấm mốc và hóa chất. Để chẩn đoán, thầy thuốc cho người bệnh đo chức năng phổi bằng máy phế dung kế hay lưu lượng đỉnh kế, chụp X quang phổi và xoang mũi tìm cấu trúc bất thường gây ra hen suyễn. Trong cơn hen suyễn, cần hạ cơn nhanh bằng thuốc chẹn beta tác dụng ngắn như albuterol hay salbutamol dạng hít hoặc phun sương. Ngoài cơn hen suyễn, thầy thuốc cho toa thuốc ngừa cơn hen như corticoid dạng hít fluticason hay beclomethasone. Làm vệ sinh nhà bếp, phòng tắm và quanh nhà ngừa nấm mốc. Cho trẻ che mũi miệng khi ra ngoài môi trường ô nhiễm hay trời lạnh.

Cách phòng tránh một số bệnh khi môi trường ngày càng ô nhiễm

Theo thống kê từ bệnh viện Nhi đồng 1, 2, lượng bệnh nhi mắc hô hấp điều trị tại đây tăng cao trong thời gian qua, quá tải khoảng 20% so với số giường hiện có. Đa số các bé nhập viện do viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, hen suyễn, một số ít chuyển sang viêm phổi, thậm chí có dấu hiệu suy hô hấp. (Tại cuộc họp với Sở Y tế TP. HCM ngày 6/11/2015).

Một số bệnh thường gặp ở người lớn:

Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng là tình trạng ngứa ngáy, sưng đỏ, bong tróc hay lột da do dị ứng với thức ăn hay các chất độc hại trong môi trường ô nhiễm. Nấm mốc nơi màn cửa, gỗ mục, phân và rác, lông thú, nước bọt và nước tiểu chó mèo hay chuột là các tác nhân gây dị ứng. Để phòng bệnh, nên vệ sinh trước khi đi ngủ để rửa sạch chất gây dị ứng trên tóc và da. Giảm nấm mốc bằng cách bớt cây cảnh và thường xuyên làm vệ sinh vòi sen, màn cửa, phòng tắm và thùng rác. Nên bỏ bớt màn cửa, gối bông, bọc nệm và đồ chơi. Không nên dùng thảm mà nên lau sàn nhà và dùng máy hút bụi. Trị bệnh bằng thuốc kháng histamin giảm hắt hơi, sổ mũi và ngứa ngáy, thuốc corticoid hiệu quả nhanh nhưng không nên dùng lâu dài.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là viêm lớp màng trong suốt bao phủ mi mắt và lòng trắng của mắt. Nguyên nhân đau mắt đỏ do môi trường ô nhiễm chứa nhiều siêu vi, vi khuẩn, chất gây dị ứng hay hóa chất. Khi đau mắt đỏ do vi khuẩn, thầy thuốc kê toa thuốc kháng sinh nhỏ mắt, còn nếu do siêu vi chỉ cần nhỏ dung dịch nước muối sinh lý trong vài ngày. Để phòng ngừa đau mắt đỏ nên vệ sinh phòng ốc, không dụi mắt, rửa tay thường xuyên, không dùng chung khăn tắm hay khăn lau mặt, không dùng chung mỹ phẩm. Khi đi ra đường nên đeo kính, về nhà nên rửa mắt và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.

Cách phòng tránh một số bệnh khi môi trường ngày càng ô nhiễm

Bệnh ung thư

Môi trường ô nhiễm chứa nhiều bụi khói, hóa chất độc hại gây ung thư như amiang và benzen. Ngoài ra, ung thư còn do hút thuốc, tia phóng xạ, hóa chất, nghiện bia rượu, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng. Khi thầy thuốc phát hiện khối u bất thường ở một cơ quan sẽ cho làm xét nghiệm máu, siêu âm và X quang, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI các vùng nghi ngờ ung thư. Biện pháp cuối cùng là sinh thiết lấy một mẫu mô tìm tế bào ung thư. Thầy thuốc dùng phẫu trị loại bỏ khối u, hóa trị bằng thuốc và xạ trị bằng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Phòng ngừa ung thư bằng cách bỏ thuốc lá, tránh tiếp xúc với ánh nắng vì có tia cực tím gây ung thư da, đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ và dùng kem chống nắng. Ăn nhiều rau quả và trái cây, bớt thịt mỡ, đồ nướng, đồ chiên xào, uống rượu dưới hai ly mỗi ngày. Khám sàng lọc ung thư mỗi năm một lần. Chủng ngừa viêm gan B giảm nguy cơ ung thư gan, chủng ngừa siêu vi u nhú HPV giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

BS. Đào Ty Tách
Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN