Bài tập cho người giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân là chứng bệnh phổ biến thường gặp phải ở những người ít vận động, thường xuyên đứng và ngồi nhiều… Bệnh tuy không gây nguy hiểm ở giai đoạn đầu nhưng nếu để biến chứng sẽ rất nguy hiểm, gây cản trở đến sinh hoạt và đi lại, ngoài ra những mạch máu li ti nổi thành hình mạng nhện và những búi gân nổi cộm dưới da sẽ là điều ác mộng đối với cánh chị em phụ nữ. Vậy chúng ta cần có những phương pháp tập luyện nào để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị chứng giãn tĩnh mạch? Cùng tham khảo một số bài tập dành cho người bị giãn tĩnh mạch sau đây.

1. Bài tập ở tư thế nằm Đạp xe trên không

Trải một tấm thảm êm xuống nền nhà để đề phòng các chấn thương, nằm ngửa trên tấm thảm, hai tay đặt xuôi với thân người, chân thả lỏng. Từ từ đưa hai chân lên cao và thực hiện động tác như đang đạp xe đạp. Chú ý nâng càng cao chân thì lượng máu lưu thông càng lớn. Thực hiện khoảng 20 nhịp hoặc tiếp tục cho đến khi bạn cảm thấy máu đang dồn về phía đùi là được.

Bài tập cho người giãn tĩnh mạch chân

Ép chân

Vẫn ở tư thế nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, đặt hai tay lật úp ở dưới mông. Từ từ nâng lưng khỏi mặt đất và nâng chân trái lên cao sao cho chân vuông góc với mặt đất càng tốt. Tiếp tục nâng lưng cho đến khi đầu chạm vào chân trái, giữ tư thế này cho đến khi cảm thấy màu dồn về đùi thì đổi chân phải.

Trồng cây chuối

Lựa chọn điểm tập có bức tường, nằm ngửa hai tay đặt dưới mông, một phần mông tiếp xúc vào bức tường, hai chân gác lên tường sao cho chân càng sát vào tường càng tốt. Giữ nguyên cho đến khi cảm thấy máu dồn về hai đùi thì dừng lại thả lỏng chân trong vài phút để máu lưu thông trở lại rồi tiếp tục lặp lại động tác.

Bài tập cho người giãn tĩnh mạch chân

2. Bài tập ở tư thế đứng

Kiễng gót

Đứng nghiêm, hai chân hơi mở, lần lượt kiễng gót chân phải rồi trái, dồn trọng lượng vào chân trái khi chân phải kiễng lên và ngược lại. Thực hiện nhịp nhàng trong vòng 30 nhịp, sau đó có thể thực hiện động tác kiễng gót chân và đi bộ khoảng 20 bước.

Ngồi xuống đứng lên

Đứng nghiêm, hai chân hơi mở. Kiễng hai gót chân cùng lúc giữ khoảng 5 giây rồi ngồi xổm xuống, hai gót chân hạ về chạm đất, tiếp tục lặp lại 20 nhịp mỗi lần.

Gập và uốn bàn chân

Đứng nghiêm, nâng chân trái về trước một góc khoảng 45 độ, gập cổ chân lên xuống đều đặn 20 lần rồi xoay tròn khớp mắt cá chân, đổi chân và lặp lại động tác khi thấy hết mỏi, căng cơ ở bàn chân và khớp mắt cá chân.

3. Bài tập ở tư thế ngồi

Di chuyển hai chân lên xuống

Ngồi trên ghế, hai chân đặt vuông góc với mặt đất, chân trái bước lên trước và để gót chạm đất, chân phải bước nhỏ về phía sau và để mũi chân chạm đất, đổi chân, thực hiện 20 nhịp mỗi lần.

Hất mũi chân

Ngồi trên chiếc ghế đẩu, lưng dựa vào thành ghế, hai chân đặt vuông góc với mặt đất. Nâng chân trái lên hơi gập về phía bụng và đá hất mạnh mũi chân thẳng về phía trước. Lặp lại với chân phải và thực hiện 20 nhịp mỗi lần.

Kiễng chân

Ngồi tựa lưng vào ghế, hai chân vuông góc với mặt đất, kiễng gót chân trái 10 lần sau đó đổi chân phải và cuối cùng là kiễng gót hai bàn chân cùng lúc thêm 10 nhịp nữa. Thực hiện xong động tác kiễng gót chân, thực hiện thêm động tác sau: để gót chân chạm đất, nửa bàn chân trước nhấc khỏi mặt đất và thực hiện tương tự như động tác kiễng gót chân, 10 nhịp chân trái, 10 nhịp chân phải và 10 nhịp cả hai chân.

Ngoài các động tác trên đây, các bạn có thể chọn một số môn thể thao phù hợp như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu… để luyện tập. Nhưng lưu ý đối với các môn vận động thường xuyên như đi bộ, chạy bộ, thể dục nhịp điệu… cần mang vớ y khoa hoặc giày sang chấn khi luyện tập để tránh tình trạng bệnh càng nặng hơn do những sang chấn gây ra khi tập luyện.

Bài: H.D

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN