Lời đáp nào cho việc dạy con quá khuôn mẫu và áp đặt của cha mẹ?

Tâm lý người làm cha mẹ, hầu như ai cũng mong muốn con cái mình cũng thuộc hàng thành đạt, có địa vị cao trong xã hội và được mọi người ngưỡng mộ, người người cúi đầu chào thưa. Vâng, cái tâm lý này ai mà từng làm cha mẹ sẽ hiểu. Tuy nhiên, một số cha mẹ lại áp dụng chiến lược “ép bức” tinh thần, điều này có thật sự tốt cho con cái?

Chỉ lo thành tích mà cướp đi niềm vui con trẻ

Chị Diễm (35 tuổi) hiện là Hiệu trưởng một trường tiểu học cũng khá danh tiếng ở nơi chị sinh sống. Vì không muốn bị mang tiếng “con Hiệu trưởng mà học hành chẳng bằng ai” nên chị luôn dồn ép con mình bằng một lịch trình kín mít, không có nhiều thời gian trống. Hằng ngày, sau khi học chính thức ở trường về, con bé phải học thêm buổi chiều, học đàn hát hay vẽ tranh buổi tối. Cuối tuần, đôi khi con bé xin mẹ đi chơi với bạn bè hay du lịch đâu đó, chị đều không cho và bảo con bé nên ở nhà đọc thêm sách vở để tăng kiến thức. Bên cạnh đó, thời gian dành tâm sự hay lắng nghe những suy nghĩ của con mình cũng không có, phần do công việc bận rộn, phần nghĩ rằng điều đó không cần thiết nên khoảng cách giữa chị và con mình ngày càng xa hơn.

hoc-cach-tri-mun-ve-an-do-22

Ảnh minh họa

Và rồi, kết quả của quá trình “rèn luyện” ấy là một kết quả như chị mong đợi: cuối học kỳ ấy, con bé đạt thành tích nhất khối. Tuy nhiên, nó bắt đầu có triệu chứng ít nói lại, tính phản xạ với những vấn đề cũng trở nên ì ạch, thiếu linh hoạt.

Mười ba tuổi đầu, lần đầu tiên “chảy máu”, nó thậm chí không nói với chị, mà òa khóc  với bà dì của mình vì đang lo lắng mình mắc phải căn bệnh nào đó.

Ở chung thì vậy, còn khi được sổ lồng…

Những năm tháng được chị “kiềm cặp”, cón bé luôn đảm bảo thành tích như ý và khiến chị cảm thấy tự hào mỗi khi ai đó khen “con gái Diễm đúng là có gen thông minh giống mẹ”. Nhưng chị không thể quản mãi nó cho đến khi nó vào một trường chuyên của tỉnh. Do khoảng cách từ trường đến nhà quá xa nên buộc phải thuê nhà trọ ở tiện công việc học hành.

Lúc đầu, chị còn xin nghỉ mấy ngày phép để tập cho con mình quen nhưng đây hẳn không phải cách tốt nhất bởi chị và chồng còn có công việc riêng phải giải quyết mỗi ngày. Rồi thì cái ngày con bé chính thức được “sổ lồng” cũng đến. Lúc đầu thì hầu như ngày nào chị cũng gọi điện hỏi thăm tình hình học hành, lịch học ra sao nhưng dần dần, cũng không thể quản mãi như vậy, chị đành nghe theo lời chồng, để cho con mình được tự giải quyết mọi thứ.

20111014145718_anh1vietThành tích học kỳ đầu, con chị nằm trong top học sinh giỏi của lớp, điều này khiến chị hài lòng và rất an tâm vào sự ngoan ngoãn của con mình. Rồi thì sự quan tâm, hỏi han mỗi ngày cũng ít đi. Những tháng sau đó, cũng không thấy con mình báo về kết quả học tập như thế nào, chị quyết định gọi trực tiếp giáo viên đứng lớp để hỏi han tình hình. Chị giật mình khi biết con mình thường xuyên vắng mặt ở lớp và thành tích giảm sút đáng kể, từ loại giỏi giờ thường xuyên trong top học sinh trung bình.

Giận dữ, chị tìm đến nhà trọ con đang ở thì biết: con mình dạo này đang chơi với một nhóm cá biệt trong trường, thường xuyên nghe lời tụ tập ăn chơi nên nghỉ học, không chỉ thế nó còn nhuộm tóc, ăn mặc trông bụi bặm. Chị không dám tin con mình từ một đứa ngoan hiền, luôn đứng đầu thành tích giờ lại thành ra như thế…

Vì đâu nên nỗi?

Một câu hỏi đặt ra là lỗi tại ai? Tại con mình ngờ nghệch, không được dạy dỗ kiến thức cuộc đời từ nhỏ hay vì bản thân người làm cha, làm mẹ không định hướng đúng cho con ngay từ đầu, để chúng mờ mịt trước mọi thứ và với cái đầu rỗng tếch về thực tế, chúng dễ dàng rơi vào những cạm bẫy cuộc đời….

 Diên Vỹ (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN