Cũng như bao bà mẹ công sở khác ở thành phố, chuyện đưa đón con đến trường là một trong những việc quan trọng đến độ nếu không giải quyết được nó, sẽ chẳng yên tâm mà làm được gì. Nhưng rồi cũng đến lúc phải để con tự đi học. Với tất cả các bà mẹ, thời điểm này luôn được trì hoãn dù biết rằng con đã lớn. Khi con tự đi học, con đã lớn và thậm chí khi con đã là người bạn của mẹ thật sự…

Một chương trình truyền hình thực tế đã quay cảnh các bé 3-4 tuổi tự đi ra đường, đến siêu thị, mua hàng hóa giúp bà và mẹ. Các bà mẹ thích thú xem chương trình nhưng nếu hỏi có dám để cho con tự đi như thế một mình, không có ai đi đằng sau, mình chắc chắn chẳng bà mẹ nào dám gật đầu. Dưới 6 tuổi, kể cả đã thuộc đường, cho con tự đi bộ là chuyện gần như tuyệt đối không xảy ra. Những năm đầu cấp 1, nếu nhà rất gần trường thì cảnh ông bà, bố mẹ dắt con đi học vẫn là chuyện thường thấy. Cho đến lớp 4-5, may ra các mẹ mới dám mon men cho các con tự đi bộ nếu nhà cách trường vài trăm mét. Ngoài chuyện an toàn giao thông, nỗi lo con đi lạc, con bị bắt cóc… thường trực trong tâm trí nên các bà mẹ cẩn thận chỉ dám nhờ ông bà, người thân chứ cũng không dám nhờ xe ôm chở con đi.

Khi nào con tự đi học một mình...?

Đưa đón con đi học còn là một niềm vui không ngày nào giống ngày nào của các bà mẹ. Con ngồi sau, vòng tay ôm, áp má vào lưng áo mỏng của mẹ, líu lo chuyện giấc mơ đêm qua, chuyện hôm nay ở lớp. Khi con bước xuống xe, hòa cùng các bạn khác, mẹ đến văn phòng là mẹ đã thấy nôn nao. Đôi khi con cũng phụng phịu vì còn ngái ngủ mà phải đi học sớm. Chiều đến, khi đón con, niềm vui thấy con chạy ào tới, khoe điểm 10 hay buồn bã kể chuyện tranh cãi với bạn, chuyện hôm nay ở lớp trót làm cô phật lòng… mẹ cũng vui buồn theo câu chuyện của con và thời gian từ nhà tới trường cùng con là khoảng thời gian để mẹ con tranh thủ chuyện trò. Cũng vì niềm vui ấy mà nhiều mẹ luôn muốn tự đưa con đi học cho dù có vất vả hơn.

Để con tự đi xe đạp đi học một mình từ những năm đầu tiên của cấp 2 là chuyện khá căng thẳng. Mẹ quyết định cho con tự đi học từ lớp 8. Ngày đầu, hai mẹ con cùng chạy xe, mẹ đi xe honda bên ngoài, con đạp xe chầm chậm bên trong. Khúc nào qua đường đông, mẹ đi vòng bên ngoài, con dắt bộ bên trong… Cứ như thế, hơn một tuần sau thì để con tự đi một mình.

Chuyện tự đi học, ngoài việc giảm gánh nặng công việc, đi lại trong ngày cho mẹ, còn tăng đáng kể sự tự lập của con.

Sau giờ học, con ra siêu thị mua rau, mua xà bông, thỉnh thoảng ghé thăm ông bà ngoại hay đi đóng luôn tiền điện thoại. Con dần dần trở thành một người chia sẻ với mẹ về cuộc sống chứ không chỉ công việc.

Khi nào con tự đi học một mình...?

Cả tháng đầu, con cứ dắt xe ra là mẹ vẫn cồn cào lo lắng, cho đến khi thấy cổng mở lách cách và con về mới thầm thở phào dù biết giờ con đi hay về đều là giờ cấm xe tải, nhưng ôtô, xe gắn máy như mắc cửi, đường sá đông người lớn còn sợ, bảo để con đi mà mẹ không lo sao được. Dần dần, nỗi lo còn vướng vất nhè nhẹ, chỉ trở nên rõ rệt, xốn xang khi con đi quá thời gian dự kiến, kiểu như chỉ khoảng 15 phút sao đến giờ nửa tiếng vẫn chưa thấy?

Tập cho con từng bước đi một mình vào lúc con chập chững hay tập cho con tự tham gia giao thông bằng xe đạp cũng chẳng khác nhau là mấy. Chỉ có điều, khi con chập chững tập đi, nếu con ngã mẹ cũng là người dang tay kịp đỡ con đứng dậy ngay lúc ấy, con vẫn ở trong tầm mắt. “Khi nào mẹ không còn lo lắng nếu con tự đi một mình?”. Câu trả lời sẽ là không khi nào cả. Mình cũng như bao bà mẹ khác, sẽ còn lo lắng suốt cuộc đời khi con vượt khỏi tầm mắt, khi không ở bên cạnh con. Nhưng con cần lớn và để con tự bước vào cuộc sống. Bước đầu tiên là tập cho con tự đi đến trường.

Các bà mẹ đừng lo lắng quá nhiều nhé. Con chúng ta cũng cần được tự lập và lớn khôn.

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN