Cách giao tiếp hiệu quả với con theo độ tuổi

Khi bạn có thể dễ dàng giao tiếp với con về mọi điều, việc trở thành bạn hay là người dẫn đường của con sẽ không còn khó khăn.

Khi con của bạn lớn lên, chúng bắt đầu tự lập và đôi lúc có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, không biết cách giao tiếp phù hợp. Điều này kéo dài khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách. Trong khi giao tiếp luôn được xem là chìa khóa để giáo dục thành công, bạn cần nắm được tâm lý của con ở từng độ tuổi và mục tiêu chủ đạo ở mỗi giai đoạn.

0-2 tuổi: Xây dựng một sự kết nối về mặt cảm xúc và giúp con khám phá thế giới

g1Trẻ em ở độ tuổi này phát triển về thể chất và các kỹ năng mới rất nhanh, vì vậy chúng cần cha mẹ giúp thích nghi với thế giới. Tuy nhiên, lúc này việc giao tiếp của trẻ còn hạn chế vì chúng mới có thể sử dụng khoảng 50 từ khi 2 tuổi và tiếng khóc vẫn là phương tiện giao tiếp chính..

Trẻ ở độ tuổi này có nhu cầu tiếp xúc thể chất lớn để xoa dịu chúng và tạo điều kiện cho chúng phát triển. Sự tương tác với người khác, chơi trò chơi và những cái chạm giúp con phát triển thể chất.

Cha mẹ nên làm gì:

– Đứa trẻ lúc này cần sự quan tâm không bị phân tán của cha mẹ để chúng có thể phát triển về thể chất, cảm xúc và mặt xã hội. Cha mẹ nên nói chuyện với con càng nhiều càng tốt và nhận xét về hành động của chúng, giúp trẻ cải thiện các kỹ năng bằng lời nói.

– Trẻ em sao chép hành vi và có thể bắt chước cảm xúc của những người xung quanh. Vì thế, việp đáp lại các tín hiệu từ con và cách bạn phản hồi nhất quán là cần thiết, để trẻ có thể xây dựng mối liên hệ giữa hành động của chúng với phản ứng của người khác.

– Hãy nhớ rằng, trẻ em có thể dễ dàng cảm nhận được tâm trạng của cha mẹ và bắt chước. Vì vậy, tốt hơn hết là cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, tích cực và thân thiện. Điều đó giúp trẻ cảm thấy an toàn và thúc đẩy kết nối cảm xúc của bạn với con.

3-5 tuổi: Khuyến khích sự tò mò của trẻ và cho chúng tìm hiểu về bản thân

g2Những đứa trẻ trong độ tuổi mầm non rất tò mò và có xu hướng liên tục đưa ra hàng triệu câu hỏi về thế giới. Chúng mới bắt đầu học cách giao tiếp bằng lời nói và vẫn có thể gặp khó khăn để biết cách nên tương tác với mọi người thế nào.

Trẻ em trong độ tuổi này cũng có thể khó tập trung vào các sự kiện sắp tới và hiếm khi suy nghĩ trước. Chúng cũng gặp khó khăn khi phải tập trung vào một nhiệm vụ trong thời gian dài và xây dựng sự kết nối giữa các sự kiện khác nhau. Trẻ ở độ tuổi này cũng có thể nhầm lẫn cảm xúc và không thực sự biết cách quản lý cảm xúc.

Cha mẹ nên làm gì:

– Dành thời gian để trả lời tất cả các câu hỏi mà con bạn đưa ra và lắng nghe những gì chúng nói. Nếu bạn bị phân tâm, con sẽ chú ý đến điều đó và đối với chúng việc này chẳng khác nào bạn hiện diện cạnh con nhưng lại bỏ rơi chúng về mặt tinh thần.

– Đừng kỳ vọng quá nhiều từ con khi trò chuyện và bạn cần giúp chúng “điều hành” thế giới. Ví dụ, khi bạn hỏi ý kiến con về một điều gì đó, hãy cho chúng một sự lựa chọn hạn chế để chúng không phải tự mình đưa ra câu trả lời.

– Hãy dạy con cảm nhận các loại cảm xúc khác nhau và sự tức giận hoặc thất vọng không khiến con trở thành một người xấu. Nhưng điều quan trọng là phải phân biệt những cảm xúc này và học cách quản lý chúng.

6-8 tuổi: Đánh giá cao những dấu hiệu độc lập ban đầu của con và sẵn sàng trả lời các câu hỏi ‘người lớn’ từ con

g3Ở tuổi này, trẻ em thường bắt đầu đi học chính thức và lần đầu tiên trong đời, chúng dành nhiều thời gian tương tác với bạn bè, không có bố mẹ. Chúng bắt đầu cảm thấy mình độc lập hơn và khám phá các ý tưởng, đặc điểm tính cách riêng.

Nhưng các mối quan hệ bên trong gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng hơn cả đối với trẻ 6-8 tuổi. Con bạn có thể rất nhạy cảm với những lời chỉ trích và dễ xấu hổ.

Cha mẹ nên làm gì:

– Khuyến khích con khám phá niềm đam mê và tập trung vào những điều chúng đạt được thay vì chỉ trích khi con làm sai.

– Công nhận sự độc lập của con và không hành động như thể bạn luôn hiểu biết hơn. Hãy sẵn sàng cho một sự thỏa hiệp và luôn xin lỗi con nếu bạn sai.

– Thảo luận là việc làm rất quan trọng với con ở giai đoạn này. Bạn hãy hỏi con những câu hỏi mở và lắng nghe chia sẻ từ con.

9-11 tuổi: Cho con thấy bạn xem con là người trưởng thành và được tôn trọng

g4Những đứa trẻ trước tuổi teen có thể hành động như thể không cần sự giúp đỡ của cha mẹ nữa. Chúng tìm kiếm sự riêng tư hơn và thường tâm sự với bạn bè, thay vì cha mẹ. Chúng cần nhiều không gian cá nhân hơn và có thể bắt đầu phân định ranh giới. Con của bạn có thể không còn là những thiên thần nhỏ dễ thương như một năm trước đây mà sẵn sàng thể hiện sự phẫn nộ với các quy tắc bạn đưa ra.

Nhưng thực tế là con lúc này vẫn cần bạn nhất, ngay cả khi chúng không nhận ra điều đó. Chúng sẽ bước vào tuổi thiếu niên trong vài năm nữa và chúng cần tất cả tình yêu, sự hỗ trợ của bạn trong giai đoạn đầy “hỗn loạn”, “kịch tính” này.

Cha mẹ nên làm gì:

– Cố gắng tìm một mối quan tâm chung có thể giúp bạn gia tăng sự kết nối với con. Đừng cố gắng ép buộc con nói chuyện hoặc “tấn công” con bằng những câu hỏi về một ngày ở trường của chúng. Hãy chọn một chủ để con thực sự quan tâm và chỉ lắng nghe thôi.

– Tổ chức một số hoạt động vui vẻ bên nhau. Đừng cứ khăng khăng cho rằng bạn và con phải dành thời gian cho nhau vì là một gia đình. Thay vào đó, hãy thực sự kết nối với con và dành thời gian chất lượng bên nhau để đem lại niềm vui cho cả hai.

– Cho con thấy bạn sẽ luôn yêu con bất kể chuyện gì xảy ra. Ngay cả khi con hành động nhưng thể chúng là người độc lập nhất trên thế giới, chúng vẫn cần biết rằng bạn sẽ là hậu phương của chúng và chúng có thể tin tưởng bạn, dựa vào tình yêu vô điều kiện của bạn.

12-18 tuổi: Cho con sự riêng tư bằng cách thể hiện niềm tin của bạn và tích cực trò chuyện

g5Đây có thể là một trong những giai đoạn thú vị nhưng đáng sợ nhất đối với mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Những đứa trẻ bắt đầu nghĩ rằng chúng đã lớn và khao khát sự độc lập. Chúng tự đưa ra quyết định, nhưng so với những năm tháng trước, các quyết định này có thể tác động đến cuộc sống của con trong tương lai.

Ở độ tuổi này, con thường không biết cách quản lý cảm xúc. Chúng dễ hành động mà không suy nghĩ trước và đưa ra các quyết định bốc đồng có thể khiến chúng hối tiếc.

Cha mẹ nên làm gì:

– Công nhận cảm xúc của con và hỗ trợ chúng, ngay cả khi vấn đề có vẻ khá nhỏ đối với bạn. Khen ngợi con vì những thành tích của chúng và cho chúng biết bạn yêu chúng như thế nào.

– Đừng cố gắng kiểm soát con mọi lúc. Chúng có thể nhanh chóng trở thành người giỏi nói dối và che giấu thông tin, vì vậy cũng có khả năng tìm cách phá vỡ quy tắc của bạn nếu chúng thực sự muốn. Việc của bạn là tạo ra một không gian an toàn và cho con thấy rằng các quy tắc tồn tại vì lợi ích của con.

– Khi con phớt lờ bạn hoặc nổi cơn thịnh nộ, chúng chỉ đang cố gắng chiếm thế áp đảo. Đừng để bị rơi vào “bẫy” này và thể hiện mình là người lớn bằng cách kiểm xoát bản thân, tìm cách kết nối lại với con.

Hà Nhi (Theo ngoisao.net)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN