Vừa hết đau thương thì gã chồng bội bạc quay về

Hơn ba năm kể từ ngày anh theo người đàn bà khác, sau những vật vã đớn đau, cả tôi lẫn hai con thôi không còn bận tâm chuyện phải có một người đàn ông làm trụ cột trong gia đình. Thậm chí, dường như cuộc sống có vẻ dễ chịu hơn khi không có anh.

1

Ảnh minh họa.

Tôi không còn phải sấp ngửa chạy vội về nhà để lo cho anh bữa trưa. Buổi chiều, ba mẹ con có thể hào hứng quây quần bên mâm cơm bốc khói thay vì cứ phải mòn mỏi chờ anh về.

Chờ đến khi mâm cơm nguội lạnh và các con đói mềm để cuối cùng cũng chỉ có ba mẹ con ngồi với nhau trong bầu không khí nặng như chì bởi sự cáu giận của mẹ và sự mệt mỏi của các con. Những ngày nghỉ lễ, cuối tuần, hễ những đôi chân thích “động đậy” thì cả ba mẹ con cùng “xách ba lô lên và đi”, đến bất kỳ nơi nào mình thích.

Từ ngày anh về, mọi thứ đảo lộn. Anh trở thành người lạ đúng nghĩa trong nhà. Những bữa ăn lạnh tanh. Sau khi các con mời ba mẹ ăn cơm thì gần như không ai nói với ai một câu nào. Cảm giác bao trùm là… mất tự do. Ði biền biệt ba năm, trở về nhà anh vẫn muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của người đàn ông trụ cột, vợ con phải răm rắp nghe. Câu hỏi thường trực anh dành cho tôi là: “Ði đâu? Chừng nào về?”. Vì tính chất công việc, tôi thường xuyên phải đi công tác. Không thể không báo với anh, nhưng mỗi lần thông báo là y như rằng sẽ có chuyện.

Mọi thứ hoàn toàn ngược với mong muốn của anh, anh chỉ một mình trong thế giới riêng của anh; tôi và các con lại một thế giới khác. Có những ngày cuối tuần, các con không nói với ba câu nào. Trăm lần như một, dù có cả anh và tôi nhưng khi cần, các con chỉ gọi “Mẹ ơi!”. Có lần anh nổi cáu, gằn hỏi con: “Sao con không kêu ba mà cái gì cũng hỏi mẹ?”. Bé Út hồn nhiên: “Vì con quen gọi mẹ rồi!”.

Một lần, tôi nghe con phát biểu: “Sao ba không đi luôn đi mà về chi cho mệt!”. Có đủ bình tĩnh để suy nghĩ về mọi chuyện tôi mới nhận ra rằng: anh đã sai nhưng tôi cũng không đúng trong cách ứng xử khi anh trở về nhà. Chấp nhận sự quay lại của anh nhưng tôi lại không tha thứ cho những gì anh đã làm trong quá khứ. Thay vì phải chấp nhận những sự ràng buộc nhất định trong đời sống hôn nhân, tôi lại cho rằng mình đang bị mất quyền tự do cá nhân. Lẽ ra phải là người đứng giữa dung hòa mối quan hệ giữa anh và các con thì tôi vẫn chỉ thấy anh có lỗi và xù lông bảo vệ con một cách cực đoan.

Rất nhiều lần tôi tự hỏi lòng: “Tôi đã đúng hay sai khi để anh quay về?”. Sau nhiều “giải pháp”, chọn lựa đúng sai, câu trả lời cuối cùng của tôi luôn có một “mẫu số chung”: “Anh vẫn là cha của các con tôi… Một người có tài giỏi đến mấy cũng không bao giờ có thể làm tốt vai trò của cha lẫn mẹ, huống gì tôi cũng chỉ là một phụ nữ bình thường”.

Quay về nhà, đó là sự thay đổi lớn của anh, tôi cũng cần có sự đổi thay trước khi muốn yêu cầu ở anh những điều kiện tiếp theo. Chấp nhận anh quay về đồng nghĩa với việc tôi phải đủ mạnh mẽ để buông bỏ quá khứ. Chắc chắn mọi thứ sẽ không dễ dàng nhưng nếu có quyết tâm, tôi sẽ làm được. Chỉ cần trên suốt con đường mình sẽ phải đi tiếp, tôi đừng bao giờ quay đầu nhìn lại phía sau lưng!

Theo Phụ nữ Online

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN