Check-in ‘4 cực, 1 đỉnh’ nay có gì khác xưa?

Đến cột cờ Lũng Cú chưa hẳn tới cực Bắc, có nơi ở Việt Nam đón ánh bình minh sớm hơn từ Mũi Đôi hay Mũi Điện tận 60 phút, Fansipan không còn là 4.143m…, có rất nhiều sự thú vị từ những mốc địa đầu Tổ quốc.

Điểm cực Bắc với toạ độ, mới được đưa vào khai thác du lịch năm 2019
Điểm cực Bắc với toạ độ, mới được đưa vào khai thác du lịch năm 2019

Gõ từ khoá “4 cực 1 đỉnh” trên Google cho thấy hơn 53 triệu kết quả. Tuy nhiên, ngoài cực Tây nằm trên đỉnh Khoang La San, thuộc A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) và cực Nam ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã được xác định tương đối thống nhất, cực Đông cũng như đỉnh cao nhất Việt Nam đã có những cập nhật đáng kể trên bản đồ du lịch VIệt Nam những năm qua.

4 cực, 1 đỉnh nay đã khác

“Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang” – cực Bắc Việt Nam có vị trí biểu tượng là cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Cột cờ Lũng Cú được xây dựng năm 1978, trên đỉnh núi Rồng, cao hơn 1.400m so với mực nước biển.

Theo ông Hùng Đình Quý – khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, đây là vị trí được chọn cắm cờ để chuẩn bị cho lễ mít tinh mừng thông xe đường từ Ma Lé vào Lũng Cú, bởi đó là đỉnh cao nhất Lũng Cú, người đi xe từ ngoài đường có thể nhìn thấy lá cờ từ xa.

Ông kể, để treo được lá cờ, 24 thanh niên xã đi chặt một cái cây thông chiều cao 15m, đường kính hơn 20cm, khiêng cột đó lên đỉnh.

Tuy nhiên, điểm cực Bắc thực sự của Việt Nam, xét theo toạ độ, lại nằm sâu trong xã Lũng Cú, đi từ cột cờ chừng 4km. Điểm mốc cùng đường vào cũng mới được tu sửa và đưa vào khai thác du lịch thời gian gần đây.

Điểm cực Đông của Việt Nam lại nằm trong vòng tranh cãi giữa Mũi Điện – Đại Lãnh (Phú Yên) và Mũi Đôi – Vạn Ninh (Khánh Hoà).

Mũi Đại Lãnh
Mũi Đại Lãnh

Mũi Đại Lãnh thuộc một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, thuộc địa phận xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Từ thành phố Tuy Hòa, hướng theo đèo Cả, sẽ tới Hải đăng Đại Lãnh. Hải đăng Đại Lãnh cũng là hải đăng nằm xa nhất trên đất liền Việt Nam.

Tuy nhiên, một số đo đạc lại cho rằng Mũi Đôi đón ánh bình minh trước Mũi Điện tới 4 giây. Năm 2012, người ta đã cho đặt một chóp inox ghi dấu nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền ở Việt Nam.

Check in tại Mũi Đôi
Check in tại Mũi Đôi

Đường ra Mũi Đôi khá gian nan. Bạn phải lựa chọn giữa trekking trên 10km đồi cát và thuê ghe của ngư dân với chi phí 1,2 triệu đồng/ chiều, cắm trại tại Bãi Rạng hoặc bãi Gió, sáng sớm “nhảy đá” đến với điểm cực Đông ngắm bình minh. Chóp inox được đặt trên mỏm đá lớn, phải leo khoảng 6m dây thừng mới lên tới đỉnh.

Đỉnh Fansipan
Đỉnh Fansipan

“Nóc nhà Đông Dương” Fansipan là đỉnh núi mà rất nhiều người muốn đặt chân đến. Khi chưa có cáp treo, cần ít nhất 2 ngày 1 đêm cho người bình thường chinh phục. Tuyến đi thông thường nhất là Trạm Tôn, có tuyến Sín Chải hay Cát Cát hay leo từ phía Lai Châu đều đòi hỏi sức khoẻ và độ gan lì của người đi.

Độ cao được ghi trên chóp kỷ niệm của Fansipan hiện nay, như nhiều người vẫn ghi nhớ là 3.143m – đây là số liệu ghi lại từ năm 1909. Tuy nhiên, theo kết quả đo đạc mới nhất của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, độ cao chính xác của Fansipan là 3.147,3 mét.

“4 cực” của Trường Sa

Nếu như mũi Điện hay mũi Đôi tranh vị trí cực Đông trên đất liền thì trên quần đảo Trường Sa, 4 cực được xác định là: đảo xa nhất phía Bắc: Song Tử Tây, đảo xa nhất phía Tây: Đá Lát, đảo xa nhất phía Đông: Tiên Nữ và đảo xa nhất phía Nam: An Bang. Trong đó Song Tử Tây, An Bang là hai đảo nổi cấp 2, còn Tiên Nữ, Đá Lát là đảo chìm.

Tiên Nữ là nơi đầu tiên của Việt Nam đón ánh bình minh, sớm hơn đất liền 60 phút, bởi Tiên Nữ nằm trên múi giờ thứ 8.

Đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam
Đảo Tiên Nữ, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam

An Bang, được mệnh danh đảo lò vôi, cũng là hòn đảo khó vào nhất quần đảo Trường Sa. Đường vào An Bang mùa nào cũng cần phải có xuồng kéo trung chuyển, không thể dùng xuồng máy. Ở An Bang, lính đảo đã quen với việc chạy ra kéo xuồng đỡ khách từ đất liền vào thăm đảo. Sóng An Bang cũng là sóng thử thách với đội xuồng chở khách vào đảo mỗi năm.

Kéo thuyền vào An Bang
Kéo thuyền vào An Bang

Song Tử Tây là hòn đảo đầu tiên trên quần đảo Trường Sa được giải phóng vào tháng 4-1975. Đây cũng là đảo duy nhất ở Trường Sa đến nay nuôi được bò.

Đá Lát thường là điểm đến đầu tiên của các đoàn khách đi tuyến phía Nam Trường Sa. Đá Lát có ngọn hải đăng “cao tuổi” nhất quần đảo, vẫn là kết cấu khung thép hình trụ.

Đảo chìm Đá Lát
Đảo chìm Đá Lát

Và những cột mốc đặc biệt

Mốc 428 – mốc cực Bắc

Mốc 428 là mốc đơn, do phía Việt Nam xây dựng, là mốc xa nhất phía Bắc Việt Nam, thuộc quản lý của đồn biên phòng Lũng Cú.

Mốc 428 - mốc cực Bắc của Việt Nam
Mốc 428 – mốc cực Bắc của Việt Nam

Để đến mốc 428, sau khi xin phép đồn biên phòng, bạn có thể nhờ người dân dẫn đi, men theo đường đi nương từ xã Sín Thầu, xuống phía sông Nho Quế mất chừng 3-4 tiếng. Nếu đủ sức khoẻ, bạn có thể đi một ngày theo các cột mốc từ mốc 422 và kết thúc ở 428.

Mốc 92 – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Mốc 92
Mốc 92

Từ thành phố Lào Cai men theo sông Hồng chạy về hướng Bát Xát, qua Trịnh Tường, rẽ vào xã Lũng Pô sẽ thấy cột cờ Lũng Pô và lá cờ 25m2 – tượng trưng cho 25 dân tộc tỉnh Lào Cai. Lũng Pô, tiếng địa phương nghĩa là cha rồng, là nơi sông Hồng bắt đầu vào Việt Nam, chia đôi hai nửa đỏ xanh – nửa đỏ nhập vào sông Hồng, nửa xanh vào suối Lũng Pô.

Cột cờ Lũng Pô ở Bát Xát - Lào Cai
Cột cờ Lũng Pô ở Bát Xát – Lào Cai
Sông Đà - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nhìn từ cột cờ Lũng Pô
Sông Đà – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nhìn từ cột cờ Lũng Pô

Cột mốc 79 – cột mốc cao nhất Việt Nam

Mốc 79 nằm ở độ cao gần 3.000m, trên đỉnh Khang Su Văn, thuộc xã Pà Vầy Sủ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, Đây là mốc đơn, thuộc quản lý của đồn biên phòng Vàng Ma Chải. Đây là cột mốc nằm ở vị trí cao nhất trong các cột mốc biên giới Việt Nam. Để lên đến mốc 79 cần phải leo trải qua một chặng trekking khó khăn, và thường là phải ngủ lại 1 đêm trong rừng.

Đường lên mốc 79
Đường lên mốc 79
Nhóm bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm tại mốc 79
Nhóm bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm tại mốc 79

Ngã ba Đông Dương – một trong 2 ngã ba biên giới

Nằm ở khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), là nơi một con gà gáy cả ba nước Đông Dương nghe thấy. Đây có thể xem như cột mốc tương đối dễ chinh phục vì đường tuần tra biên giới đã hoàn thành, ô tô có thể vào đến tận nơi.

Cột mốc 17 – Sông Đà

Cột mốc 17 (1) nằm ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu. Đây là nơi đánh dấu con sông Đà huyền thoại bắt đầu vào Việt Nam. Mốc thuộc quyền quản lý của đồn biên phòng Ka Lăng, nằm cách thành phố Lai Châu 200 cây số.

Từ ngã ba Nậm Lằn, cần phải đi thêm gần 20 cây số đến trạm biên phòng Kẻng Mỏ, sau đó qua cầu treo, đi xuyên một đoạn đường rừng mới tới được mốc.

Cột mốc 261

Sông Mã vào Việt Nam ở khu vực Tuần Giáo (Điện Biên), sau đó rong chơi sang nước bạn Lào ở Sơn Là và lại “gầm lên khúc độc hành” tại địa phận xã Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hoá). Đây cũng là vị trí cửa khẩu Tén Tằn, nơi đặt mốc biên giới 261. Có thể đi Mường Lát từ phía thành phố Thanh Hoá, hoặc theo hướng từ Mai Châu.

 Theo tuoitre.vn

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN