Thầy thể dục cùng trò đi bộ xuyên Việt

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn Anh cùng hai sinh viên đi bộ 1.800 km từ TP HCM ra Hà Nội, sau đó đạp xe 400 km lên Sapa.

Trở về từ chuyến đi xuyên Việt cách đây vài ngày, Nguyễn Thanh Tuấn Anh (29 tuổi, sinh sống tại TP HCM) vẫn còn giữ nguyên cảm xúc về những ngày rong ruổi khắp Nam – Bắc. Vốn là một thạc sĩ, giảng viên giáo dục thể chất tại một trường cao đẳng ở Thủ Đức (TP HCM), Tuấn Anh đã nung nấu về chuyến đi bộ từ Nam ra Bắc nhưng theo một cách khác những người đi trước. Đó là đi bộ xuyên Việt với tinh thần sẻ chia, vừa đi vừa tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ môi trường, thói quen tập thể dục lành mạnh.

Chàng trai 29 tuổi đã cùng hai sinh viên của mình là Nguyễn Công Trình (21 tuổi) và Nguyễn Hùng Anh (20 tuổi) bắt đầu hành trình từ TP HCM sáng 24/6 và tới Hà Nội vào rạng sáng 17/8 (tính cả ngày nghỉ). Chuyến đi kéo dài 48 ngày, qua 20 tỉnh thành dọc quốc lộ 1A với tổng quãng đường đi bộ lên tới 1.800 km. Sau đó, ba thầy trò tiếp tục đạp xe lên từ Hà Nội lên Lào Cai, chinh phục Fansipan bằng đường bộ, và về lại thủ đô sáng 31/8. Có những ngày, Tuấn Anh – Công Trình và Hùng Anh đi được 100 km, ngày ít nhất cũng phải 30 km mà không sử dụng bất kỳ phương tiện giao thông nào.

Nguyễn Thanh Tuấn Anh sinh ra và lớn lên ở Bến Tre. Ngoài công việc giảng dạy ở các trung tâm yoga, anh còn kinh doanh đồ thể thao cả ở TP HCM và quê nhà.
Nguyễn Thanh Tuấn Anh sinh ra và lớn lên ở Bến Tre. Ngoài công việc giảng dạy ở các trung tâm yoga, anh còn kinh doanh đồ thể thao cả ở TP HCM và quê nhà.

Chuyến đi chỉ tiêu tốn khoảng 500.000 đồng. Còn lại cả đội được người dân khắp cả nước giúp đỡ từ bữa ăn cho tới giấc ngủ. Theo Tuấn Anh, 80% số ngày rong ruổi, ba thầy trò ngủ tại nhà dân, 20% số ngày là ngủ lại các trung tâm huấn luyện thể thao của các huyện, tỉnh và hoàn toàn không mất chi phí nhà nghỉ. Đây đều là những sự giúp đỡ mà thầy giáo trẻ không ngờ tới trước khi bắt đầu chuyến đi này.

Tỉnh thành nào đi qua, cả đội cũng có nhiều kỷ niệm đẹp với vùng đất và con người. Vì đi bộ giữa mùa hè, có những ngày thời tiết lên đến 40 độ C nên Tuấn Anh phải quan tâm tới việc bổ sung khoáng chất. Một buổi trưa, khi cả đội ghé vào khu chợ ở tỉnh Khánh Hòa, những người dân biết chuyện đã tới hỏi thăm rất đông. Thầy giáo trẻ tranh thủ chia sẻ về ý nghĩa chuyến đi, kêu gọi mọi người hưởng ứng làm sạch môi trường nơi mình sinh sống. Trước khi rời đi, ba thầy trò được người dân cho nhiều trái cây, bánh và nước để tiếp thêm sức lực. “Tôi phải từ chối vì đã nhận nhiều và mong bà con giữ lại để bán. Vậy mà sau khi từ biệt và đi được 300 mét, vẫn có người dân chạy theo để cho sâm và bánh. Thật sự rất cảm động”, Tuấn Anh nhớ lại.

Lần khác, khi vừa tới thành phố Biên Hòa, cả đội được một người đàn ông trung niên đuổi theo để dúi vào tay lộ phí đi đường. Nhắc lại chuyện này, thầy giáo trẻ vẫn xúc động: “Chú hô vang động viên chúng tôi. Cả đội cảm ơn rồi đi tiếp nhưng được 200 mét thì chú đã đuổi kịp, ra hiệu dừng lại ở quán nước. Lúc này tôi mới nhận ra chân chú bị tật, đang lê từng bước trong bộ đồ lao động. Có lẽ chú là thương binh. Chú động viên thanh niên Việt Nam đi bộ xuyên Việt là rất tốt, sau đó còn mời chúng tôi uống nước lấy sức đi tiếp. Thậm chí, chú còn đưa 500.000 đồng để đi đường. Lời thăm hỏi, động viên giống như người nhà dù chưa từng quen biết khiến cả đội cảm xúc khó tả. Chúng tôi cảm ơn, chỉ xin nhận tấm lòng mà từ chối tiền. Chú ôm chặt và chúc ba thầy trò bình an”.

Tuấn Anh  và 2 học trò Nguyễn Công Trình và Nguyễn Hùng Anh trên hành trình xuyên Việt.
Tuấn Anh và 2 học trò Nguyễn Công Trình và Nguyễn Hùng Anh trên hành trình xuyên Việt.

Sự giúp đỡ không chỉ đến từ chai nước, bịch trái cây mà còn là những chốn dừng chân khi đêm xuống. Tuấn Anh luôn quy định với đội chỉ đi tới 17h-17h30 sau đó tìm nhà dân để ngủ nhờ. Đây không phải là cách tiết kiệm mà là để hai em sinh viên và chính bản thân rèn luyện khả năng giao tiếp, kết nối cộng đồng. “Bí quyết chính là nụ cười và sự chân thành. Hầu như tất cả mọi người khi nghe tôi trình bày đều rất thông cảm và chào đón. Nhưng nếu đi muộn quá, trời tối mình cười đâu ai thấy nên phải ghé khi trời còn sáng”, anh chàng hài hước giải thích.

Nhưng đôi khi cũng có những sự thay đổi khiến hành trình trong ngày phải kéo dài hơn. Hôm đó, khi tới thành phố Thanh Hóa lúc 23h, ba người đã thấm mệt, đang đi thì được một người lái taxi đi theo để mời đi xe. Tuấn Anh cảm ơn và từ chối, đồng thời giải thích ý nghĩa chuyến đi bộ xuyên Việt. Ngay lập tức, người tài xế lên tiếng mời: “Tối nay các em ngủ đâu, đã có chỗ nghỉ chưa? Không thì lên xe anh chở về nhà ngủ, mai rồi đi tiếp”. Thầy giáo 29 tuổi rất bất ngờ khi anh lái taxi không chỉ cho nơi ăn chốn ở tốt, giao hẳn căn nhà sang trọng với nhiều tài sản cho ở, dù mới chỉ quen nhau trên đường chớp nhoáng. Sáng hôm sau, anh còn mang xe qua đón cả đội đi ăn sáng, dặn dò trước khi lên đường.

Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi là dân miền Tây. Khi ở trong Nam, tôi hay được cảnh báo rằng ra miền Trung miền Bắc sẽ ít được quan tâm hay sẽ gặp một số vấn đề. Nhưng có đi mới biết, chính người dân nơi đây lại giúp đỡ ba thầy trò nhiều nhất, để lại cho chúng tôi nhiều bài học về tình người, sự cho đi và nhận lại. Tới Vinh, tôi lại được cán bộ và người dân ở Trung tâm thể dục thể thao Đại học Vinh tiếp đón chu đáo. Chúng tôi vận động mọi người tham gia tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe và nhặt rác ven bờ sông Lam”.

Một trong những ý nghĩa chính của chuyến đi là tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Do đó, dọc đường, chỉ cần thấy có mẩu rác là cả đội đều sẽ cúi xuống nhặt. Ở mỗi tỉnh, ba thầy trò đều thực hiện hoạt động này đồng thời giải thích và tổ chức hoạt động cho người dân địa phương. Tại biển Nha Trang và Đà Nẵng, số người tham gia làm sạch bãi biển là khoảng 30. Ở sông Lam (Nghệ An), con số lên tới hơn 40 người. Về thủ đô Hà Nội, đội đã vận động được hơn 50 người cùng nhặt rác quanh hồ Gươm.

Tuấn Anh cùng người dân dọn sạch rác trên đường đi.
Tuấn Anh cùng người dân dọn sạch rác trên đường đi.

Để hoàn thành hành trình 1.800 km đi bộ và 400 km đạp xe, Tuấn Anh và học trò phải rèn luyện thể lực bài bản. Xuất thân là một giáo viên giáo dục thể chất, chàng trai sinh năm 1990 đã lên kế hoạch luyện tập cho học trò từ trước đó một tháng rưỡi, bao gồm các bài tập như đi bộ đường dài, chạy bộ, mang vác balo hơn 10 kg như bộ đội hành quân. Tiếp đó là các bài tập về xoa bóp, bấm huyệt, yoga nâng cao thể lực, thay đổi chế độ dinh dưỡng và kỹ năng sinh tồn.

Ngoài ra, thầy giáo trẻ còn chú trọng rèn luyện tinh thần cho các em, quan trọng nhất là tư duy tích cực. Suốt chuyến đi, có những lúc bàn chân phồng rộp vì đi bộ đường dài, dưới cái nắng 40 độ C, mưa rừng, bão lũ nhưng chưa khi nào, ba thầy trò thốt ra một từ ngữ nào tiêu cực hay tỏ thái độ chán nản, cáu gắt. Tất cả đều là sự động viên tinh thần, cùng nhau cố gắng vượt qua. “Cả đội đã đi trong thời tiết khắc nghiệt khi bão số 4 đổ vào Bắc Trung bộ. Sau đó, tôi và học trò chinh phục cung đường leo núi độ khó cao từ Cát Cát lên đỉnh Fansipan, liên tục từ 9h30 tới 19h, xuyên rừng với mưa to suốt 9 giờ. Nước lũ chảy siết dưới chân. Nhiệt độ thấp nhất từ 4 độ C đến 7 độ C khiến các thành viên có dấu hiệu sốc nhiệt vì quá lạnh. May mắn sau đó, đội được cho vào trú nhờ trong khu vui chơi trên đỉnh Fansipan để hồi phục thể lực”, Tuấn Anh nhớ lại.

Trong hành trình, anh chàng cũng phân chia thời gian di chuyển khoa học, cứ đi khoảng một giờ lại nghỉ khoảng 5-10 phút. Cứ sau 5 ngày lại nghỉ một ngày để lấy lại sức. Ăn ngủ đúng giờ, đủ giấc, đủ dinh dưỡng. Do đó, sức khỏe toàn đội được đảm bảo. Thầy giáo 9X tự hào đã đưa học trò đi đến nơi về đến chốn mà không ai bị ốm, không gặp sự cố nào về sức khỏe và không dùng tới một viên thuốc nào. Riêng Hùng Anh vì vướng lịch học nên chỉ đồng hành tới đèo Ngang (Hà Tĩnh) là phải quay lại Sài Gòn.

Tuấn Anh hy vọng hành trình của mình còn truyền cảm hứng rèn luyện thân thể, sức lực cho những bạn trẻ Việt. Đi tới đâu, Tuấn Anh cũng vận dụng mối quan hệ trong ngành thể thao để kết nối với trung tâm huấn luyện thể thao ở địa phương, tổ chức các lớp học thể dục, yoga để kêu gọi cộng đồng địa phương.

Không đứng ra quyên góp nhưng thầy trò được nhiều doanh nghiệp và người dân ủng hộ với số tiền lên tới 40 triệu đồng. Anh quyết định dành toàn bộ số tiền này cho ngôi trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức – nơi mình từng công tác – để giúp đỡ các sinh viên khó khăn.

“Cuộc đời màu gì là do mình quyết định. Có lúc mưa lúc nắng nhưng bất kỳ vấn đề nào xảy đến với mình cũng có bài học của nó. Bản thân sẽ học được cách chấp nhận, nhìn ra những mặt tích cực khiến cuộc sống thêm đẹp hơn. Chuyến đi này đã thay đổi nhiều suy nghĩ trong tôi, khiến tôi thêm tin vào những điều mình đang làm”, Tuấn Anh đúc kết về hành trình xuyên Việt 48 ngày vừa qua.

Theo ngoisao.net

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN