8 nhà thờ đẹp ở Việt Nam đại diện cho những thành phố du lịch nổi tiếng

Dù là một quốc gia Á Đông và chủ yếu theo đạo Phật nhưng nước ta vẫn có rất nhiều nhà thờ đẹp và nổi tiếng từ Nam chí Bắc. Cùng điểm danh 8 nhà thờ đại diện cho 8 thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà là một trong những biểu tượng của thành phố mang tên Bác, là điểm check in không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Với vị trí nằm ngay trung tâm Quận 1, gần Dinh Độc Lập, Hồ Con Rùa, đường sách,… nhà thờ này thường xuyên đón một lượng lớn du khách đến tham quan, chụp ảnh.

1 Nhà thờ Đức Bà nằm ngay trung tâm Quận 1. Ảnh: Triip

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Được xây dựng vào thế kỷ 19 theo lối kiến trúc Roman pha lẫn Gothic đặc trưng của Pháp. Toàn bộ vật liệu xây dựng như xi măng, cốt thép, ốc vít,… đều được mang từ Pháp sang. Điểm nhấn của nhà thờ là loại gạch có màu hồng cam nổi bật, tòa tháp chuông cao sừng sững và không gian công viên phía trước rộng lớn, xinh đẹp.

2 Công trình này do người Pháp xây dựng theo phong cách Roman và Gothic. Ảnh: Vntrip

Nhà thờ Đức Bà là một nhà thờ đẹp ở Việt Nam có tuổi đời hàng trăm năm. Kết cấu nhà thờ xây dựng theo dạng thánh thất Basilica có mặt bằng hình chữ thập dài. Bên trong nhà thờ có một gian lớn chính giữa, hai hành lang cánh và hậu cung hình bán nguyệt độc đáo, đẹp mắt.

3 Toàn bộ vật liệu xây dựng nhà thờ đều được mang từ Pháp sang Việt Nam. Ảnh: Marry

Đến thăm nhà thờ nổi tiếng này, du khách có thể cảm nhận rõ phong cách kiến trúc Roman thể hiện qua kết cấu vòm cung trên các khung cửa sổ, cửa chính và các đường trang trí bên ngoài nhà thờ. Bên cạnh đó, các ô cửa sổ hoa hồng cũng là điểm nhấn đặc trưng tạo nên vẻ đẹp cho nhà thờ Đức Bà.

Nhà thờ Con Gà – Đà Lạt

Một trong những điểm đến mà du khách thường xuyên check in khi đến Đà lạt chính là nhà thờ Con Gà nằm trên đường Trần Phú. Đây không chỉ là biểu tượng của thành phố ngàn hoa mà còn là một nhà thờ đẹp ở Việt Nam, nổi tiếng với lối kiến trúc Rooma của những nhà thờ công giáo ở Châu Âu.

4 Nhà thờ con gà ở Đà Lạt là điểm check in nổi tiếng ở Đà Lạt. Ảnh: Yêu du lịch

Theo lịch sử ghi lại, nhà thờ Con Gà được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian 11 năm. Tổng chiều dài của nhà thờ nổi tiếng này là 65 mét và rộng 14 mét. Đặc biệt, tháp chuông nhà thờ cao đến 47 mét, có thể nhìn thấy được nhiều nơi trong thành phố.

5 Trên đỉnh nhà thờ có một con gà làm bằng hợp kim. Ảnh: Metrip

Với du khách thập phương, nhà thờ Con Gà ở Đà Lạt mang vẻ đẹp của sự sang trọng, tinh tế và bình yên. Từ xa nhìn vào, nhà thờ có màu vàng nhạt pha chút ánh hồng, phảng phất khí chất mộng mơ giữa lòng thành phố sương mù. Khi vào nhà thờ và quan sát ở cự li gần, bạn sẽ thấy công trình này được thiết kế cực kỳ tỉ mỉ, tinh xảo.

6 Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Rooma với các khung cửa mái vòm. Ảnh: Place

Điểm nhấn của nhà thờ là những khung cửa sổ vòng cung hình tròn, những tấm hình màu được trang trí trên phần mái và các bức phù điêu làm từ xi măng – sắt được trang trí bên trong nhà thờ. Tất cả những chi tiết dù là nhỏ nhất cũng được thực hiện chăm chút, tạo nên sự hài hòa tuyệt đối cho công trình. Ngoài ra, trên thánh giá của nhà thờ còn có một con gà làm bằng hợp kim. Đó là lý do mà nơi đây được gọi tên nhà thờ Con Gà – điểm tham quan không thể bỏ qua khi du lịch Đà Lạt.

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Rời thành phố sương mù, mời bạn đến Kon Tum để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà thờ gỗ trăm tuổi. Nhà thờ chánh tòa Kon Tum tọa lạc bên dòng sông Đăk Bla, được một linh mục người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1913.

7 Nhà thờ gỗ ở Kon Tum có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Foox

Công trình tôn giáo này kết hợp giữa lối kiến trúc Roman cổ điển và nét đẹp của nhà sàn truyền thống đồng bào dân tộc Ba Na. Sự pha trộn khéo léo trong kiến trúc cùng chất liệu gỗ quý đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho nhà thờ gỗ Kon Tum.

8 Nhà thờ gỗ Kon Tum kết hợp giữa kiến trúc Roman và nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: Báo Mới

Nét đặc biệt của nhà thờ trăm tuổi này chính là chất liệu hoàn toàn không dùng bê tông, cốt thép. Cột, kèo được làm bằng loại gỗ cà chít của người Tây Nguyên. Trong khi đó các bức tường và vách được làm bằng rơm trộn đất.

9 Nhà thờ nằm yên bình bên dòng sông Đăk Bla. Ảnh: Youvivu

Ngày nay, nhà thờ gỗ Kon Tum trở thành điểm sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc Ba Na. Đặc biệt, đây còn là điểm đến tham quan, chụp ảnh của du khách khi đến vùng Kon Tum. Nhìn từ xa, nhà thờ có gam màu nâu ánh tím lạ mắt, đứng hiên ngang giữa đất trời Tây Nguyên.

Nhà thờ Mằng Lăng – Phú Yên

Về xứ hoa vàng cỏ xanh du lịch, ngoài khám phá Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan,… du khách hãy dành ít thời gian ghé thăm nhà thờ cổ Mằng Lăng, tọa lạc tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

10 Nhà thờ Mằng Lăng là nhà thờ cổ nổi tiếng ở Phú Yên. Ảnh: Liberzy

Nhà thờ Mằng Lăng là một nhà thờ đẹp ở Việt Nam, nổi tiếng với lối kiến trúc cổ nhuốm màu thời gian. Đặc biệt, đây còn là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của người Việt. Vào năm 1892, nhà thờ được khởi công xây dựng với tống diện tích lên đến 5000 mét vuông, xung quanh có nhiều cây cối xanh tươi, mát mẻ.

11 Nhà thờ nằm trên cung đường đi Gành Đá Đĩa. Ảnh: Tuy Hòa Tourist

Cũng như nhiều nhà thờ cổ khác ở nước ta, nhà thờ Mằng Lăng được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic với vẻ ngoài bề thế, tráng lệ. Bước vào cổng nhà thờ, bạn sẽ thấy thập tự giá ở giữa, hai bên là lầu chuông và bao bọc mặt tiền cùng dãy hành lang là những khung cửa hình mái vòm. Mặt sau nhà thờ có thiết kế bo tròn, khá giống với nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn.

12 Nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic. Ảnh: Phương Hoa

So với những nhà thờ nổi tiếng khác ở Việt Nam, không gian bên trong nhà thờ Mằng Lăng không quá rộng. Tuy nhiên, cách trang trí mỹ thuật cùng những chạm trỗ, điêu khắc tinh xảo trên tường, trên cột,… tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho nhà thờ. Có dịp đến Phú Yên du lịch, bạn đừng quên check in nhà thờ Mằng Lăng.

Nhà thờ Phủ Cam – Huế

Xứ Huế mộng mơ với nhiều điểm đến hấp dẫn, trong đó nhà thờ Phủ Cam là nơi được rất nhiều bạn trẻ thường xuyên check in. Nhà thờ đẹp ở Việt Nam này được ví như “trời Âu thu nhỏ” giữa lòng cố đô, tọa lạc trên ngọn đồi Phước Quả, tại địa chỉ số 1 đường Đoàn Hữu Trưng.

13 Nhà thờ Phủ Cam ở Huế nằm trên một ngọn đồi. Ảnh: Người Đà Nẵng

Nhà thờ Phủ Cam Huế được khởi công xây dựng vào năm 1963 do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ trực tiếp thiết kế. Dù có vẻ ngoài tựa như trời Âu nhưng kiến trúc của tòa thành đường này là sự kết hợp của những đường nét cổ điển. Nhà thờ rộng 24 mét và dài 80 mét, song song đó là tháp chuông cao đến 43,5 mét.

14 Mặt trước nhà thờ trông như một cuốn kinh thánh. Ảnh: Wikipedia

Không chỉ là một nhà thờ đẹp ở Việt Nam mà nhà thờ Phủ Cam còn là công trình tôn giáo lâu đời ở cố đô Huế. Nhà thờ Phủ Cam được giới chuyên gia đánh giá là một công trình giàu tính biểu đạt. Nhìn trực diện, mặt đứng của nhà thờ trông giống như một cuốn kinh thánh mở rộng. Còn phần mặt bằng lại được xây dựng theo hình dạng một Thánh giá, phần đầu hướng về phía nam và phần chân hướng về phía bắc.

15 Nhà thờ có nhiều góc check in đẹp nao lòng. Ảnh: Chudu24

Có thể nói, nhà thờ Phủ Cam là điểm sinh hoạt tâm linh lớn bậc nhất ở đất cố đô. Thánh đường bên trong có thể chứa đến 2500 người cùng lúc. Không gian rộng rãi, kết hợp cùng hai dãy cửa gương màu nằm bên trên, giúp cung cấp đủ ánh sáng tự nhiên. Đến tham quan nhà thờ nổi tiếng này, du khách sẽ cảm nhận chân thực hơn vẻ đẹp của nghệ thuật cổ điển phương Tây được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật hiện đại.

Nhà thờ đá SaPa

Mỗi thành phố du lịch của Việt Nam đều có một công trình nhà thờ mang tính biểu tượng. Và thành phố SaPa cũng vậy. Ngôi nhà thờ đá tọa lạc ngay trung tâm thị trấn SaPa chính là điểm check in mà không du khách nào muốn bỏ lỡ khi đến với thị trấn mờ sương. Với tuổi đời gần 100 năm, đây cũng được xem là nhà thờ cổ của nước ta.

16 Nhà thờ đá SaPa là điểm check in không thể bỏ qua ở thị trấn sương mờ. Ảnh: Todata

Nhà thờ đá SaPa do người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1935 với tổng diện tích là 6000 mét xuông. Phong cách kiến trúc Gothic La Mã cổ đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho nhà thờ, thể hiện qua những khung cửa mái vòm, tháp chuông hay mái nhà hình chóp. Tất cả kết hợp cùng nhau nhịp nhàng, tạo nên vẻ đẹp thanh thoát giữa thị trần sương mù.

17 Nhà thờ được làm từ đá và kết dính bằng một chất keo đặc biệt. Ảnh: Viettravel

Toàn bộ nhà thờ đá SaPa được làm bằng chất liệu đá đẽo, các khối đá được liên kết với nhau bằng hỗn hợp cát, vôi và mật mía. Nhờ đó, công trình tôn giáo này toát lên vẻ đẹp cũ kỹ, huyền bí. Nhất là khi SaPa vào mùa tuyết rơi những ngày cuối năm.

18 Nhà thờ đá SaPa vào một ngày đầy tuyết. Ảnh: Vietnammoi

Nhà thờ đá không chỉ là một biểu tượng tôn giáo của SaPa mà còn là điểm check in được du khách yêu thích. Dù là du khách Việt hay du khách ngoại quốc đi du lịch Việt Nam, ai cũng muốn dừng chân thưởng thức vẻ đẹp của nhà thờ, chụp vài bức ảnh ưng ý. Bên cạnh đó, trước nhà thờ đá còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của người dân thiểu số SaPa.

Nhà thờ lớn Hà Nội

Kể về những nhà thờ đẹp ở Việt Nam mà quên nhà thờ lớn Hà Nội là một thiếu sót lớn. Đây là một công trình tôn giáo nổi tiếng ở đất thủ đô, là điểm check in mà không du khách nào muốn bỏ qua khi đến Hà Nội.

19 Nhà thờ lớn Hà Nội với vẻ đẹp cổ điển, nhuốm màu thời gian. Ảnh: Motbahai

Nhà thờ lớn nằm giữa 3 tuyến phố Nhà Chung, Nhà Thờ và Lý Quốc Sư, nổi bật giữa lòng thành phố với gam màu cũ kỹ và vẻ đẹp huyền bí. Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy nhà thờ đẹp này có màu sắc gần giống nhà thờ Mằng Lăng ở Phú Yên. Kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu cũng phần nào tạo nên vẻ đẹp đặc biệt cho tòa thánh đường.

20 Vẻ đẹp nhà thờ Lớn có phần giống nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: Báo Mới

Từ bên ngoài nhìn vào, nhà thờ Lớn gây ấn tượng với vẻ đẹp hùng tráng, kết cấu 3 phần với thánh giá ở giữa và tòa tháp ở hai bên. Theo thời gian, những mảng tường đã cũ dần, phủ một màu xám trắng bàng bạc rất ấn tượng. Bên trong nhà thờ khá rộng rãi, những bức tranh Thánh bằng kính nhiều màu trở nên ảo diệu hơn khi có nắng chiếu vào.

21 Nơi đây là điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Ảnh: Zing

Có rất nhiều điểm nhấn đẹp ở nhà thờ Lớn nhưng chỉ khi đến trực tiếp, dạo một vòng bên trong và ngắm nhìn thật kỹ, bạn mới cảm nhận trọn vẹn. Ngày nay, du các công trình nhà ở, hàng quán mọc lên như nấm xung quanh nhưng nhà thờ này vẫn giữ được cốt cách cổ điển, trang nghiêm đặc trưng giữa lòng Hà Nội.

Nhà thờ Hưng Nghĩa – Nam Định

Nam Định được mệnh danh là xứ sở của những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Toàn tỉnh có rất nhiều nhà thờ lớn và nổi tiếng, trong đó nhà thờ Hưng Nghĩa được du khách check in thường xuyên nhất. Bởi nhìn từ bên ngoài, tòa thánh đường này trông như Học viện phép thuật Hogwart trong phim Harry Potter.

22 Đền Thánh Hưng Nghĩa được ví như một “lâu đài băng giá”. Ảnh: Metrip

Tiền thân của Đền Thánh Hưng Nghĩa là một nhà thờ gỗ được xây dựng từ năm 1894. Sau đó, nhà thờ đã hư hỏng nặng nên được xây mới vào năm 1990 với đá hộc, gạch và một số vật liệu hiện đại khác. Tổng chiều dài của nhà thờ là 74 mét, rộng 24 mét và thiết kế theo kiến trúc đậm chất châu Âu. Những tòa tháp hình chóp nhọn vươn thẳng lên nền trời kết hợp cùng những chi tiết điêu khắc kỳ công trên cột, kèo, tạo nên nét đẹp nguy nga, tráng lệ cho nhà thờ.

23 Vẻ đẹp của nhà thờ khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Đền Thánh Hưng Nghĩa

Nhà thờ nổi tiếng này có màu sơm xám đen, vừa bí ẩn ma mị, vừa đậm chất cổ tích. Những du khách trẻ đã từng check in nhà thờ này đã gọi tên “lâu đài băng giá” để miêu tả vẻ đẹp của Đền Thánh Hưng Nghĩa. Cả màu sắc, kết cấu và kiến trúc đặc trưng của nhà thờ đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho công trình. Vì thế, du khách đến Nam Định thường ghé đây tham quan, chụp ảnh.

24 Vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của Đền Thánh Hưng Nghĩa. Ảnh: We25

Ở Việt Nam có rất nhiều nhà thờ đẹp và nổi tiếng. Trong đó, 8 nhà thờ biểu tượng cho 8 thành phố du lịch của nước ta chính là điểm check in mà bạn không thể bỏ qua khi có dịp đến du lịch. Đa phần những nhà thờ này đều mang phong cách kiến trúc châu Âu, tạo nên dấu ấn khác biệt so với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo khác của Việt Nam.

Theo Ngọc Anh – dulichvietnam.com.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN