7 điều nên tránh khi giao tiếp với sếp

Cách ứng xử thường ngày với sếp rất quan trọng, bởi lẽ chỉ một chút sơ suất, bạn đã phá hỏng hình ảnh, thậm chí là sự nghiệp của mình bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn về cách nhìn của sếp về bạn. Dưới đây là 7 điều bạn nên tránh để trở nên chuyên nghiệp và được đánh giá cao hơn trong mắt sếp và đồng nghiệp.

Không biết tiết chế cảm xúc

Khi trao đổi với sếp của mình về vấn đề nào đó, cũng sẽ có lúc bạn không hài lòng, miễn cưỡng, thậm chí thấy bực bội, khó chịu. Tuy nhiên, hãy nhớ đến vị trí của mình để làm chủ cảm xúc. Tuyệt đối không nên bộc lộ rõ thái độ khó chịu. Giữ cho thái độ luôn bình tĩnh cũng thể hiện tính cách điềm đạm và sự chuyên nghiệp của bạn. Theo Trưởng phòng Nhân sự Công ty tuyển dụng và tìm việc làm CareerLink, thì thông thường người quản lý có xu hướng đánh giá cao nhân viên biết làm chủ cảm xúc tốt.

Nói dối

Đừng dại mà nói dối sếp rồi nghĩ rằng sẽ không bao giờ bị phát hiện ra. Ở vị trí quản lí, họ có cách riêng để nhận biết được tính cách và phẩm chất của từng nhân viên. Nếu bạn nói dối vấn đề gì và vì lý do gì đi chăng nữa thì sớm muộn cũng bị phát hiện ra. Khi đó, kết quả nhận được còn tệ hơn gấp nhiều lần nếu như bạn trung thực ngay từ đầu.

Bất cứ một người nào cũng ghét kẻ nói dối, và họ đã tự đánh mất uy tín của mình nhanh nhất. Do đó, hãy là người trung thực trong mọi hoàn cảnh.

Trình bày vấn đề dài dòng, “đánh đố” sếp

Ngoại trừ những dịp đặc biệt bên ngoài công việc, bạn có khoảng thời gian dài và không gian hợp lí để chia sẻ các vấn đề. Còn lại, trong công việc ở công ty, hãy chọn cách trình bày vấn đề ngắn gọn, súc tích nhưng rõ ràng và dễ hiểu nhất khi trao đổi với sếp. Tránh trình bày lan man, lộn xộn, mập mờ không đi vào ý chính, đánh đố người nghe vì sếp rất bận rộn và cần giải quyết nhiều việc.

Cách trình bày vấn đề cũng thể hiện kỹ năng giao tiếp của bạn. Để làm được điều này, bạn nên luyện tập hằng ngày và có thể nhờ người giỏi hơn chỉ dạy.

Kể tội, “mách lẻo” đồng nghiệp khác

Khi đồng nghiệp khác mắc một sai lầm nào đó, nếu không liên quan đến bạn thì tuyệt đối không tùy tiện kể lể ngay cả với sếp. Trong trường hợp ít nhiều ảnh hưởng đến công việc chung của cả đội trong đó có bạn, nếu được hỏi đến nên trình bày một cách tế nhị và khéo léo để không làm cho tình hình tệ hơn. Đặc biệt, tránh kể tội đồng nghiệp khác trước mặt sếp bởi lẽ điều đó chỉ bộc lộ tính cách xấu của bạn mà thôi. Chưa kể, bạn không những mất điểm mà sếp còn biết được sự chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

So sánh

Đừng dại dột so sánh khi nói chuyện với sếp về các vấn đề nhạy cảm. Ví dụ như so sánh sếp với một ai đó, sếp cũ chẳng hạn, so sánh chỗ làm mới và chỗ làm cũ, về khối lượng công việc giữa mình với đồng nghiệp hoặc giữa công việc hiện tại với công việc cũ… Những điều này sẽ gây tâm lí cực kì khó chịu và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đánh giá của sếp đối với bạn.

Quá suồng sã

Cho dù bạn có mối quan hệ thân thiết với sếp như thế nào thì trong công việc không nên có lời nói và hành động quá suồng sã. Trong công việc, giữa sếp và nhân viên luôn có một chuẩn mực giao tiếp nhất định, bạn nên hiểu rõ điều này. Trong nhiều trường hợp sếp có thể sẽ khó chịu mặc dù không nói ra. Do đó, giữ khoảng cách cần thiết trong cách nói chuyện và hành động ở mức độ vừa phải đúng như sếp và nhân viên là tốt nhất.

Nịnh nọt

Nhiều người lầm tưởng rằng, nói lời a dua, nịnh nọt thì sẽ lấy lòng được sếp. Thực ra, chỉ có một số rất ít người làm quản lý thích nghe lời nịnh nọt từ người khác, còn lại là không. Với một vị sếp có năng lực và tầm nhìn, họ chỉ đánh giá nhân viên qua năng lực thực sự và hiệu quả công việc. Thậm chí, nhiều người ở vai trò quản lý rất ghét kiểu nhân viên nịnh nọt mình. Do đó, hạn chế điều này để tập trung rèn luyện năng lực chuyên môn cùng các kỹ năng cần thiết để làm tốt công việc của mình, mang lại hiệu quả nhất. Có như vậy bạn mới dễ đạt được thành công.

Cách mà nhân viên giao tiếp với sếp cũng là một kĩ năng quan trọng cần học hỏi và rèn luyện kỹ từng ngày, nếu không sẽ có lúc “làm hại” đến công việc của bạn. Nắm vững những điều trên giúp bạn lưu ý hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc. Hãy để sếp thấy được kỹ năng giao tiếp tốt và sự chuyên nghiệp của bạn qua những trao đổi giao tiếp thường ngày nhé.

Đặng Hảo

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN