Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ 2 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng phương án để ứng phó với làn sóng thứ 2 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ 2 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 06/04.

Dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải tập trung cao độ nhằm khóa chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch triệt để ở trong nước, tích cực chữa trị cho người bị nhiễm, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Trong giai đoạn từ nay đến ngày 15/04, các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là ngành y tế cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, giữ thế chủ động trong phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau đây:

Bám sát diễn biến tình hình dịch, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ 2 dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; nhất là phải truy vết, phát hiện sớm các ca nhiễm, nguồn lây bệnh có thể có từ các ổ dịch Bạch Mai (Thành phố Hà Nội), quán bar Buddha (TPHCM); tăng cường năng lực và đẩy nhanh việc xét nghiệm, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

t1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Ảnh: VGP

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 dự đoán tình hình dịch, tiếp tục hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch bệnh về mọi mặt (nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, thuốc men…), tích cực hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực, điều phối nguồn lực cho các các cơ sở y tế tại các địa phương, nhất là các vấn đề chuyên môn sâu về điều trị bệnh; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề cần thiết; đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ mới về vắc xin, thuốc, phương pháp điều trị mới điều trị Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, không để dịch bùng phát ở nước ta; hết sức chú ý đề phòng, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các nơi thường có tập trung đông người như cơ sở tôn giáo, thờ tự, siêu thị, nơi công cộng…; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Chính quyền địa phương và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về việc để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi mình quản lý.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh phương án về bệnh viện dã chiến và chương trình sản xuất máy thở phòng, chống dịch; Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất máy thở.

Thủ tướng cũng giao các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện tốt các biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19.

Đề xuất kéo dài thời gian cách ly xã hội đến cuối tháng 04

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều 06/04, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thực hiện cách ly toàn xã hội là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay và đề nghị các bộ, ngành cùng thảo luận và xem xét việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.

“Từ nay đến hết ngày 15, chúng ta không được chủ quan trong phòng, chống dịch. Bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị 15, 16, chúng ta cần có những biện pháp chủ động hơn để phục hồi kinh tế sau dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

t2Đề xuất kéo dài thời gian cách ly xã hội đến cuối tháng 04 – Ảnh: VGP

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến thời gian tới, số ca nhiễm không tăng nhanh mà chỉ xuất hiện một số trường hợp do thực hiện nghiêm túc cách ly toàn xã hội.

Bộ Y tế đề xuất cách ly và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia dù có giấy chứng nhận âm tính. Những trường hợp đặc biệt cần có phương án giải quyết cụ thể phải xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không thông báo cho tất cả hãng bay tới đón người về nước và không chở người vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.

TPHCM: Tăng cường chăm lo cho các đối tượng khó khăn

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các chính sách về chi trả lương hưu trí, hỗ trợ BHXH, người có công, người bán vé số, người nghèo, người mất việc (gồm giáo viên mầm non)… đang được áp dụng vào thực tiễn.

Thành phố đang thực hiện phương thức chi trả tại nhà cho 210.000 cô bác hưu trí, người hưởng BHXH, người có công với sự hỗ trợ của nhiều lực lượng từ quận huyện đến phường xã. Trong đó, hưu trí có 120.000 người, người có công 43.000 người và bảo hiểm xã hội là gần 90.000 người. Đặc biệt, trong số này thì số người trên 60 tuổi chiếm 70% .

Theo thống kê, TPHCM có 415.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với 3,2 triệu công nhân, người lao động. Trong đó, có 75% doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, có doanh nghiệp buộc phải giảm lao động, có nơi giảm chi trả cho công nhân.

t3TPHCM chăm lo cho các đối tượng khó khăn

Theo khảo sát, có khoảng 600.000 công nhân bị mất việc, ngừng việc. Trong đó, có nhiều lao động chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng. Các đối tượng này được hỗ trợ 1 triệu/tháng (trong 3 tháng). Tổng kinh phí hỗ trợ là 1.800 tỉ đồng cho 600.000 công nhân, người lao động trên. Trong đó, có 32.000 người là giáo viên mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập ngoài quốc doanh cũng được hưởng 1.000.000 đồng/tháng, trong 3 tháng,

Tại 322 phường, xã của 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố có khoảng 12.000 người bán vé số (cả thường trú và tạm trú). UBND Thành phố thống nhất với các sở ngành sử dụng khoảng 9 tỉ đồng từ nguồn quỹ chống Covid-19 để hỗ trợ nhóm người bán vé số dạo trên. Theo đó, mỗi người sẽ nhận được 750.000 đồng trong 15 ngày bị ngừng việc (từ 01-15/04/2020).

Thành phố có 32.000 hộ nghèo, 22.000 hộ cận nghèo. Trong đó, có 9.000 hộ bị tác động trực tiếp mất việc, không nhận được các hoạt động hỗ trợ xã hội, công việc mua bán ế ẩm. Mỗi hộ này mỗi hộ được hỗ trợ 1 triệu/ tháng trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6).

Đối với 43.000 trường hợp đang hưởng chế độ chính sách người có công với cách mạng, Thành phố cũng tiến hành khảo sát những trường hợp khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Theo đó, có 15.000 hộ gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Các hộ này nhận được 500.000 đồng/tháng (trong 3 tháng 4, 5, 6).

Theo conglyxahoi.net.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN