Vụ nổ bom Bangkok: Một người Việt bị thương

Người Việt bị thương trong vụ nổ bom ở gần đền Erawan, Bangkok tối qua là anh Mai Văn Trường, sinh năm 1990, quê Thanh Hóa, đang được chăm sóc tại bệnh viện Klang.

Sáng nay, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tới thăm nạn nhân người Việt trong vụ nổ bom làm 20 người chết và 125 bị thương tối qua. Anh Mai Văn Trường, quê tại Đồng Lợi, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Sức ép của bom khiến anh bị tụ máu tại mắt và dập xương chân. Anh Trường đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa chính quyền thành phố Bangkok (BMA General Hospital, còn gọi là Bệnh viện Klang).

Anh Mai Văn Trường tại bệnh viện sáng nay. Ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cung cấp
Anh Mai Văn Trường tại bệnh viện sáng nay. Ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cung cấp

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho Đại sứ quán Việt Nam, đây là trường hợp công dân Việt Nam duy nhất bị tác động bởi vụ nổ bom.

Vụ nổ bom xảy ra khoảng 7h tối qua tại khu vực trước cửa đền Erawan, ngã tư Ratchaprasong, Pathum Wan, Bangkok. Đây cũng là nơi tập trung nhiều trung tâm mua sắm lớn, thu hút đông du khách nước ngoài.

Ghi nhận của phóng viên VnExpress tại Bangkok tại hai bệnh viện Memorial Chula và Bệnh viện đa khoa Cảnh sát đêm qua cho thấy, có 60 người vào cấp cứu. Trong đó 8 người được xác định tử vong, một nửa là người Thái Lan, còn lại là du khách Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia.

Hiện trường vụ nổ cách trung tâm mua sắm Central World chỉ 2 phút đi bộ. Thiết bị nổ cài ngay dưới chân hệ thống tàu điện BTS nhưng không ảnh hưởng đến giao thông đường trên cao. Trong khi phía dưới cảnh sát phong toả và khám nghiệm hiện trường thì ngay trên đầu, tàu vẫn chạy.

Chốt cảnh sát gần Siam Paragon. Khoảng 2 km đường Rama I bị phong tỏa sau vụ nổ bom. Ảnh: Hương Nguyễn
Chốt cảnh sát gần Siam Paragon. Khoảng 2 km đường Rama I bị phong tỏa sau vụ nổ bom. Ảnh: Hương Nguyễn

Khoảng 2 km đường Rama I – trục đường xảy ra vụ đánh bom và cũng là nơi có 2 bệnh viện lớn nêu trên bị cảnh sát phong toả. Khu vực điều trị cho các nạn nhân cũng bị cách ly hoàn toàn với báo chí và dân thường. Bên ngoài, nhân viên bệnh viện và đại diện cảnh sát địa phương túc trực để trả lời thắc mắc và chủ động thông báo danh sách người nhập viện, tử vong.

Tình nguyện viên người Thái cũng đến để giúp phiên dịch thông tin từ nhà chức trách tới du khách quan tâm.

Một nhóm bạn trẻ ba người Trung Quốc lo lắng đứng ngoài bệnh viện Chula chờ đợi tin về người thân. Xie Wen Ting (giáo viên ở Jiang Xi, Trung Quốc) cho VnExpress biết cô đang đi du lịch thì biết tin và rất sốc, cô chạy ngay đến bệnh viện. Ting xúc động trào nước mắt trong khi đợi danh sách người bị nạn. Sau phút trấn tĩnh, cô lại quay ra an ủi người xung quanh.

Thời điểm xảy ra vụ nổ bom thứ nhất, chị Wayne (Singapore) đang trên đường đến nhà hàng ăn tối. “Xe van vừa rời khỏi Prathunam thì tôi nghe tiếng “đùng” như sấm. Mọi người trên xe hỏi nhau có chuyện gì vậy, nhưng không ai tin nổi đó là vụ đánh bom”, chị kể. Sau đó chưa đầy nửa tiếng, chị đang ngồi ăn ở Heritage Hotel thì nghe tiếng đùng như sấm dậy lần thứ hai.

Màn hình TV liên tục đưa tin trực tiếp từ hiện trường, nhân viên và du khách đều chăm chú theo dõi. Trong khi du khách hỏi nhau lo lắng thì người dân bản địa khá bình tĩnh. Hoạt động của nhà hàng tiếp diễn như không có gì xảy ra. Lẫn trong dòng xe cộ ngược xuôi chậm rãi là những tiếng còi xe cứu thương inh ỏi phố phường.

Tại sảnh một khách sạn lớn nằm ở khu Prathunam – cách hiện trường vụ đánh bom ở Rama I khoảng một km, du khách tụm lại thành từng nhóm bàn tán, rồi tự bảo nhau không nên ra đường. Trong thang máy, một du khách phương Tây khuyên một cô gái châu Á không nên ra ngoài khi biết cô có ý định dạo phố.

Khách sạn không đưa ra khuyến cáo chính thức nào về tình hình an ninh. Khách chỉ nhận được lời khuyên hoặc tư vấn khi chủ động hỏi.

Nguồn Vnexpress

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN