Quyền của người tiêu dùng, bạn đã biết?

Đôi khi bạn cần hiểu về quyền của người tiêu dùng như thế nào để có thể giải quyết được những tình huống gặp phải dưới đây!

Hỏi: Tôi mua một món thực phẩm từ cửa hàng tạp hóa cho con tôi dùng, bé bị ngộ độc phải đưa vào bệnh viện. Tôi nghi ngờ mình đã mua nhầm hàng giả. Vậy tôi có thể kiện và đòi bồi thường hay không? Nếu trong trường hợp đã tiêu thụ (thực phẩm) và bị ngộ độc thì lấy gì để chứng minh là do sản phẩm đó? 

Khi phát hiện món đồ đã mua là hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn sức khỏe, thậm chí gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, tài sản của người tiêu dùng (NTD), bạn có thể khiếu nại tới các cơ quan, tổ chức như dưới đây (căn cứ Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng):

  • Khiếu nại trực tiếp đến tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh (SX-KD) hàng hóa, dịch vụ mà mình đã mua hoặc sử dụng.
  • Thông qua các Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD, các văn phòng khiếu nại của NTD ở địa phương để khiếu nại đến tổ chức, cá nhân SX-KD hoặc khiếu nại lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Khiếu nại lên các cơ quan quản lý nhà nước: Sở Thương mại/Sở Thương mại và Du lịch các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý cạnh tranh; Các cơ quan chuyên ngành có liên quan (Cục Quản lý thị trường, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Cục Xúc tiến thương mại…).

Ngoài ra, NTD có thể khởi kiện đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp có đủ căn cứ xác đáng và tổ chức, cá nhân SX-KD không giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp cho NTD.

Để có chứng cứ khiếu nại, bạn phải cung cấp được chứng cứ chứng minh lỗi của sản phẩm và/hoặc lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Trong các trường hợp, đều phải giữ lại vật phẩm mà bạn đã tiêu thụ nghi bị lỗi.

ngodocTP2111247ca1_4431b

Hỏi: Tôi mua một thùng sữa tươi tiệt trùng. Khi sử dụng, phát hiện sữa có dấu hiệu hư hỏng. Tôi gọi điện đến đơn vị sản xuất để khiếu nại thì được cho biết đó là lỗi bảo quản của cửa hàng (do để ngoài nắng nóng). Cửa hàng lại nói loại sữa đó không cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh nên không chịu đổi. Trong trường hợp này ai chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi?

Khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết, bạn có thể yêu cầu bồi thường. Trường hợp này bạn yêu cầu trực tiếp cá nhân KD sữa trên phải bồi thường cho bạn. Nếu cơ sở KD không chịu bồi thường bạn có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo.

Hỏi: Dịp lễ 29 vừa rồi gia đình tôi đi du lịch đến D.L và vào một quán ăn bình dân để ăn tối. Tôi có xem qua giá thực đơn và thấy đắt hơn giá bình thường 30% nhưng chấp nhận. Tuy nhiên, tôi chủ quan không xem giá nước uống. Khi tính tiền mới biết họ tính giá 60.000 đồng/chai bia Sài Gòn và 30.000 đồng/lon Coca. Trong trường hợp này, tôi có thể khiếu nại hay không và đến cơ quan nào? 

Trong trường hợp bạn cho là mình “bị chặt chém”, tức là cửa hàng không công bố hoặc có hành vi gây hiểu lầm về giá cả để bán cao hơn mức bình thường, bạn có thể khiếu nại đến cơ quan địa phương nơi bạn du lịch như Ủy ban Nhân dân các cấp hoặc ban quản lý chợ, căn cứ Điều 7 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có những trường hợp, cửa hàng còn làm hai thực đơn với mức giá khác nhau nhằm bắt chẹt khách hàng. Tốt nhất khi vào những cửa hàng lạ, bạn nên giữ lại thực đơn cho đến lúc tính tiền hoặc chụp lại bảng giá.

Hỏi: Chị gái tôi mua một hộp sữa bột của một nhãn có tiếng cho con uống. Sữa còn hạn sử dụng nhưng khi khui ra thì phát hiện đã bị vón cục. Chị tôi đã gọi điện đến phòng dịch vụ khách hàng để khiếu nại. Họ hứa sẽ đền 1 hộp khác nhưng chị ấy muốn đòi bồi thường bằng tiền mặt với giá trị gấp nhiều lần hộp sữa nếu không sẽ đưa thông tin ra báo chí. Xin hỏi, chị ấy làm như thế có bị xem là phạm tội tống tiền?

Trường hợp này chị gái bạn chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trên tinh thần thương lượng, hòa giải trao đổi giữa hai bên. Nếu không thỏa thuận được bạn có quyền khởi kiện tại tòa án. Nhưng bạn phải cung cấp chứng cứ chứng minh thiệt hại phía bên tổ chức, cá nhân kinh doanh đó gây thiệt hại cho bạn.

Chị gái bạn yêu cầu bồi thường giá trị gấp nhiều lần hộp sữa vẫn xem là hơp lệ nếu chị ấy chứng minh được thiệt hại sau khi sử dụng sản phẩm mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán cho bạn.

 

image-Được tư vấn bởi Luật sư Lâm Thị Hồng Cẩm

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV CT LAW

Địa chỉ: 418/4D Trần Phú, Q.5, TP.HCM.

Điện thoại: 0913.776.666

Website: www.ctlaw.vn

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN