Tăng cân để được làm mẹ

Chim muốn đẻ trứng phải chuẩn bị tổ, gà cũng biết đi lót ổ, con người muốn làm mẹ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng “tổ” của mình. Tổ ấm đầu tiên của con trẻ không chỉ đơn thuần là dạ con (tử cung) mà là cả cơ thể của người mẹ.

Tăng cân để được làm mẹTất cả những chất dinh dưỡng cần thiết để thai nhi phát triển trong bụng mẹ được lấy từ thức ăn mẹ ăn vào. Nếu mẹ ăn uống không đầy đủ thì các chất dinh dưỡng còn thiếu sẽ được lấy ra từ chính cơ thể người mẹ. Ví dụ như với canxi, canxi để tạo bộ xương và mầm răng cho con sẽ được lấy từ xương và răng của mẹ nếu người mẹ không cung cấp đủ cho nhu cầu canxi rất cao trong thời gian mang thai của mình, đó là lý do ông bà hay bảo “sanh nhiều thì rụng răng, còng lưng sớm”. Nặng hơn nữa nếu cơ thể mẹ cũng không dự trữ đủ thì thiếu hụt dinh dưỡng sẽ sớm xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Tình trạng thiếu acid folic trong giai đọan rất sớm của thai kỳ sẽ gây ra sẩy thai, dị tật thai nhi hay gặp là kiếm khuyết ống thần kinh gây tật hở tủy sống ra da vùng thắt lưng, thai vô sọ…

Cân nặng của người mẹ lúc mang thai quá thấp (dưới 45 kg) là một yếu tố tiên lượng nguy cơ của thai kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn (gọi là thai kỳ nguy cơ cao). Các nghiên cứu dịch tể cho thấy nếu người mẹ gầy, nhỏ, yếu… thường có những đứa con suy dinh dưỡng trong tử cung, nguy cơ dị tật tăng cao, phát triển thể chất và trí tuệ kém, tỷ lệ tai biến lúc sanh cũng nhiều hơn.

Tăng cân để được làm mẹ

Để tránh những sự cố đáng tiếc như vậy xảy ra, người phụ nữ cần chuẩn bị “dự trữ dinh dưỡng” cần thiết cho mình và cho con. Nữ thanh niên lập gia đình nên cố gắng có cân nặng trên 45 kg, lúc chuẩn bị mang thai nên tăng cường dinh dưỡng hơn nữa, mập mập một chút để sẵn sàng “nhận nuôi” một em bé nữa.

Bạn muốn tăng cân tức là phải phát triển thêm lượng cơ xương và tích lũy thêm mỡ trong cơ thể,  cần phải làm sao cho năng lượng cung cấp qua bữa ăn phải nhiều hơn năng lượng bạn sử dụng để sống và hoạt động, làm việc…  Hay nói cách khác là tăng cung cấp các chất dinh dưỡng đồng thời làm giảm phần năng lượng bị tiêu hao. Tăng khối lượng cơ xương cần phối hợp cả dinh dưỡng và vận động, thể dục thể thao…

Tăng cân để được làm mẹ

Tăng cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể:

  • Ba bữa ăn chính nên ăn đúng giờ và không bỏ bữa. Thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng chính là cơm và dầu mỡ, cần ưu tiên dùng nhiều các loại thức ăn “bổ dưỡng” giàu năng lượng: giàu chất béo, ngọt như  sữa tươi, sữa bột nguyên kem các loại, bánh kem, ly kem tươi, chocolate, chè, thịt quay, tô mì nhiều dầu mỡ… Cả trong chế biến món ăn, bạn có thể thường xuyên làm các món chiên, xào, súp có nước béo…
  • Nếu trong mỗi bữa ăn bạn không ăn được nhiều, bạn có thể ăn nhiều món trong cùng một bữa. Ví dụ sau khi ăn cơm thì ăn thêm vài cái bánh mặn, hũ yaourt, hoặc ly sữa… rồi hãy ăn trái cây tráng miệng.
  • Ngoài 3 bữa chính, bạn nên ăn thêm 2-3 bữa ăn phụ với ly sữa, chén chè, cái bánh bông lan, củ khoai, trái bắp, hũ kem… Nên ăn khuya để tăng cân thêm.
  • Nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong ngày, đổi món thường xuyên giúp bạn không bị ngán ngấy lại có thể nhận được đủ chất dinh dưỡng. Nếu bạn không ăn uống đa dạng sẽ bị thiếu một số vi chất dinh dưỡng gây ra biếng ăn và một số bệnh lý khác.
  • Bạn không nên ăn lặt vặt suốt ngày mà nên dồn vào những bữa ăn chính hoặc phụ. Trước bữa ăn chính trong vòng 2 giờ đồng hồ, bạn không nên ăn uống gì mà hãy thưởng thức các món “lặt vặt” này ngay sau bữa cơm của mình.
  • Có thể dùng các loại bột dinh dưỡng hoặc sữa cao năng lượng bổ sung thêm vào các bữa ăn, nhất là cử tối trước đi ngủ. Uống sữa bột nguyên kem (khuấy nhiều sữa – hơi đặc một chút), tối thiểu ngày 2 ly sẽ giúp tăng năng lượng.

Tăng cân để được làm mẹ

Giảm năng lượng tiêu hao:

  • Xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng.
  • Chích ngừa phòng bệnh, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống.
  • Nghỉ ngơi và bồi dưỡng tốt để phục hồi sức khỏe sau khi bị bệnh.
  • Nên điều hòa giữa lao động và nghỉ ngơi cho hợp lý. Hạn chế thức khuya. Tránh làm việc, lao động, học tập, chơi thể thao quá sức, căng thẳng.

Tập thể dục đều đặn và vừa sức mỗi ngày giúp máu huyết lưu thông, phát triển cơ bắp và tăng cường khối xương, tiêu hóa thuận lợi… Đi bộ nhanh, cầu lông, bơi lội… khá phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau và rất cần thiết để có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Mỗi ngày cần tập khỏang 15-30 phút, một đến hai lần trong ngày, sau tập cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng (ăn bánh mì thịt, tô hủ tíu, uống hộp sữa tươi nguyên kem có đường…) và uống đủ nước ngay sau khi tập.

Khám sức khỏe tổng quát trước khi chuẩn bị có thai là điều các bạn trẻ cần lưu ý. Các bác sĩ sẽ giúp bạn điều chỉnh cân nặng, điều trị thiếu dinh dưỡng nếu có… để sẵn sàng cho một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, mẹ đẹp con xinh.

BS CK1 Đào Thị Yến Thủy
Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN