Chế độ dinh dưỡng khi bắt đầu điều trị ung thư

Cơ thể con người cần một chế độ ăn uống lành mạnh để hoạt động tốt, đặc biệt với các bệnh nhân ung thư. Bởi, khi đó, bạn sẽ bắt đầu điều trị với nguồn năng lượng dự trữ giúp bạn duy trì được sức khỏe, ngăn chặn việc các mô bị phá hủy, tái tạo lại mô, duy trì khả năng chống đỡ các bệnh lây nhiễm.

1. Ăn uống lành mạnh

Cơ thể bạn cần một chế độ ăn uống lành mạnh để hoạt động tốt. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn khi bạn bị ung thư. Có một chế độ ăn uống lành mạnh, bạn sẽ bắt đầu điều trị với nguồn năng lượng dự trữ giúp bạn duy trì được sức khỏe, ngăn chặn việc các mô bị phá hủy, tái tạo lại mô, duy trì khả năng chống đỡ các bệnh lây nhiễm.

Người có chế độ ăn uống lành mạnh có khả năng đối phó được các tác dụng phụ của quá trình điều trị tốt hơn. Thậm chí, bạn có thể tiếp nhận vào cơ thể các loại thuốc có liều cao hơn. Trong thực tế, một số phương pháp điều trị ung thư phát huy hiệu quả hơn ở những người ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nạp đầy đủ năng lượng và chất đạm.

– Đừng ngại thử các loại thức ăn mới. Đối với một vài loại thức ăn, có thể trước đây bạn không bao giờ thích nhưng bạn lại ăn ngon miệng trong suốt quá trình điều trị.

– Chọn các loại thực phẩm thực vật khác nhau. Hãy thử ăn đậu khô và đậu Hà Lan thay vì thịt trong một vài bữa ăn mỗi tuần.

– Cố gắng ăn một lượng trái cây và rau tương đương ít nhất 2,5 cốc đong mỗi ngày, bao gồm cả trái cây và rau củ có màu xanh đậm và vàng đậm. Rau củ quả nhiều màu sắc và thức ăn thực vật chứa các chất tăng cường sức khỏe tự nhiên gọi là hóa chất thực vật (phytochemicals).

– Hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất béo, đặc biệt các sản phẩm từ động vật. Chọn sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo. Giảm lượng chất béo trong bữa ăn của bạn bằng cách chọn một phương pháp nấu ăn ít béo như nướng hoặc hun khói.

– Cố gắng duy trì cân nặng hợp lý, và đảm bảo cơ thể luôn năng động. Việc cân nặng có những biến động nhỏ trong khi điều trị là bình thường.

– Hạn chế ăn các loại thức ăn ướp muối, hun khói hoặc ngâm chua.

Nếu bạn không thể thực hiện được bất cứ điều nào được đề cập ở trên trong khoảng thời gian này, đừng lo lắng về nó. Nên nhớ rằng bạn có thể tìm thêm hỗ trợ khi cần. Đôi khi việc thay đổi chế độ ăn uống là cần thiết để thêm lượng nước, đạm và năng lượng mà cơ thể bạn cần. Hãy cho bác sĩ, y tá và chuyên gia dinh dưỡng biết về bất kỳ vấn đề nào bạn đang gặp phải.

2. Ăn thức ăn nhẹ nếu cần thiết

Trong suốt quá trình điều trị ung thư, cơ thể thường xuyên cần thêm năng lượng và đạm để giúp bạn duy trì cân nặng và giúp bạn sớm phục hồi. Nếu bạn đang bị giảm cân, thức ăn nhẹ có thể giúp bạn tăng cường sức mạnh và năng lượng của cơ thể, và giúp bạn cảm thấy khỏe hơn. Trong khi điều trị, có thể bạn phải ăn các loại thức ăn nhẹ “không lành mạnh” để ưu tiên đáp ứng nhu cầu năng lượng (calo). Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn chỉ phải theo chế độ ăn đó trong một thời gian ngắn – khi tác dụng phụ đã hết, bạn có thể quay trở lại chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Để dễ dàng đưa thêm thức ăn nhẹ vào bữa ăn hằng ngày, hãy thử những cách sau đây:

– Ăn thức ăn nhẹ từng ít một suốt ngày.

– Luôn có sẵn các thức ăn nhẹ giàu đạm dễ chế biến và dễ ăn. Những loại này bao gồm sữa chua, ngũ cốc và sữa, một nửa cái bánh mì kẹp, một bát súp có đầy đủ rau củ và thịt hầm, pho mát và bánh quy giòn.

– Tránh các loại thức ăn nhẹ có thể khiến các tác dụng phụ liên quan đến quá trình điều trị trở nên xấu hơn. Ví dụ, nếu bạn bị tiêu chảy, bạn nên tránh bỏng ngô và rau củ quả còn sống. Nếu bị đau họng, bạn không nên ăn các loại thực phẩm khô, thực phẩm thô hoặc có tính axit.

– Nếu bạn có thể ăn uống bình thường và duy trì cân nặng mà không cần các bữa ăn nhẹ bạn không cần phải dùng thêm đồ ăn nhẹ.

2.1 Một số mẹo để tăng năng lượng và đạm nạp vào cơ thể

– Ăn các bữa ăn nhẹ đơn giản và thường xuyên trong suốt cả ngày, ngoài 3 bữa ăn chính.

– Ăn các loại thực phẩm yêu thích của mình bất cứ khi nào trong ngày. Ví dụ, ăn thức ăn dành cho bữa sáng trong bữa ăn tối nếu bạn thấy thích.

– Cứ vài giờ lại ăn. Đừng chờ đợi cho đến khi bạn cảm thấy đói.

– Ăn bữa ăn nhiều và thịnh soạn nhất khi bạn cảm thấy đói nhất. Ví dụ, nếu bạn đang đói nhất vào buổi sáng, chuẩn bị bữa ăn sáng nhiều và thịnh soạn nhất.

– Cố gắng ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều năng lượng, giàu đạm trong mỗi bữa ăn chính và ăn nhẹ.

– Tập thể dục nhẹ hoặc đi bộ trước bữa ăn để tăng sự thèm ăn.

– Uống nhiều các thức uống giàu năng lượng và đạm như các món uống kem sữa tươi và các thức uống đóng hộp.

– Chủ yếu uống nước giữa các bữa ăn thay vì trong các bữa ăn. Uống nước trong bữa ăn có thể làm cho bạn cảm thấy quá no.

– Thử ăn các món ăn dinh dưỡng (lương khô đóng thành thỏi) và các loại bánh pudding tự chế biến hoặc đã được chế biến sẵn.

Các loại thức ăn giàu chất đạm
21-16021506840831868019250-1602205434749-16022054351731248069852

Các loại thức ăn giàu năng lượng
22-1602151827709715593645-1602205437035-16022054376601908990482
2.2 Đừng quên tập thể dục

Hoạt động thể chất có nhiều lợi ích. Nó giúp bạn duy trì sự săn chắc cho cơ bắp, sức mạnh, sức chịu đựng, và làm mạnh xương. Nó có thể giúp làm giảm chán nản, căng thẳng, mệt mỏi, buồn nôn, và táo bón. Nó cũng có thể giúp bạn ăn ngon miệng hơn.

Vì vậy, nếu bạn chưa tập thể dục, hãy nói chuyện với bác sĩ về mục tiêu hoạt động vừa phải (như đi bộ) ít nhất 150 phút, mỗi tuần.

Nếu bác sĩ chấp thuận, bạn hãy bắt đầu từ các bài tập nhỏ (có thể từ 5 đến 10 phút mỗi ngày) và nếu bạn có thể, hãy tiến dần lên mục tiêu 150 phút. Hãy lắng nghe cơ thể của bạn, và nghỉ ngơi khi thấy cần thiết. Bây giờ không phải là thời gian để ép mình vào việc tập thể dục. Hãy làm những gì bạn có thể làm khi bạn đã sẵn sàng.

Theo Hằng Trần – phunuvietnam.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN