Những loại vitamin cần cho trẻ béo phì

Thừa cân, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn.

Béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành của trẻ.

Có một quan điểm sai lầm rằng, ở nhiều bà mẹ có con thừa cân hoặc béo phì đã tối giản quá mức thực đơn dành cho bé. Cách làm này là hoàn toàn không có căn cứ khoa học vì các mẹ chưa thực sự hiểu rõ nguyên nhân thừa cân, béo phì, dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ.

Theo các bác sĩ Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), các loại vitamin quan trọng cho trẻ thừa cân, béo phì bao gồm:

Vitamin tan trong dầu

– Vitamin D là vitamin tan trong chất béo. Đối tượng trẻ em, vị thành niên thiếu hụt vitamin D thường có chỉ hiện tượng thừa cân, béo phì, kéo theo những hậu quả khác như gây ra những biến đổi tim mạch sớm hơn ở trẻ khi trưởng thành. Nhu cầu vitamin D tối thiểu mỗi ngày là 400 IU và không được vượt quá 1000 IU mỗi ngày đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, 1500 IU mỗi ngày đối với những trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi. Khi trẻ hơn 1 tuổi, ăn uống tốt thì không cần bổ sung vitamin D nữa.

Để bổ sung vitamin D cho trẻ, phụ huynh có thể sử dụng các dược phẩm có sẵn trên thị trường như Aquadetrim (500 IU/giọt), Sterogyl (400 IU/giọt), Infadin (800 IU/giọt),… Một nghiên cứu ở một nhóm trẻ em ở Pháp thấy được rằng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên quan đáng kể đến việc cải thiện sự thiếu hụt vitamin D cho trẻ. Ngoài ra có thể bô sung vitamin D cho trẻ thông qua các thực phẩm giàu vitamin D như: cá hồi, nấm, trứng, …

– Vitamin A cũng là một loại vitamin tan trong dầu có nguồn gốc từ cả động vật và thực vật. Trong một nghiên cứu ở Thụy Sĩ cho thấy trẻ em bị thiếu hụt vitamin A tăng đáng kể trong nhóm béo phì.

Để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non, trong trường hợp trẻ không có sữa mẹ hoặc thiếu sữa mẹ thì bổ sung 50.000 UI vitamin A mỗi ngày bất kì lúc nào. Khi trẻ từ 6-12 tháng tuổi, cứ 4-6 tháng cho uống 100.000 UI vitamin A. Trẻ trên 1 tuổi, Cứ 4-6 tháng cho uống 200.000 UI vitamin A. Thị trường có nhiều chế phẩm có chứa dạng phối hợp giữa vitamin A và các loại vitamin khác như là: Vitamin A & D chứa 5000 IU vitamin A + 400 IU vitamin D. Ngoài ra, các bà mẹ cần linh hoạt hơn trong việc chế biến các món ăn để bảo đảm cung cấp đầy đủ lượng vitamin A cần thiết trong khẩu phần ăn. Thông thường vitamin A chứa nhiều trong các loại rau quả xanh (rau muống, rau dền, mồng tơi,…), rau quả có màu vàng đậm (cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ,…), hoặc có rất nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như (gan, thịt, cá, trứng, sữa, …).

– Vitamin E là một chất chống oxi hóa quan trọng ở con người, một nghiên cứu cũng cho thấy 44% trẻ em thừa cân, béo phì ở một trường học ở Mexico bị thiếu hụt vitamin E.

Trẻ 1-3 tuổi: 200 mg/ngày (300 IU); Trẻ 4-8 tuổi: 300 mg/ngày (450 IU); Trẻ 9-13 tuổi: 600 mg/ngày (900 IU). Vì vitamin E hòa tan trong chất béo nên thành phần bổ sung sẽ được hấp thụ tốt nhất khi dùng kèm với thức ăn có chất béo. Thị trường có chế phẩm viên nang mềm Vinpha E (mỗi viên nang chứa 400 IU).

Vitamin E có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm trái cây, rau, các loại hạt và hạt giống: Dầu thực vật, rau có màu xanh thẫm (cải bó xôi), ngũ cốc, trứng,…

Vitamin tan trong nước: Folate và vitamin B12

Ở trẻ em thừa cân, béo phì, sự thiếu hụt Folate và vitamin B12 xảy ra phổ biến hơn. Tùy theo độ tuổi, lượng vitamin B12 con bạn cần sẽ là: Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi: 0,4 mcg/ngày; Trẻ từ 7-12 tháng tuổi: 0,5 mcg/ngày; Trẻ từ 1-3 tuổi: 0,9 mcg/ngày; Trẻ từ 4-8 tuổi: 1,2 mcg/ngày; Trẻ từ 9-13 tuổi: 1,8 mcg/ngày; Tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 14 tuổi trở lên: 2,4 mcg/ngày.

Thị trường có chế phẩm viên nén Folacid chứa 5 mg acid folic. Nguồn cung cấp vitamin B12 bao gồm các sản phẩm từ sữa, thịt, gia cầm, hải sản và trứng, ngoài ra còn có một số loại ngũ cốc ăn sáng, sản phẩm lên men dinh dưỡng và thực phẩm làm từ đậu nành được bổ sung tăng cường vitamin B12 cho bé.

Khoáng chất và các nguyên tố vi lượng

– Sắt đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nhiều chức năng của cơ thể, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Do đó, khi trẻ lớn lên, nhu cầu đối với sắt cũng tăng. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng những đối tượng thừa cân hay béo phì cũng có hiện tượng thiếu sắt.

Về nhu cầu sắt, trẻ từ 1-3 tuổi khoảng 7 mg/ngày, trẻ từ 4-8 tuổi cần khoảng 10 mg/ngày.

Thị trường có chế phẩm bổ sung sắt cho trẻ em chai siro Ferlin 60 ml (mỗi muỗng cà phê tương đương 5 ml chứa 30 mg sắt). Hoặc có thể chế phẩm dạng siro nhỏ giọt Saferon Drop 15 ml (tương đương 50 mg sắt/ml). Nguồn sắt là từ động vật (thịt, lòng đỏ trứng) và nguồn gốc thực vật (chủ yếu là các loại đậu).

– Kẽm là nguyên tố vi lượng có rất cần thiết cho sự phát triển của cơ và xương. Tuy nhiên, một nghiên cứu thực hiện ở trẻ em ở trường học Mexico cho thấy 1/4 trong số đó có thiếu kẽm, gây ra nhiều tác hại đi kèm như suy giảm miễn dịch, rối loạn thần kinh,… Trẻ thừa cân, béo phì cũng nằm trong nhóm đối tượng bị thiếu hụt nguyên tố này.

Nhu cầu của kẽm và hấp thu kẽm trong cơ thể : Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5 mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10 mg/ngày

Trên thị trường có nhiều chế phẩm bổ sung kẽm cho trẻ em ở cả dạng viên nén Farzincol (1 viên nén tương đương 10 mg kẽm) chia thành 1-2 lần uống trong ngày, có thể nghiền nát và thêm chút đường cho bé uống. Hoặc dạng thuốc cốm Zinenutri (1 gói tương đương 10 mg kẽm). Phụ huynh có thể bổ sung kẽm cho các bé từ các nguồn thức ăn từ thịt, cá, vỏ cá và các loại hạt và ngũ cốc.

– Selen cũng là thành phần chống oxi hóa quan trọng và bị thiếu hụt ở trẻ em thừa cân, béo phì mà các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý. Trẻ từ 6-11 tháng tuổi, lượng selen khuyên dùng là 1 5 mg/ngày; trẻ từ 12-23 tháng tuổi là 20 mg/ngày; trẻ từ 2-5 tuổi là 25 mg/ngày; trẻ từ 6-9 tuổi là 30 mg/ngày; trẻ từ 10-13 tuổi là 40 mg/ngày.

Các thực phẩm bổ sung selen cho trẻ em trong nguồn thức ăn hằng ngày như là lúa mì, bắp, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, củ cải, yến mạch, pho mát, nấm, cá hồi, thịt gà,…

Phương pháp kèm theo

Bên cạnh các nguồn thức ăn hằng ngày, các cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ,… Hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh có thể bổ sung các loại vitamin và nguyên tố vi lượng cho trẻ thông qua các sản phẩm dược phẩm đa thành phần khác như là chai siro uống Kid- Plus, hoặc ống siro uống Kidrinks Phargington 10ml. Quan trọng là bố mẹ nhớ chỉ nên bổ sung cho con khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

(Theo http://vtv.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN