Vở kịch “Sài Gòn” – vở kịch đa âm sắc về tình yêu và cuộc sống tha hương

Vở kịch “Sài Gòn” sẽ được biểu diễn vào ngày 21-22/9 tới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp.

Saigon5©JeanLouisFernandez002Sau tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon vào mùa hè năm 2017, vở kịch “Sài Gòn” liên tục công diễn và được khán giả chào đón nồng nhiệt tại các nhà hát danh giá trên thế giới. Vở kịch kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm. Đó là một cuộc du hành trong không gian và thời gian, từ Việt Nam qua Pháp, từ năm 1956 – khi những người Pháp cuối cùng tại Sài Gòn về nước đến năm 1996 – khi Việt Nam cho phép những người Việt kiều về thăm quê hương.

Saigon3©JeanLouisFernandez056

Mọi việc diễn ra trong một nhà hàng Việt Nam tại Sài Gòn vào năm 1956 hay tại quận 12 Paris vào năm 1996, nơi có nhiều người Việt Nam xa xứ đến sinh sống. Nhà hàng này cũng giống rất nhiều nhà hàng Việt khác ở Pháp: trang trí bình dân, hoa cắm nhiều màu sắc với một dàn karaoké. Nhà hàng là nơi sẻ chia những câu chuyện riêng tư của những con người đã từng trải qua những giai đoạn quan trọng của lịch sử. Đó là câu chuyện của hai người yêu nhau mà phải chia ly, của một anh lính Pháp yêu một cô gái Việt và đưa cô về Pháp, của người con lai và mẹ mình…

Caroline Guiela Nguyen©Julien Pebrel

Nữ đạo diễn sân khấu Caroline Guiela Nguyen đã tập hợp 11 diễn viên Pháp, Việt và Việt kiều cho vở diễn. Thế là bắt đầu một vở kịch đa âm sắc kể lại những câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống tha hương nhuốm màu lãng quên và hoài niệm. Cô chia sẻ: “Tôi không muốn nói về họ mà muốn để họ tự kể câu chuyện của chính mình”. Cô kéo chúng ta vào thế giới của những con người đã “gặp nhau, yêu nhau và bị lịch sử lãng quên từ 60 năm nay” để cùng viết thành một câu chuyện chung.

Sự hình thành nên vở kịch

Sau khi đã thực hiện nhiều vở kịch kinh điển, Caroline Guiela Nguyen muốn sáng tác vở kịch “Sài Gòn”. Cô chia sẻ: “Tôi chợt hiểu là những câu chuyện và những con người về thế giới đương đại còn ít được khai thác. Tôi muốn khán giả nghe được âm thanh của thế giới xung quanh chúng ta”.

Saigon3©JeanLouisFernandez044

“Vở kịch “Sài Gòn” không mang tính tự truyện cũng không nói về thời kỳ thuộc địa” nhưng nó lại liên quan đến câu chuyện của riêng cô: mẹ cô là người gốc Việt và nhiều người trong gia đình cô đã di cư sang Pháp.

Saigon5©JeanLouisFernandez006

Để xây dựng nên vở diễn này, Caroline Guiela Nguyen cùng các cộng sự đã đến TP.HCM năm 2015 và 2016 trong khuôn khổ chương trình Nghệ sỹ lưu trú Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Trong suốt thời gian này, họ đã tìm hiểu và cảm nhận Việt Nam. Họ đã quay phim, chụp hình, phỏng vấn, ghi lại cảm xúc… và tham khảo các tài liệu lưu trữ, nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương. Sau đó, họ cũng đã đi tìm hiểu về cộng đồng người Việt ngay tại Paris.

Ngôn ngữ thoại trong vở kịch

Những vấn đề về ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong vở kịch. Tác phẩm thể hiện lại câu chuyện của những người Việt Nam sang định cư tại Pháp. Khi trở lại đất nước mình, họ nhận ra rằng mình nói một thứ tiếng Việt lỗi thời. Hay đó là câu chuyện về những người có biết chút ít tiếng Pháp nhưng tiếng Việt lại bị mai một, khiến họ khó diễn đạt một cách trọn vẹn những nỗi đau của mình.

Saigon3©JeanLouisFernandez060

Đối với Caroline Guiela Nguyen, việc các diễn viên tự đặt lời thoại cho vai diễn của mình là rất quan trọng. Mỗi người đều có một cách diễn đạt riêng cũng như những trải nghiệm riêng. Ví dụ, diễn viên Trần Nghĩa Hiệp nói tiếng Pháp, nhưng tiếng Pháp của Hiệp hẳn là khác so với tiếng Pháp của Pierric, một diễn viên người Pháp.

“Sài Gòn” thành công rực rỡ

Sau khi được khán giả và giới phê bình chào đón nồng nhiệt tại Liên hoan sân khấu Avignon lần thứ 71, “Sài Gòn” đang lưu diễn quốc tế qua nhiều thành phố: Paris, Lyon, Berlin, Amsterdam, Bắc Kinh, Thượng Hải, Stockholm… Sau thành phố Hồ Chí Minh sẽ là Rome, Vilnius và nhiều thành phố châu Âu khác.

Saigon4©JeanLouisFernandez111

Vở diễn cũng đã vinh dự đón tiếp một số vị khán giả đặc biệt như Phu nhân Tổng thống Pháp Brigitte Macron hay Ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Ông Thiệp đã đến xem vở diễn tại nhà hát Odéon và nồng nhiệt chúc mừng nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyen.

Đạo diễn Caroline Guiela Nguyen

Caroline Guiela Nguyen là người Pháp, có mẹ là người Việt Nam. Cô là một đạo diễn sân khấu còn trẻ nhưng rất tài năng, là nghệ sỹ thường trực của Nhà hát Odéon, nhà hát Châu Âu, Nhà Văn hóa MC2 Grenoble và là thành viên của nhóm nghệ thuật La Comédie de Valence thuộc Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Drôme-Ardèche.

Năm 2016, cô đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn Chương và được đề cử giải thưởng Molières năm 2015 cho tác phẩm “Elle brûle” và năm 2018 cho tác phẩm “Sài Gòn”.

“Sài Gòn” không phải là một cuốn tự truyện của Caroline Guiela Nguyen. Vở kịch không kể về cuộc đời của mẹ cô. Cô chia sẻ: “Điều làm tôi quan tâm, đó là kể về những câu chuyện ít khi được nhắc đến. Đó là câu chuyện về những người Việt Nam sang Pháp năm 1956 và chỉ trở về quê hương năm 1996. Tôi không đặt mình vào vị trí của những người Việt Nam trong vở kịch này mà hoàn toàn nhìn từ góc độ của người Pháp”.

sai gonVở kịch “Sài Gòn” được biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành – Số 6 Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM vào lúc 18h30 ngày 21/09/ 2018 và 15h30 ngày 22/09/2018. Vé được bán tại website: https://goo.gl/f8eH7X

Phụ Nữ Ngày Nay

Nội dung được thực hiện theo GPKD của Đại Việt Toàn Cầu.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN