Trách nhiệm trong hôn nhân là tận hưởng tình yêu

Nàng Thị Mầu  chao  chát  lẳng  lơ  của  sân  khấu  chèo ngoài đời là một người đàn bà đích thực của gia đình. Với người chồng luôn thấu hiểu và sẻ chia ngọt bùi khó nhọc của cuộc sống theo đúng nghĩa tri kỷ, hai bé trai kháu  khỉnh  khỏe mạnh  – NSƯT Thu Huyền  đang  có một mái ấm ngọt ngào mà nhiều người ao ước. Chị chia sẻ về quan niệm chung sống  trong  trong hôn nhân và những “bí kíp” tạo nên hạnh phúc viên mãn.

bai trach nhiem 1

Là cặp đôi nghệ sĩ có gia đình yên ấm, chị và ông xã (ca sĩ Tấn Minh) có  thỏa thuận nào về nguyên tắc chung sống trong hôn nhân?

Trong  cuộc  sống  vợ  chồng  nếu  đề  ra  thành những nghĩa vụ cụ thể như anh phải thế này, em phải  thế nọ, công việc này anh không được  làm, em không được phép…  thì  rất khó, hơn nữa  lúc ấy sẽ là miễn cưỡng. Nhưng qua việc chuyện trò, chia sẻ hàng ngày để đưa ra những thống nhất về quan điểm sống, các trách nhiệm trong gia đình – hai người sẽ tự biết mình sẽ cần phải làm gì, ứng xử thế nào, đâu là “vùng cấm” trong hôn nhân.

 Không ít cặp đôi than thở rằng, sau một thời gian chung sống, nếu không nói chuyện về con thì họ sẽ chẳng biết nói gì với nhau…

Tôi  thấy việc vợ chồng nói chuyện  là  rất cần thiết, nó sẽ giải quyết được những khúc mắc tích tụ hàng ngày. Biết lắng nghe và biết chia sẻ là một “kỹ  thuật”  rất quan  trọng để duy  trì  sự  tươi mới trong hôn nhân. Vì sao người ta lại gọi vợ chồng là “bạn đời”? Vì đối tác đó là người sát cánh, chia sẻ buồn vui bên mình suốt cả cuộc đời. Khi hai người sống bên nhau  câm  lặng,  chỉ  có mối nối  chung duy nhất  là con cái,  thì cuộc hôn nhân ấy  rất  tẻ nhạt. Dần dần, họ sẽ xa nhau và cơ hội rạn vỡ dễ dàng  xuất hiện. May  là  cả hai  vợ  chồng  tôi đều thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ và lắng nghe nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Khi  còn  là  tình nhân,  ta  có xu hướng nhìn nhược điểm của đối tác là “dễ thương”. Nhưng chính nhược điểm ấy lại là nguyên nhân gây ức chế, thậm chí dẫn đến đổ vỡ – khi cặp đôi đã là vợ chồng?

Ai cũng có tật xấu, bạn không thể tìm thấy một người hoàn hảo để kết hôn. Vậy, để sống nhẹ nhõm thì hãy biết chấp nhận nhược điểm của nhau và cố gắng tự hoàn thiện mình để phù hợp với bạn đời. Bạn nghĩ mà xem, các cặp đôi cãi nhau, hay bỏ nhau thường vì những lỗi lặt vặt, chứ ít khi bắt đầu bằng những lý do thật to tát. Tôi thấy sống trong hôn nhân  là một nghệ  thuật, đôi khi  là cả chiến lược, khi cần cương lúc phải nhu, hàng ngày hàng giờ  chăm  chút. Chỉ  cần mình  lơ  là,  không  củng cố chính mình, không  thấu hiểu bạn đời, không lắng nghe nhau để điều chỉnh để cùng nhịp  – nó sẽ nhanh chóng  thành một  thói quen xấu, khiến gia đình xuống cấp.

Có  chuyện  vui  rằng,  người  đàn  ông  chắc mẩm cô gái anh ta yêu sẽ không thay đổi sau khi kết hôn; còn cô gái thì tin chắc sẽ thay đổi được người đàn ông của mình sau khi lấy anh ta làm chồng. Nhưng sau hôn nhân anh chàng vẫn như thế, còn cô gái đáng yêu ngày nào thì lại thay đổi. Tôi muốn hỏi chị, liệu có thể cải tạo được những tính xấu của bạn đời?

Ở mức độ nhất định thì có thể, còn ở mức độ cơ bản  thì không! Nếu đã xác định  tật đó không thể  sửa  được  thì mình  hãy  chấp  nhận  như một phần tất yếu của người bạn đời, nghĩ như vậy sống sẽ nhẹ nhàng  thoải mái hơn, chứ nếu chỉ chăm chăm “soi” nhau, chỉ nhìn thấy những cái “vứt đi” thì cuộc hôn nhân sẽ đầy ngột ngạt và oán trách. Đúng  là  phụ  nữ  sau  hôn  nhân  bị  thay  đổi  theo

chiều hướng xấu  tính đi, vì gánh nặng công việc và gia đình khiến họ mệt mỏi,  ít kiên nhẫn hơn. Nhưng người phụ nữ cũng phải tự có giới hạn cho mình, để điều tiết cảm xúc một cách tỉnh táo. Khi bực bội ức chế ai cũng gắt gỏng, nhưng “nguội” đi tự thấy mình vừa quá đà là phải điều chỉnh ngay,để  giữ  không  khí  gia  đình  cân  bằng  trở  lại.  Có nhiều người vợ bị quá đi việc chăm chút gia đình, chăm chút chồng con mà quên mất một phần cực kỳ quan  trọng  là phải  tự biết nâng niu mình. Vì thế chất lượng sống của họ bị sụt giảm, sức khỏe xuống, dung nhan bê  trễ,  tinh  thần căng  thẳng  – tất yếu sẽ dẫn đến cáu bẳn và không kiên nhẫn. Chị bạn  thân có kể cho  tôi nghe chuyện nhà chị ấy,  tôi  thấm  thía vô cùng. Chị ấy muốn nấu món ăn ngon cho chồng con, nhưng mệt mỏi do  làm quá cầu kỳ nên chị ấy bị ức chế, cáu gắt chồng con. Anh chồng mới bảo: “nếu em mệt thì mình ra ngoài ăn. Chứ em đừng vừa nấu ăn vừa quát, cả nhà ăn mất ngon”. Tức là, đàn ông họ không cần bữa ăn ngon mà họ cần không khí yên ấm trong gia đình. Nghe chuyện này, tôi tỉnh ra nhiều điều!

bai trach nhiem 2

Trong quan hệ hôn nhân, hy sinh cá tính là cái  lớn nhất, chứ không phải chuyện  thân  thể hay tài sản. chị có đồng ý với kết luận này?

Đúng thế, nếu bạn độc thân, cái tôi là thứ lớn nhất. Nhưng trong hôn nhân, cái tôi chỉ là thứ yếu, cái chúng ta mới  là yếu tố quan trọng hàng đầu. Hy sinh bớt cá tính của mình để khớp với bạn đời, điều này nghe thì đơn giản nhưng nó thực sự khó khăn và cần sự tinh tế để lắng nghe nhau, cần sự bao dung độ lượng, cần cả những chấp nhận thiệt thòi về mình. Nếu hai người cùng một  thiện chí, cùng bớt cái tôi để vì cái chúng ta – thì họ sẽ nhận về hạnh phúc chứ không phải là sự hy sinh vô ích. Hôn nhân là cái bếp lửa cả hai người cùng nhóm, cùng tiếp củi thì mới có thể cháy đều các hướng và lửa bền. Nếu chỉ một người hy sinh và vun đắp, thì  không  tạo  dựng  được  gì. Cả  hai  người  cùng tôn trọng cái tôi của người kia, dẹp bớt ích kỷ của mình, thì cuối cùng họ sẽ nhận được tự do trong hôn nhân

Đàn bà  luôn bị đổ  tội khi hôn nhân đổ vỡ, rằng do họ không biết giữ lửa, không biết xây tổ ấm. chị có thấy quan niệm này là bất công, khi hôn nhân là công trình xây dựng chung của hai người – như chị vừa nói?

 Đàn bà khôn ngoan thì nên phòng thân? Để xảy ra tan vỡ, cả hai người cùng phải nhìn lại xem, mình đã gắng hết sức để vun vén hôn nhân chưa? Tôi  thấy có những người phụ nữ  rất hoàn hảo, nhưng anh chồng lại mệt mỏi vì sự hoàn hảo ấy. Anh ta muốn tìm một người phụ nữ có khiếm khuyết để phù hợp với mình, hoặc để mình được mạnh hơn. Tình yêu là câu chuyện của con tim, lý lẽ của nó chỉ người trong cuộc mới hiểu. Tôi cho rằng phụ nữ bây giờ nhất thiết phải có tinh thần mạnh mẽ, để biết đâu khi chuyện xấu xảy ra, mình vẫn giữ được bình tĩnh, ít nhất để cuộc sống của mình không bị xuống cấp. Việc phụ nữ sống chủ động khiến đàn ông càng thấy phụ nữ hấp dẫn và họ phải sống cẩn thận hơn (vì nếu mình không tử tế, biết đâu cô ấy chẳng cần mình). Ngay cả khi yên ấm nhất, phụ nữ cũng nên biết  lường  trước những tình huống xấu, nếu nó xảy ra thật thì mình đỡ sốc, để mình và người bạn đời hoàn thiện hơn và để phòng thân cho mình và cho con cái!

Để gia đình là nơi chốn yên ấm và tận hưởng sảng  khoái,  chứ  không  mệt  nhọc  bởi  trách nhiệm, nhàm chán bởi thói quen. Hai người bạn đời cần làm gì?Cần  làm quá nhiều việc!

Chúng  ta phải  luôn cố gắng duy trì sự yên ấm và sảng khoái của ngày hôn nhân bắt đầu. Phải nhạy cảm để  lắng nghe nhau, phải độ  lượng để biết bỏ qua  lỗi  lầm, phải đơn giản hóa khó khăn để lạc quan nhìn về tương lai, phải biết tự nâng niu bản thân trước khi đòi hỏi bạn đời  yêu mình, phảivừa giữ lửa vừa đem củi về, rồi điều tiết củi lửa để luôn là tổ ấm chứ không có lúc bốc hỏa thành tổ nóng, phải coi những trách nhiệm trong hôn nhân là tận hưởng niềm vui chứ không phải thực thi nghĩa vụ… Tất cả những thứ  đó tạo thành một “hỗn hợp” của nghệ thuật chung sống trong hôn nhân, mà chúng ta gọi ngắn gọn là tình yêu.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN