Trong đám cưới con, bố mẹ chỉ là khách?

Nghĩa là cưới ai người ấy mời khách và chọn ngày, chọn phong cách, còn bố mẹ cô dâu hay chú rể chỉ là khách, cho dù là khách rất quan trọng nhưng cũng chỉ là khách thôi!

“Cưới ai người ấy mời khách và chọn ngày, chọn nơi đặt tiệc, chọn thực đơn.

Con dành cho bố mẹ ba bàn mời bạn của bố mẹ, ba bàn để ông bà mời họ hàng.

Con nghĩ thế là vừa, chỉ nên mời những người thật thân thôi!

Không thân mẹ chỉ cần gửi thiệp báo hỷ, khỏi phiền họ phải đi mà mình cũng tiếp khách nhiều không tiện.

Đám cưới chỉ nên mời những người thật thân thiết và biết rõ cô dâu chú rể, chứ mời đến chỉ để ăn tiệc và thông báo thì tụi con thấy không cần”.

c1Và đám cưới con trai của bạn tôi, một doanh nhân thành đạt với nhiều mối quan hệ trong kinh doanh, giao tiếp xã hội, họ hàng đông, chỉ tổng cộng có mười hai bàn khách, trong đó, phân nửa là khách của cô dâu chú rể, như anh chàng đã trao đổi với bố mẹ, ngay trước đám cưới chỉ hai tuần.

Đám cưới ấy đã diễn ra trong sự ấm ức và phiền muộn của bố mẹ của cả cô dâu và chú rể, thậm chí hứng chịu khá nhiều điều tiếng trách móc và giận dỗi của bạn bè, họ hàng. “Nuôi con mà không dậy được con, đám cưới đâu phải đế ăn uống, đám cưới là để đến chung vui, hay nghĩ khách không đủ sang trọng để đến tiệc nhà mình nên không mời?”.

Chỉ sau này, thấy cặp đôi 9x cũng hạnh phúc, và nhiều lần họp nhóm cũng có vài người than thở chuyện bọn 9x, 10x đã không để bố mẹ can thiệp quá sâu vào đám cưới, đúng ra là đứng ra tổ chức luôn cho chúng nó, bạn tôi mới nguôi ngoai. Nhưng trong lòng, việc con tự tổ chức đám cưới theo ý mình, không theo phong tục truyền thống, vẫn là một sự kiện không vui của cả bạn tôi lẫn nhiều khách mời-bị-bỏ-qua.

c2Tâm lý nuôi con trưởng thành, đám cưới là một cột mốc đánh dấu việc chúng có một gia đình riêng, luôn khiến các ông bố bà mẹ muốn tự mình tổ chức đám cưới cho con thật trang trọng. Chưa kể, mình đã đi biết bao đám cưới, giờ là lúc phải tổ chức “trả nợ”. Đám cưới dù không phải để kinh doanh, (để thu tiền như nhiều gia đình quan chức bị lên án) thì cũng là một sự kiện gia đình mà phụ huynh, những người muốn thấy mình vẫn có tầm ảnh hưởng, vẫn “dạy bảo được” con, luôn muốn có nhiều người thân tham gia và chung vui. Nhưng cũng chính đám cưới là sự kiện ghi lại nhiều dấu ấn, tạo nhiều ấn tượng tốt hoặc không tốt cho cô dâu, chú rể, hai bên họ hàng, người thân mà cả đời có khi không còn cơ hội cải thiện.

c4Để có góc nhìn khách quan hơn, tôi hỏi một Giám đốc điều hành một trong những trung tâm tiệc cưới lớn nhất TPHCM và được biết một số điều khá thú vị:

80% các tiệc cưới đều được đặt và chọn bởi cô dâu chú rể và phần lớn: Rất ít khi phụ huynh là người đi đặt tiệc cho con. Phụ huynh chỉ có mặt trong khán phòng cho đầy đủ đội hình chứ mọi chuyện đã “an bài”.

Nhiều cô dâu chú rể không phải dân thành phố, lập nghiệp tại thành phố nhưng ba mẹ, họ hàng phần lớn ở dưới quê, sẽ tổ chức đám cưới theo đúng kiểu truyền thống, các ông bà được tự tổ chức theo ý mình. Hai nhân vật chính sẽ có vài ngày hoặc nhiều lắm là một tuần phép để về quê.

Đây là dạng đám cưới mỹ mãn nhất, phổ biến nhất, hai bên đều vui, đám cưới xong ai về nhà nấy. Số lượng bàn đặt đều nằm trong khoảng số 20-30, ít đám cưới 40-50 bàn như trước. Số lượng khách mời có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nghĩa là khách mời được giới hạn chứ không phải “cứ quen là mời” nữa.

c3Những trường hợp bạn của bố mẹ bị đặt ra rìa trong đám cưới con của bạn tôi nói trên, không quá hiếm hoi, nhưng có 2 xu hướng trái ngược.

– Một, là đám cưới được tổ chức cầu kỳ, công phu, rất sang trọng. Chính vì quá sang trọng, quá đắt tiền, quá kỳ công, khách mời được chăm sóc vô cùng chu đáo nên giới hạn số lượng khách là chuyện đương nhiên. Các đám cưới “boutique” kiểu này có xu hướng chọn resort hay vườn xa, yên tĩnh, trang trí riêng theo thiết kế đặc biệt của cô dâu chú rể. Chi phí cho một khách mời kể cả đi lại, phòng ở, dịch vụ có khi cả chục triệu cho một ngày nếu địa điểm đám cưới trong nước, còn nếu ở nước ngoài, giá dĩ nhiên phải tính bằng ngàn đô.

Không chỉ những người nổi tiếng mới tổ chức đám cưới theo phong cách này. Những cô dâu chú rể muốn ngày cưới của mình thật đặc biệt, khách mời chỉ toàn những người thật sự thân thiết, những người họ muốn có mặt trong một sự kiện trọng đại của mình chứ không phải “có mặt cho đủ đội hình”. Đám cưới này thực sự là một dấu ấn không thể quên trong cuộc đời cô dâu chú rể và cả khách mời nữa vì việc được mời đã khẳng định vị trí và mối quan hệ của họ với những nhân vật chính.

– Dạng thứ hai, rơi vào trường hợp đám cưới của các 9x con của bạn tôi, chỉ coi hôn nhân là một phép thử, đám cưới là một trong những buổi tiệc quan trọng trong đời nhưng không “thần thánh hóa” nó và nhất là không bao giờ chấp nhận dồn hết mọi khả năng tài chính có thể, vung tay quá trán để sau đó ôm nợ hoặc phiền muộn vì đám cưới của chính mình.

Đám cưới của ai, người ấy tổ chức và chịu trách nhiệm, và nếu con đã chọn, các phụ huynh cũng phải chấp nhận quan điểm này. Thay vì phiền muộn vì cảm giác bị chúng không tôn trọng, hãy nghĩ rằng chúng đã trưởng thành, biết chịu trách nhiệm về hạnh phúc và bước ngoặt cuộc sống của chính mình. Còn bạn của bố mẹ, nếu vẫn giữ quan điểm cũ, cũng đành giải thích rằng, đám cưới, là chuyện của lũ trẻ, chúng tôi sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới 35-40 năm của mình thật long trọng để mời các anh chị tham dự. Suy cho cùng, đám cưới ai, người ấy chọn cách tổ chức, là một quan điểm nên được chấp nhận.

Lan Anh

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN