Trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ nhỏ

Thần đồng Trần đăng Khoa có một bài thơ được rất nhiều người thích, đó là bài Mẹ ốm. Trong đó, cậu bé 10 tuổi đã làm rất nhiều người rưng rưng khi viết: “Mẹ vui con có quản gì/ Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca/ Rồi con đóng kịch giữa nhà/ Một mình con đóng cả ba vai chèo/ Vì con mẹ khổ đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn/ Con mong mẹ khỏe dần dần/ Ngày ăn ngon miệng đêm nằm ngủ say/ Rồi ra đọc sách cấy cày/ Mẹ là đất nước, tháng ngày ca con…”.

Những bà mẹ đơn thân ngày nay nghĩ gì, khi một ngày ốm, người thân duy nhất bên cạnh mình là con nhỏ?Có nằm ốm cũng không yên… đó là suy nghĩ chung của tất cả. Làm thế nào để nếu con chưa là chỗ dựa thì chí ít mẹ cũng có thể yên tâm mà nằm ốm?

“Tôi sống cùng hai con đã lớn, các cháu rất ngoan nhưng chỉ biết học. Bình thường mẹ và cô giúp việc làm hết. Một lần Tết, cô giúp việc về nhà, tôi cảm sốt nằm liệt giường, cô con gái lớn lúc đó đã học lớp Sáu, vào bếp nấu nồi cháo cho mẹ. Bưng lên húp mà thương mình, thương con, cháo lõng bõng, khê khét, người khỏe còn chẳng nuốt được huống hồ người ốm. Khổ vì con đã bao giờ phải nấu nướng gì đâu… Xuống bếp nhìn thì còn bủn rủn chân tay hơn vì nồi xoong, gạo, cháo, nước tung tóe! Sau lần đó, tôi bắt đầu tập cho con biết vào bếp làm những món đơn giản, biết dọn dẹp nhà cửa chứ không ỷ lại vào mẹ và cô giúp việc nữa…”, chị Phương H., một bà mẹ đơn thân chia sẻ.

benh

“Con tôi mới hơn 3 tuổi, thường chỉ hai mẹ con lủi thủi về là đóng cửa phòng. Nhà đối diện trong chung cư là ai cũng chẳng rõ. Một lần tôi bị ngộ độc thức ăn, tối nằm xỉu ngay cửa toillet tưởng chết. May mà bác hàng xóm tốt bụng, nghe con tôi chạy qua nhà đập cửa nhờ giúp nên chạy qua, gọi xe taxi đưa vào viện… cũng may là con tôi tuy nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, khôn ngoan chứ nếu rụt rè, nhút nhát, thấy mẹ như thế chỉ biết khóc, thì cũng không biết làm thế nào khi chẳng có người thân. Sau này, tôi tập cho con thuộc mặt số để có chuyện cần kíp thì có thể gọi cấp cứu…”, chị Hồng Loan, một mẹ đơn thân khác, kể.

Một ngàn lẻ một những tình huống ốm đau, mệt mỏi mà mẹ đơn thân chỉ có chỗ dựa duy nhất, ngay lập tức, là chính con mình. Nhưng khổ nỗi, ốm cũng chẳng yên, vì lo lắng con không ai chăm sóc, vì trước nay, luôn luôn người chăm sóc và làm mọi việc trong nhà chính là người giờ đang ốm nằm đấy, không thể nhấc được chân tay…

“Khi ốm, cần nhất là tĩnh tâm để dưỡng bệnh, thế nên cần có người sẵn sàng giúp khi con còn quá bé. Khi con đã qua tuổi mẫu giáo, điều cần thiết là dạy con, tập cho con tự chăm sóc mình, sau đó là chăm sóc mẹ. Con phải tự ăn, tự hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, nấu cơm bằng nồi cơm điện… biết tự tắm rửa, thay giặt quần áo, chuẩn bị đồ dùng, cặp sách để đến trường. Mẹ có ốm, khi con tự làm được những việc này, tự chăm sóc mình tốt thì mẹ cũng yên tâm, chỉ cần người đưa đón con thay mẹ là ổn”.

Lê Quỳnh N., mẹ đơn thân đang làm việc tại một công ty chế biến thực phẩm góp ý kiến trong diễn đàn tháng Ba của trang Nuôi con một mình – Mẹ làm cha.

“Lớn hơn một chút, cỡ lớp 2, 3… là mẹ có thể tập cho con nấu (hoặc đi mua) cháo, miến, thuốc… cho mẹ khi cần. Chúng ta cứ nhớ lại thời thơ ấu, nấu bằng bếp dầu, củi, trấu, còn khó hơn hiện tại có bếp từ, có nồi cơm điện… các mẹ cứ mạnh dạn tập cho con”. Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn FDC, người cũng từng nuôi con một mình khi chồng thường xuyên đi công tác xa, nhận xét.

Th.S NGUYỄN THỊ MỸ LINH: Thương con không đúng… sẽ là hại con, hại mình!

Thời buổi hiện nay, nhiều bà mẹ thương con không muốn con vất vả, cực khổ, ôm lấy mọi việc cho mình; bên cạnh đó đặt ưu tiên chuyện học hành lên hàng đầu, nên với người mẹ, việc chia sẻ chuyện nhà là không cần thiết, vì vậy ngay cả kỹ năng tự chăm sóc bản thân mình, trẻ cũng còn lúng túng.

Từ quen hưởng thụ, được phục vụ tối đa mọi nhu cầu, đứa trẻ sẽ trở nên vô tâm, hời hợt và thờ ơ với việc chia sẻ trách nhiệm công việc gia đình, không có ý thức quan tâm đỡ đần cho cha, cho mẹ; ngại cực ngại khó trong lao động.

Khi mẹ đau ốm, khi cuộc sống chật vật, khó khăn, bản thân người mẹ phải đối đầu với nhiều áp lực; đứa trẻ cũng trở nên bị hụt hẫng; thương mẹ trẻ cũng không biết làm gì? Khó khăn, vất vả bản thân trẻ cũng không chịu đựng nỗi; không biết chăm sóc mình thì làm sao trẻ biết quan tâm chăm sóc người khác?

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Hãy mạnh dạn trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống cá nhân của trẻ: biết làm những công việc đơn giản phục vụ cho bản thân mình (dọn dẹp nhà cửa, nấu một vài món ăn yêu thích…) . Một khi hình thành cho trẻ ý thức và kỹ năng lao động, trẻ sẽ thể hiện tốt trách nhiệm và tình yêu thương đối với người mẹ khi mẹ đau ốm.

 

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN