Tôi đã lạm dụng sự hy sinh của vợ

Ý kiến chia sẻ của nhà văn Đặng Thiều Quang về sự hy sinh, nhà văn Đặng Thiều Quang sinh năm 1974 tại Lào Cai. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1997. Đã xuất bản các tiểu thuyết: Hoen gỉ, Chờ tuyết rơi (2007); Đảo cát trắng (2008); Bóng giai nhân (2009). Và các tập truyện: Tôi và D’Artagnan (2007), Phải lòng (2009). Hiện anh làm việc và sinh sống tại Hà Nội, viết văn, viết báo và kinh doanh, thiết kế kiến trúc tự do. Đang viết: Săn cá thần, Vua xứ mù (tiểu thuyết); Sin City (truyện dài).

dang thieu quang 1

Phụ nữ Việt Nam luôn được đánh giá là những người “chịu khó chiều chồng lại khéo nuôi con”, hay nói cách khác là có đức hy sinh cao cả, anh đánh giá về điều này như thế nào?

Đó là đánh giá khá chính xác, nhất là với thế hệ trung niên trở về trước. Điều này xuất phát từ quan niệm truyền thống về thiên chức và vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội, luôn đứng phía sau người đàn ông, và vì thế, họ sẽ phải chiều chuộng đàn ông, lo lắng con cái nhà cửa bếp núc, để người đàn ông rảnh tay làm những công việc “đại sự”. Thực ra, việc nào cũng đều quan trọng cả, nhất là dạy dỗ con cái. “Chịu khó chiều chồng” nếu xét ra sẽ thấy có điều gì đó khó chịu, khiên cưỡng. Nhưng tất cả chúng ta đều coi điều đó là bình thường, rằng phụ nữ Việt Nam thì sẽ phải chịu thương chịu khó, chiều chồng, luôn có đức hy sinh cao cả vì gia đình…

Thế hệ phụ nữ trẻ hiện đã có những thay đổi, nhất là những phụ nữ độc lập về kinh tế, họ kiếm tiền không thua kém đàn ông, họ cũng làm những công việc đại sự, họ cũng dành thời gian và tiền bạc để giải trí, thư giãn, chăm sóc bản thân. Khi đó gia đình họ tự khắc sẽ phải có những điều chỉnh về vai trò, trách nhiệm mỗi thành viên, cho phù hợp với thực tế. Thuê người giúp việc để giảm gánh nặng cho phụ nữ là phổ biến hiện nay và người đàn ông cũng phải tích cực tham gia các công việc vun vén dạy dỗ con cái khi trở về nhà, thay vì nằm khểnh đọc báo xem tivi chờ cơm như trước kia. Xu hướng này
là tất yếu, hợp lẽ.

Một người đàn ông sẽ luôn cảm thấy hãnh diện khi thấy mình thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp ngoài xã hội và yên tâm khi mình có một hậu phương vững chắc lo lắng công việc gia đình, nuôi dạy con cái. Ẩn chứa sau mỗi lời khen ngợi của đàn ông đối với phụ nữ là sự đòi hỏi thỏa mãn lợi ích của người đàn ông. Thực tế người đàn ông ca ngợi phụ nữ hy sinh vì chính họ hưởng lợi từ sự hy sinh đó và luôn luôn muốn duy trì nó. Anh có phải là một người đàn ông như thế? Và anh có khi nào nghĩ rằng người
phụ nữ không nhận ra điều này?

Như đã nói, lối suy nghĩ truyền thống kia đã ăn sâu vào nhiều thế hệ, không dễ thay đổi. Tôi cũng là một người đàn ông giống như thế, khá lười biếng, thường phó mặc việc nuôi dạy chăm sóc con cái cho vợ. Tuy nhiên, vào lúc nào đó, tôi đã hoảng hốt nhận ra một điều rằng tuổi thơ hồn nhiên tuyệt vời của bọn trẻ sẽ qua đi rất nhanh, nếu không dành thời gian cho chúng bây giờ, sau này sẽ phải hối tiếc vì thời gian có quay trở lại bao giờ. Mỗi khi trở về nhà, ý nghĩ ấy luôn khiến tôi xúc động một cách thái quá và thường là tôi sẽ ôm lấy những đứa trẻ, dạy dỗ, chơi với chúng, ngắm chúng, cảm thấy có lỗi vô cùng. Tôi nghĩ đa phần phụ nữ hiện nay đều nhận ra sự bất công này nhưng họ vẫn chấp nhận thua thiệt vì chồng con và gia đình, họ vẫn tiếp tục duy trì để giữ gìn sự ổn định.

Có khi nào anh nghĩ rằng chính những ông chồng là người chịu thiệt thòi khi nhận được sự hy sinh, chăm sóc từ người vợ của mình? Vì khi đó, người đàn ông sẽ khó thấy tự hào nếu muốn có một người vợ thành đạt, xinh đẹp trong đường đời mà vẫn muốn có một người vợ chỉn chu với bếp núc, những lo toan thường nhật khác?

Tính hai mặt của sự việc là vậy, nếu anh chọn cái này thì anh sẽ mất cơ hội có những cái khác. Nghịch lý kia sẽ đúng với trường hợp người đàn ông gia trưởng cổ hủ, anh ta thường khiến người vợ bỏ qua những cơ hội thăng tiến, bận tối mắt tối mũi việc nhà, chẳng còn thời gian đâu chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp bản thân. Vậy thì rõ ràng người chồng đã lãnh “hậu quả trực tiếp” từ thói gia trưởng của mình.

dang thieu quang

Mở báo nào ra chúng ta cũng thấy có những bài, những câu hỏi, tâm sự để hướng dẫn người phụ nữ giữ chồng, làm thế nào để trở thành một người đàn bà tốt… Những bài báo đó sẽ không có ảnh hưởng gì tới những người đàn ông bản lĩnh nhưng thật có hại cho những người đàn ông còn thiếu bản lĩnh vì chúng khiến họ mắc ảo tưởng rằng họ xứng đáng được nhận điều tuyệt vời từ phụ nữ một cách vô điều kiện. Và rồi với sự thiếu tu dưỡng đó, khi những người phụ nữ Việt Nam ào ạt bỏ đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc thì những người đàn ông Việt Nam ấy vẫn không tỉnh lại. Họ làm một động tác vừa nhanh gọn, vừa dễ chịu cho bản thân là coi các cô gái đó là kẻ hám tiền, mơ giàu sang phú quý. Có bao giờ anh tự hỏi các cô gái nông thôn nhìn thấy tương lai gì ở những người đàn ông quanh mình? Và họ sẽ hy vọng được gì nếu không phải là sự tiếp tục hy sinh cho chồng, cho con như thế hệ bà, mẹ họ?

Bình quyền nam nữ là một câu chuyện dài phức tạp, nan giải, mà cả hai giới đàn ông lẫn phụ nữ đều phải cùng nhau thay đổi nhận thức. Quá trình thay đổi nhận thức này sẽ diễn ra chậm, dai dẳng và xung đột dữ dội. Tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình ly hôn vì những người vợ hơi “cá tính” hoặc chỉ đơn giản là anh
chồng hơi “gia trưởng”. Có lẽ chúng ta sẽ phải mất vài thế hệ để trở nên văn minh hơn. Cái gì cũng có giá của nó cả.

Vợ anh đã chịu khó hy sinh những gì trong công việc, sở thích riêng tư của cô ấy cho gia đình? Có khi nào anh thấy khó chịu khi nhận được sự hy sinh, quan tâm chăm sóc ấy chưa?

Vợ tôi đã từ bỏ những chuyến du lịch hấp dẫn, đã tiết kiệm những chi phí vào mỹ phẩm, đồ trang sức… để dành tất cả cho con cái, gia đình. Khó có thể kể hết những lo toan của cô ấy. Ngay cả những sở thích như xem phim ảnh, ca nhạc, giải trí, truyền hình… cô ấy cũng hạn chế để dành thời gian chăm sóc lũ trẻ. Tôi là một ngoại lệ, bởi lẽ tính khí tôi thất thường, điên rồ. Công việc viết lách đêm hôm khuya sớm, nên vợ tôi hay nhắc nhở càu nhàu. Nhiều lúc tôi lạm dụng sự hy sinh và quan tâm chăm sóc của vợ, tôi thường xuyên tỏ ra khó chịu. Nhưng trong thâm tâm, thực lòng, tôi luôn biết ơn và khâm phục vợ tôi đã có thể chấp nhận con người tôi ngần ấy năm.

Giả sử mình là phụ nữ, khi bị “quá tải” với sự chăm sóc, hy sinh giành cho chồng, liệu anh có nghĩ ra cách gì để điều tiết việc đó lại không?

Quả thực đây là một giả thiết đáng sợ, vì tôi biết là tôi sẽ không thể điều tiết được việc đó. Nếu làm được thế thì tôi đã lại là một người phụ nữ Việt Nam điển hình mất rồi.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

 

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN