Tình yêu của ba mẹ tôi

Bạn có khi nào tự hỏi “tình yêu giữa những thế hệ có gì khác nhau?”. Cho dù câu chuyện tình của ba mẹ được một người trong thế hệ chúng ta ghi lại sau đây sẽ là câu trả lời khá thú vị và mang lại nhiều góc nhìn, thì các bạn cũng sẽ đồng ý với Phụ Nữ Ngày Nay rằng tình yêu dù đằm đượm kín đáo hay sôi nổi phóng khoáng thì cũng vẫn mang lại sức mạnh diệu kỳ cho mỗi chúng ta…

Ngày còn nhỏ, tôi thấy ba rất nghiêm, oai lắm và có phần xa cách. Sau này, khi ông đã về hưu, tôi cũng có gia đình mới thấy ông thật gần gũi. Tuy ba nghiêm với con nhưng ông chiều các cháu hết mực. Tôi đã nhiều lúc tranh luận với ông vì cái sự chiều cháu. Tôi thích những buổi tối muộn cuối tuần, sau bữa cơm tối, ba và mẹ tôi thường hay nhắc lại chuyện cũ cho con cháu nghe, người già hay vậy. Nhiều lúc ông bà cãi nhau thật vui vì những chuyện tình cảm khi trẻ. Bọn nhóc hay nhớ những chuyện này và thi thoảng trêu lại ông bà.

images

Ba tôi bắt đầu viết hồi ký và ông dành những trang đẹp nhất cho chuyện tình cảm lúc còn trẻ. Ông ra đi đột ngột vào mùa đông năm 2003. Nhiều dự định, nhiều tác phẩm về Nghệ thuật quân sự Việt Nam, về những năm tháng chiến tranh… và nhiều chuyện đời, chuyện tình chưa kịp ghi lại, các ký ức còn đâu đó…

Tôi nghe ông kể, mẹ tôi xác nhận và cũng được các bác, các cô trong họ kể chuyện tình của ông bà. Có lẽ ngày ấy chuyện tình của mỗi đôi trai gái bao giờ cũng có cả hình ảnh cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhưng tôi lại nhớ nhiều đến những chuyện nho nhỏ, vui vui của ông bà nhiều hơn.

Năm 1949, ba là tiểu đoàn trưởng. Lúc đó, quân đội mới tổ chức đến trung đoàn nên tiểu đoàn trưởng là to lắm, oách lắm, cả tỉnh chỉ có vài tiểu đoàn. Ba mới hơn 20 tuổi, nhưng mọi người thường gọi ông là “ông Hoàng Đan”. Ngày đó tiểu đoàn trưởng phải “ngựa hồng, côn bạc” oai hơn đại gia ngày nay đi xe Roll-Royce và dùng điện thoại Vertu – tôi bảo các nhóc thế. Mà lúc đó cây súng côn không đeo ở thắt lưng mà phải đeo xệ xuống đùi mới ác. Các gia đình ở mấy tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đều muốn gả con gái cho ông. Mỗi khi cưỡi ngựa hồng, đeo côn, theo sau là đồng chí cần vụ với khẩu xì-ten, ba vào làng là các cô gái đều ngắm nhìn ông rất ngưỡng mộ. Thằng cháu trai bảo: ông “hot” hơn ca sĩ – diễn viên ngôi sao bây giờ. Mẹ tôi bấy giờ mới 16 tuổi, mỗi khi thấy ba cưỡi ngựa về làng là chạy ngay vào nhà thay tấm áo nâu mới, ba kể thế, còn mẹ tôi kiên quyết không nhận, hồi xưa e thẹn lắm. Bác ruột tôi muốn gả mẹ tôi vì mẹ là người làm trong nhà, bà có những những suy nghĩ thật lạ nhưng rất thật của người nông dân. Bác tôi nghĩ ba cưới mẹ thì nếu kháng chiến thành công thì tốt rồi, còn lỡ “có gì” thì mẹ sẽ chăm sóc, lo lắng cho ba tốt hơn những cô gái gia đình khá giả hay môn đăng hộ đối khác. Bác tôi còn thu xếp tạo điều kiện cho mẹ tôi đi học để có thể “tương xứng” với ba.

tinh-yeu5

Trước khi đi chiến dịch Thượng Lào, hai gia đình tổ chức gặp mặt, như bây giờ gọi là ăn hỏi để ra mắt chính thức với ông bà hai bên. Ba kể tối hôm đó “ăn thì có, nhưng không ai hỏi gì cả”. Sau đó ông phải đưa mẹ về nơi học cách 30 km. Tuy có xe đạp, ngày đó có xe đạp còn oai hơn bây giờ đi Mercedes, nhưng không dám đèo nhau, nên ông bà dắt xe, đi bộ cả đêm. Nghe kể con cháu nhất định không tin, vì chỉ chạy ra đầu phố mua mấy chai bia mà đứa nào cũng ngại, phải lấy xe máy mà chạy. Ông còn kể đây là lần đầu tiên hôn nhau, kể rằng cũng đáng công đi bộ 30 km. Mẹ tôi nhất định không nhận việc này. Cụ vẫn giữ nét thẹn thùng như xưa, mà có ai hồi đó dám công khai chuyện yêu đương như bọn trẻ bây giờ đâu.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông xin phép đơn vị, đạp xe hơn 400km về Nghệ An với dự định cưới vợ, thì được biết mẹ đã ra Thái Nguyên đi học. Ông lại đạp xe gần 500km ra Thái Nguyên (lúc đó vẫn phải đi vòng qua Hòa Bình). Đến nơi lại biết mẹ đã lên Lạng Sơn công tác, ông lại đạp xe gần 100km để gặp mẹ. Bây giờ, bọn trẻ thường hay đi du lịch bụi, còn gọi là “phượt”, nhưng bảo đạp xe gần 1.000 km đường núi trong thời gian chưa đến 1 tuần thì thật bái phục các cụ. Ở Lạng Sơn ba mẹ làm đám cưới, ba kể lúc đó làm gì có tiền, may nhờ cơ quan mẹ giúp nên mới tổ chức được. Mẹ hay nhắc lại “ba lấy mẹ không tốn bát nước lã”.

Cưới xong mẹ vẫn công tác Lạng Sơn, còn ba về Hà nội làm giáo viên trường Quân sự. Vậy là cứ thứ bảy, ăn cơm chiều xong là ba lại đạp xe 150 km lên Lạng Sơn. Đi cả đêm, sáng đến nơi, chiều muộn lại đạp xe về Hà Nội. Sáng thứ hai về đến trường ở Hà Nội ông chỉ kịp rửa mặt và bắt đầu “thưa các đồng chí…” cứ như vậy gần hai năm. Hồi đó, tối nào ba mẹ cũng viết nhật ký cho nhau, đến chủ nhật lại đổi quyển nhật ký. Tôi vẫn giữ những cuốn nhật ký của ông bà viết cho nhau. So với con cháu bây giờ dùng email, chatting, web-chat.. thì dường như những dòng chữ viết tay mang nhiều tình hơn.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, rồi sau này năm 1975, khi thống nhất đất nước và cả 1979 ở biên giới phía Bắc, ba đều dành thời gian đưa mẹ đến những nơi ông đã chiến đấu. Mẹ bảo có đi cùng mới hiểu ba đã vất vả, đã vào sinh ra tử như thế nào. Có lẽ vì thế mà mẹ bao giờ cũng đối với ba thật bao dung. Ba bảo nhờ ông bà, nhờ mẹ sống nhân từ mà từ năm 1946 đánh Pháp đến tận 1985 đánh Tàu ông chưa bao giờ bị một vết thương. Tôi thì không nghĩ thế nhưng chắc một người lính chiến, một vị tướng già với 40 năm nơi đầu tên mũi đạn có cái lý riêng của mình.

 

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN