Quá “chán” cách mẹ Việt cho con ăn

Sang Mỹ sinh sống tôi mới thấy “nản” với kiểu cho con ăn của các bà mẹ Việt.

Tôi và chồng mới cưới nhau được 2 năm, con gái nhỏ của chúng tôi hiện được 8 tháng tuổi. Vì chồng nhận được suất học bổng làm nghiên cứu sinh ở Mỹ nên tháng 9 vừa qua, hai mẹ con tôi được cùng anh sang đây sinh sống 3 năm.

Tới chân trời mới quả đúng là có khác có “khôn”, tôi được tận mắt chứng kiến mẹ Mỹ dạy dỗ vào giáo dục con cái. Điều khác biệt khiến tôi ấn tượng nhất, đó chính là ở cách cho con ăn. Trẻ em Mỹ và trẻ em Việt Nam đều ngày ăn ba bữa, uống sữa ăn cơm như bao đứa trẻ bình thường khác. Vậy nhưng chúng lại khác nhau ở tinh thần và thái độ khi ăn. Trẻ em Mỹ háo hức với ăn uống, thích thú khi đến giờ ăn, ăn uống độc lập và tự chủ. Trẻ em Việt Nam lại sợ ăn, phát khóc khi nhìn thấy thìa cơm, 3 tuổi chưa biết nhai và 5 tuổi chưa biết xúc.

Vì sao như vậy? Vì người Mỹ biết các giáo dục trẻ em qua mỗi bữa ăn còn ở Việt Nam, có lẽ vẫn còn quá ít bà mẹ biết tới khái niệm “giáo dục trong ăn uống”.

Trước hết, hãy nhìn vào cách các bậc cha mẹ Việt Nam “dạy” con ăn

1. Bắt con ăn những gì…cha mẹ thích

Người Việt Nam chú trọng ăn uống, cha mẹ thích thể hiện tình yêu thương con cái của mình trong các bữa ăn mà cụ thể là trong việc quyết định luôn thức ăn nào con nên ăn, thức ăn nào không nên, cái nào nên ăn nhiều, cái nào nên ăn ít. Khi con còn sơ sinh, các bà các mẹ thi nhau nấu những nồi cháo đầy rau đầy thịt, xay nhuyễn tất cả rồi xúc tận miệng con. Khi bé lớn, chúng ta lại xới một bát cơm đầy, gắp vào đó tới tấp thịt rau và nhiệm vụ của đứa trẻ là chỉ cầm cầm thìa xúc ăn hết bát thì được “tha”. Cách ăn đó kéo dài từ khi trẻ 1 tuổi cho đến tận 11 tuổi.

Quá

Mẹ Việt bắt con ăn những gì…cha mẹ thích (ảnh minh hoạ)

2. Cha mẹ phải là người nấu nướng cho con từng bữa ăn trong ngày

Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều bà mẹ thậm chí buổi trưa công sở chỉ được nghỉ 1 tiếng vẫn cố lấy xe máy chạy cả chục km về nhà đề nấu bữa trưa cho con. Cũng từ đó, cảnh con nhịn đói khi cha mẹ đi vắng, không biết ăn gì không biết nấu nướng ra sao cũng trở nên vô cùng quen thuộc.

3. Cho con ăn bằng mọi giá, mọi cách, miễn là ăn

Chúng ta không còn lạ lẫm với những cảnh ăn rong trong các gia đình Việt. Một bà một cháu cứ đến giờ ăn là bê bát đi dọc khu phố. Cũng không mấy ngạc nhiên trước những cảnh các gia đình cho con vừa ăn vừa xem tivi, nghịch nước, chơi điện thoại. Những đứa trẻ không cần tự xúc, không cần biết nhai, chỉ có nhiệm vụ há miệng và nuốt. Cha mẹ Việt luôn làm mọi cách, miễn trừ mọi công đoạn giáo dục con trong ăn uống, cốt làm sao để trẻ chịu ăn và ăn được nhiều.

Sau đó, cùng xem cách cha mẹ Mỹ ứng xử với bữa ăn của trẻ

1. Các bậc phụ huynh Mỹ không ép con ăn thứ chúng không thích

Cha mẹ Mỹ cũng có nhiều băn khoăn lo ngại về chế độ ăn uống hàng ngày của con mình, tuy nhiên, so với mẹ Việt, thực sự vẫn rất khác nhau. Mẹ Mỹ thường đặt một vài món ăn trên bàn, những đứa trẻ có thể thích hoặc không thích các món ăn, sau đó chọn lấy món mình thích theo quyết định riêng. Cha mẹ Mỹ coi con cái như những người bình đẳng và tôn trọng mong muốn cá nhân của trẻ. Đương nhiên, hầu hết trẻ em Mỹ đều không thích ăn rau quả. Cha mẹ Mỹ cũng yêu cầu con ăn, vậy nhưng nếu bọn trẻ thực sự không thể ăn thì họ cũng không bao giờ ép con. Rau quả sẽ được chế biến theo cách khác: xay sinh tố hoặc chấm cùng nước sốt, cha mẹ sẽ cùng ăn với con hay bất cứ hình thức nào khác, miễn đứa trẻ ăn và ăn tự nguyện.

2. Trẻ em Mỹ sẽ ăn trưa ở trường và cha mẹ không bao giờ phải chuẩn bị đồ cho con

Trẻ em Mỹ từ mẫu giáo đã biết tự ăn trưa ở trường cùng bạn bè và phụ huynh sẽ không phải chạy về nhà để nấu cơm cho con. Những trẻ em ở các gia đình nghèo thậm chí còn được miễn phí một bữa ăn trưa ở trường. Bọn trẻ có thể ăn cơm, ăn sandwich cùng với một chai sữa hoặc nước trái cây tuỳ ý. Cha mẹ không bao giờ hỏi con buổi trưa ở trường đã làm thế nào để ăn, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào.

3. Cha mẹ Mỹ đặc biệt chú trọng vào cách dạy conn ăn uống đúng chuẩn

Các bậc phụ huynh Mỹ không có vấn đề gì với chuyện trẻ ăn gì không ăn gì nhưng lại cực kỳ nghiêm khắc trong vấn đề kỷ luật khi ăn uống. Khi ăn, trẻ không được vừa nhai vừa mở miệng, không húp mì, nước tạo ra tiếng động, hoàn toàn không được cho thức ăn vào miệng rồi nhè ra Trẻ nhỏ mới 1,2 tuổi cũng đã được dạy cách cầm thìa, dĩa, sao để ăn cho đúng thứ tự, cách thức. Thìa nào ăn súp dĩa nào ăn mì, cách cắt thịt, lột vỏ tôm trên đĩa sao cho không trượt hay gây ra tiếng động…đều được dạy dỗ cần thận.

So sánh như vậy để thấy cha mẹ Mỹ tập trung vào việc giáo dục tư duy độc lập của trẻ em trong khi mẹ Việt lại chỉ quan tâm “đầu tư” cho mức cân nặng của con trẻ. Cách cho con ăn của người Mỹ phản ảnh một mục tiêu cốt lõi trongphương pháp giáo dục trẻ em Mỹ: Khả năng tư duy độc lập trẻ em. Trẻ em ăn và phải tự quyết định những mình ăn. Nếu con không ăn và tự lựa chọn như thế, sau một thời gian dài con có bị chết đói thì đó cũng “xứng đáng” vì đó là sự lựa chọn của con và con phải chịu hậu quả để lần sau không lặp lại. Người Mỹ có một quan điểm thú vị rằng sai lầm là một quá trình không thể thiếu trong học tập và giáo dục cho trẻ em đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm này.

Kết quả của sự khác biệt trong ăn uống này là gì, trẻ em Mỹ ngày một độc lập và tự tin, trẻ em Việt ngày một “ngoan” và thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, cũng không có khả năng tự đưa ra một lựa chọn đúng và đương nhiên, cha mẹ phải là người quyết định thay con.

Nết ăn ảnh hưởng đến cuộc sống của một con người, do đó, hãy cho con ăn một cách đúng đăn.

Chia sẻ của độc giả Đỗ Hương Trà (Boston, Mỹ)

(Theo Khám phá)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN