Nuôi con vẫn nhàn – Phần 3

Hồng Nguyễn, một độc giả của trang gia đình Phụ Nữ Ngày Nay, đã chia sẻ những trải nghiệm của chính mình trong hai số báo trước. Ở phần 3, cô kể những bước phát triển và “tự lớn” của con. Cùng xem những quan sát rất thú vị của bà mẹ đơn thân hiện đại này nhé! 

87c7df3luachontuyetvoidephattr

Đừng chăm con!

Con tôi ba tháng đòi được dắt đi. Bốn, năm tháng đòi ngồi. Bé đòi gì thì tôi đáp ứng hết, miễn là tôi đỡ con dựa vào mình khi ngồi, giữ con chắc khi con bước đi. Tất cả kỹ năng vận động của con đều đạt trước chuẩn chung, mà chân con vẫn thẳng và dài nhé.

Nhỏ hơn nữa, lúc nó mới một tuần tuổi đã ra ngoài tắm nắng giữa mùa đông. Mặc cho con vừa đủ áo chứ không ủ đến ngộp. Con sốt nhẹ, đòi đi chơi tôi vẫn đẩy đi chơi. Mưa lất phất nhẹ hạt, tôi vẫn đẩy đi chơi.

bi-kip-me-nao-cung-thich-giup-cham-con-ki-luong-ma-van-nhan-tenh-02-1483286481-width500height333

Lúc sáu tháng ngồi vững rồi thì không tắm chậu nữa mà hai mẹ con cùng vào bồn tắm nghịch với nhau, chơi đồ chơi chung. Gội đầu thì dội thẳng vòi sen lên tóc con. Thành ra giờ con một tuổi rưỡi đã đuổi mẹ ra khỏi bồn tắm rồi, tự bơi trong đó một mình. Ra hồ bơi thì con vẫy vùng nhảy ùm từ bờ xuống nước.

Rồi nó leo trèo chạy nhảy, tôi cho hết. Chỉ là dán hết các góc cạnh trong nhà, di dời hết ghế bàn để nó không leo được đến cửa sổ, đứng ngay sau lưng để đỡ nếu nó trượt chân.

Nó làm bạn với tất cả mọi người. Từ ông già giữ xe đến bà bán hoa dạo, mấy anh chị tiểu học đến các ông tây bà đầm. Gặp động vật nó vồ lấy túm đuôi đấm mõm (tất nhiên cũng có vài phen giật mình sợ con bị cắn). Lúc trước nó còn sợ bác sĩ, giờ nó còn giật ống nghe của bác sĩ luôn. Nó tự tin và mạnh dạn, không sợ trời, không sợ đất!

Không cần dạy con!

Tôi thấy các phương pháp dạy bằng flashcard thật vô nghĩa. Người lớn nhìn vô mấy cái card được tráo liên tục còn chóng mặt và chán chớ nói gì đứa nhỏ vài tháng. Tôi chẳng ép mình chơi với con trò này dù nó là “mốt thời thượng” hiện nay.

Tôi cũng chẳng cố dạy con học nói, chỉ tay chân đầu mặt mũi kiểu “áo đẹp đâu, tóc dài đầu” khi nó chưa sẵn sàng. Khi thấy con lúc mười bốn tháng bắt đầu hiểu lời nói, tôi bắt đầu chỉ tay, chân, mặt… Ai dè vừa hỏi nó chỉ được luôn. Mẹ sững sờ, nó học lúc nào không hay. Tự nó muốn và đến lúc nó cảm nhận được, nó sẽ học, chả việc gì phải sốt ruột cố huấn luyện.

kids-sleep

Tôi cũng chẳng ép con cai bỉm. Quan niệm của tôi là tiền bỉm chả mấy, mua bỉm xịn, kem xịn, đóng cả ngày cho con sạch sẽ thơm tho. Thấy các mẹ không đóng bỉm cho con, rồi suốt ngày xi tè cho con bên vệ đường, thật chẳng biết họ định dạy con văn hóa ứng xử sau này như nào.

Thế mà nó nhìn thấy người lớn trong toilet, ở lớp các bạn lớn hơn được cô dẫn vào toilet đi tè nên một hôm chỉ vô bỉm nói “đi tè”. Sau một hồi nó nhất định lặp lại “đi tè”, thì dẫn nó vô toilet và đúng thiệt là nó tè. Từ đó, niềm vui của con là đi tè đi ị vào bồn cầu như người lớn, cũng lấy giấy lau rồi cũng rửa bằng vòi nước. Mẹ chỉ hỏi con “tè không” để con tự trả lời “có” hay “không” và mẹ vỗ tay reo thật to khích lệ khi con hoàn thành nhiệm vụ.

Tóm lại, tôi muốn chia sẻ rằng đừng nhất nhất học theo sách vở mới là đúng. Đọc thật nhiều, đọc tất cả các phương pháp, nhưng hãy chỉ rút lấy cái tinh túy nhất rồi vận dụng. Và dù có đông hay tây đi nữa thì cái duy nhất quan trọng chính là một câu tôi đã đọc “Mỗi đứa bé là duy nhất và nó chính là người thầy của nó”.

Nhung-dieu-ban-nen-noi-voi-con-minh-moi-ngay-4

Tôi cư xử với bé con của mình như người bạn. Quan sát con rất kỹ, nhận biết ngay dấu hiệu thay đổi trong mỗi giai đoạn phát triển của con, chỉ đóng vai trò hỗ trợ nó khi nó cần, cho con quyền tự quyết dù nó mới bắt đầu biết xì mũi nhưng chưa sạch.

Với tôi, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc tối thượng này, chứ đừng nhất thiết phải mua giáo cụ montessori vài triệu đồng một thứ cho con, hay phải nộp đơn tới lui rồi bắt con phải thi tuyển vào một cái trường top vài ngàn đô một tháng nào đó để con được hưởng nền giáo dục tiên tiến nhất.

HỒNG NGUYỄN

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN