Nơi bị ‘cấm’ trong căn phòng truyền thống Nhật

Ngay cả người dân Nhật Bản cũng không hiểu vì sao tồn tại quy định ngầm: ‘không bước chân lên ngưỡng cửa phòng’.

Người Nhật có rất nhiều quy tắc trong cuộc sống hàng ngày như luôn nói Itadakimasu trước khi ăn hay luôn để giày ở lối đi vào căn nhà. Nhưng hiếm khách nước ngoài nào từng nghe qua quy định bất thành văn về việc không bao giờ được bước lên ngưỡng cửa của các căn phòng Nhật Bản. Quy tắc này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật từ khi còn nhỏ. Nhiều em bé từng bị người lớn trong nhà la mắng vì bước lên ngưỡng cửa này, từ đó, hình thành thói quen khi trưởng thành và truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, lý do vì sao thì ngay cả người dân địa phương cũng không biết chính xác.

Khu vực ranh giới giữa hai căn phòng (mũi tên màu đỏ) là "khu vực cấm" không nên giẫm lên ở Nhật
Khu vực ranh giới giữa hai căn phòng (mũi tên màu đỏ) là “khu vực cấm” không nên giẫm lên ở Nhật

Người Nhật thường xây dựng nhà truyền thống bằng gỗ, giấy và các nguyên liệu tự nhiên. Giữa các phòng là các vách ngăn bằng gỗ hay những tấm cửa rãnh trượt có thể kéo ra kéo vào.

Để lý giải cho quy định nêu trên, một giả thuyết được đưa là hành động này ám chỉ sự tôn trọng với gia chủ. Ngưỡng cửa là nơi tách biệt giữa không gian bên trong và bên ngoài, bao gồm cả những căn phòng diễn ra các hoạt động truyền thống như nghi lễ cầu nguyện, thờ cúng hay trà đạo. Việc bước lên ngưỡng cửa giống như vi phạm sự tôn nghiêm của không gian này.

Giả thuyết khác thú vị hơn liên quan tới các ninja. Người ta cho rằng, vào thời kỳ loạn lạc xưa kia, khoảng không dưới nền nhà là nơi trú ngụ, ẩn náu của các ninja. Họ chỉ nhìn lên căn phòng phía trên thông qua rãnh cửa này. Nếu có người giẫm chân lên đó, ánh sáng thay đổi, điều này được xem như một cảnh báo nguy hiểm khiến các ninja “ra tay động thủ”. Hành động không giẫm chân lên khu vực này ban đầu chỉ là một thói quen tự vệ để “né” ninja, về sau đã trở thành điều kiêng kỵ của người Nhật.

4. những điều cấm kị trong nhà Nhật1

Câu chuyện về các ninja dường như cường điệu, tuy nhiên, trên thực tế hành động kể trên cũng không nên được khuyến khích. Việc thường xuyên giẫm dân lên rãnh cửa bằng gỗ có thể làm chúng bị hỏng, cong vênh, dẫn đến việc kéo cửa không còn thuận lợi – điều khá kiêng kỵ trong phong thuỷ vì cánh cửa chính là nơi đón tiền tài may mắn cho gia chủ. Hành động này cũng được xem như đang “giẫm lên đầu chủ nhà”, không chỉ thiếu tôn trọng mà còn khiến họ bị tổn thương.

Dù với lý do gì, tốt nhất bạn nên tránh bước vào các rảnh cửa, ngưỡng cửa khi bước vào một căn phòng truyền thống của người Nhật. Điều này vừa tránh mất lòng gia chủ, vừa giữ lịch sự và tránh gây hư hại cho căn nhà.

Ngoài ra, bạn cũng nên một nguyên tắc khác là không giẫm lên mép chiếu. Người xưa thường thêu những chi tiết hoa văn có ý nghĩa với gia đình, dòng họ lên chiếu, đặc biệt là khu vực viền ngoài. Bạn tránh giẫm lên vùng này vừa tế nhị, vừa tránh làm xô lệch chiếu, dễ bị trượt hay vấp ngã.

Bạn cũng không nên giẫm lên mép chiếu tatami.
Bạn cũng không nên giẫm lên mép chiếu tatami.

Những căn phòng được xây kiểu truyền thống, lát bằng những tấm chiếu hình chữ nhật có tên gọi là phòng tatami. Chi phí thi công đắt đỏ, khó bảo trì và không có độ bền cao khiến chúng ngày càng ít xuất hiện. Tuy nhiên, nếu tới Nhật du lịch, tham gia các buổi trà đạo, tham quan đền hay thuê căn homestay truyền thống dạng ryokan, bạn chắc chắn sẽ phải bước vào những căn phòng tatami. Hãy chú ý 2 nguyên tắc này để tránh gây rắc rối không đáng có.

Theo Nguyên Chi (ngoisao.net)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN