Những nàng Thoại Khanh thời nay

Tôi không dám ví họ như nàng Thoại Khanh, nhưng sự hy sinh bản thân cho nhà chồng của họ thật đáng khâm phục. Và đôi khi chính tấm lòng hiếu thảo của họ cứu vãn được cuộc hôn nhân đang bên bờ vực thẳm.

Vì mẹ…con ở!

Những nàng Thoại Khanh thời nay“Ngày nào mẹ chồng tôi còn sống thì ngày đó tôi còn ở đây” là câu nói cửa miệng của chị N.N.L (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) mỗi khi nhắc về cuộc hôn nhân của mình. Nhiều năm nay, vì thương cha mẹ chồng mà chị nấn ná lại ngôi nhà đã không còn là mái ấm của mình. Có người trách chị dại “Nó đã không thương thì tội gì chăm sóc cha mẹ nó!” nhưng chị thì bỏ không đành. Chị quan niệm: “Phận đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu. Dù chỉ sống với chồng một ngày cũng phải trọn đạo với cha mẹ chồng cả đời, bởi ở đời cái nghĩa là quan trọng nhất”. Chị thương bà không chỉ là cái nghĩa cái tình mà nó còn là sự đồng cảm của hai người phụ nữ.

Chị về làm vợ anh qua mai mối. Ngày mới về, đêm nào chị cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Bà tỉ tê, bầu bạn với chị, một tháng hai lần bà bảo anh đưa chị về thăm nhà. Rồi đến những ngày anh mải miết theo bóng hồng bên ngoài, bỏ bê vợ con, chị sống dở chết dở trong đau khổ, buồn tủi cũng chính bà bên cạnh an ủi, sẻ chia. Qua đó chị tình cờ biết được câu chuyện về cuộc đời mẹ chồng. Bà cũng từng gánh chịu nỗi đau như chị. Cái quan điểm đàn ông năm thê bảy thiếp đã ăn sâu vào tư tưởng các thế hệ đàn ông trong gia đình này từ nhiều năm qua, mà những người phụ nữ như bà chỉ còn biết cam chịu.

Ngay lúc chị nhận ra cuộc hôn nhân của chị và anh không còn cứu vãn được thì bà bị đột quỵ. Từ đó bà nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần có người phụ giúp. Ông thì già yếu, mắt mờ đi lại khó khăn. Hai cô con gái viện lẽ bận bịu con cái, gia đình từ chối về sống với cha mẹ. Không nỡ nhìn ông bà đơn độc trong bệnh tật, chị đã gác lại nỗi đau cùng ý nghĩ ly hôn, ở lại chăm sóc cha mẹ chồng.

Bảy năm qua, chị lấy việc phụng dưỡng cha mẹ chồng làm niềm vui để khỏa lấp nỗi buồn của mình. Nghe ở đâu có thầy hay, thuốc hay chị đều đưa bà đến chữa trị. Chăm chút cho bà từng muỗng cháo, muỗng sữa, dỗ dành bà như đứa trẻ mỗi khi bà không chịu ăn. Có lần bà đòi chết cho chị rảnh nợ, chị hốt hoảng ôm chầm lấy bà khóc tức tưởi. Không biết vì mỏi gối chồn chân hay cảm động trước tấm chân tình của chị, mà anh không còn đi sớm về khuya như trước. Tiền lương cũng được anh xếp ngay ngắn vào hộc tủ trang điểm của chị đều đặn mỗi tháng. Đấy là điều mà sống với nhau gần hai mươi năm anh chưa bao giờ thực hiện.

Bán của hồi môn chữa bệnh cho mẹ chồng

Những nàng Thoại Khanh thời nayĐứng nhìn mảnh ruộng của gia đình mình nay đã trở thành tài sản của người khác, anh Đ.M.H (Châu Thành, Tiền Giang) không giấu được dòng nước mắt. Tuy nhiên với anh đó là nỗi buồn nhưng cũng là niềm tự hào của anh và gia đình. Anh kể, năm đó, mẹ anh bị bệnh nặng đưa lên bệnh viện tỉnh thì bác sĩ yêu cầu chuyển lên Sài Gòn. Lúc đó tiền bạc trong nhà không có, các anh chị em mỗi người gom góp một ít, thêm vay mượn cũng chỉ cầm cự được cho mẹ anh vài ba ngày. Trong lúc cả nhà đang rối bời thì vợ anh bất ngờ tuyên bố sẽ bán ruộng chữa bệnh cho mẹ. Mọi người ngăn cản vì thấy ruộng lúa sắp đến mùa thu hoạch, hơn nữa mảnh ruộng đó là của hồi môn của chị. Nhưng chị kiên quyết, còn người thì còn của, tiền không còn có thể kiếm lại được nhưng mẹ thì chỉ có một! Trước tấm lòng của chị mọi người đành nghe theo.

Mẹ chồng chưa khỏi bệnh, nhưng tài sản trong nhà thì chẳng còn thứ gì quý giá để bán, chị lên Sài Gòn vừa đi giúp việc nhà vừa ra vào bệnh viện chăm bà. Chừng bà khỏe mạnh trở về nhà, thì chị vẫn còn nán lại làm trả nợ.

Đi qua mất mát để yêu thương

Tình cờ, nghe một người bạn kể về câu chuyện cuộc đời chị, tôi ngỡ như mình đang nghe một câu chuyện cổ tích. Bán tín bán nghi tôi tìm đến gặp chị. Trước mắt tôi là một người phụ nữ trẻ trung, năng động, tiếng nói tiếng cười giòn giã, sảng khoái như thể chị chưa từng đi qua sóng gió của cuộc đời. Trái ngược hẳn với hình ảnh khắc khổ, cam chịu mà tôi đã hình dung về chị.

Ngày ấy, chị là giáo viên của một trường tiểu học, năm mười chín tuổi chị lên xe hoa với mối tình đầu. Hạnh phúc tưởng chừng đã trọn vẹn, nào ngờ chỉ vỏn vẹn một năm sau chị đã trở thành góa phụ với đứa con vừa tròn tháng tuổi. Cái chết bất ngờ của người chồng lấy đi của chị tất cả niềm vui lẽ sống. Chị tưởng chừng không gượng dậy nổi. Nếu như không có tiếng khóc khát sữa của con thơ thì có lẽ chị đã kết thúc cuộc đời mình. Vì con chị đã cố vượt qua nỗi đau, tìm lại sự sống cho mình, cho con.

Mười năm trôi qua, người đàn ông thứ hai xuất hiện trong cuộc đời của chị. Ở tuổi ba mươi lại trải qua một đời chồng khiến chị dè dặt trước tình yêu của một chàng trai chưa vợ. Nhưng rồi sự chân thành của anh đã khiến chị xao động, khát khao một bến đổ bình yên. Biết chuyện, gia đình nhà anh cự tuyệt cô con dâu đã qua một đời chồng. Chị hiểu, thật khó để ông bà chấp nhận cho con trai mình lấy “cả trâu lẫn nghé”. Những ngày ấy, dù mọi người trong nhà anh ghét bỏ nhưng mỗi bận bên nhà có việc chị đều có mặt đỡ đần, bị mắng chửi, xua đuổi chị nín nhịn, cam chịu. Yêu anh chị chấp nhận hết tất cả tủi nhục miễn sao anh vui. Cuối cùng, vì thương con, cha mẹ anh đã ưng thuận việc cưới xin nhưng họ vẫn xem chị như người ngoài. Về làm dâu chị luôn chịu đựng ánh mắt khinh khi, lạnh nhạt của nhà chồng, chị nhẫn nhịn, cặm cụi lo toan trong ngoài.

Những nàng Thoại Khanh thời nay

Ông Trời thêm một lần nữa bất công với chị, nỡ cướp đi của chị người đàn ông che chở, yêu thương sau hai năm gắn bó. Hạnh phúc chóng vánh qua đi, cuộc đời chị chỉ còn là những nỗi đau tang tóc. Cái chết đột ngột của con trai khiến mẹ chồng chị suy sụp, ngã bệnh liệt giường nằm một chỗ. Ba chồng cũng vào ra thơ thẩn như kẻ mất hồn. Chị trở thành trụ cột chính trong nhà chồng, vừa kiếm tiền vừa phải chăm sóc cha mẹ già ốm yếu, bệnh tật. Các chị em gái của anh ở xa, thỉnh thoảng chỉ ghé về thăm còn việc chăm sóc thì khoán hết cho chị, vậy mà chị không một chút nề nà, kể công. Ngày ấy, đồng lương giáo viên chẳng thấm vào đâu so với tiền thang thuốc, vì vậy vừa rời viên phấn chị đã chạy ra chợ lom khom buôn bán. Thương con gái cực nhọc, ba mẹ chị nhiều lần khuyên chị trở về nhà nhưng chị từ chối, chị nguyện thay anh chăm sóc ba mẹ chồng cho đến ngày cuối đời.

Một năm, hai năm rồi mười năm trôi qua chị vẫn ở vậy, ngày ngày tảo tần lo cho ông bà từng miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc, yêu thương như chính cha mẹ ruột của mình. Thấy chị hiền lành, chịu thương chịu khó đôi ba người đàn ông ngấp nghé, cậy nhờ mối mai nhưng chị đều từ chối. Mẹ chồng ái ngại, sợ chị tuổi già hiu quạnh nên khuyên chị đi thêm bước nữa để có người bầu bạn, chị lắc đầu cười hiền: “Con ở vậy với má!”.

Hai mươi năm trôi qua, mái tóc xuân xanh ngày nào giờ đã điểm sương mai, chị vẫn cần mẫn sớm khuya lo cho cha mẹ chồng. Trước ngày nằm xuống, ông bà đã viết tờ di chúc để lại cho hai mẹ con hai phần ba giá trị tài sản của ông bà. Tờ di chúc được ông bà đưa cho tất cả con cái xem qua, không một ai tranh giành với chị, ngược lại họ thừa nhận chị xứng đáng nhận số tài sản là mảnh đất trong khu quy hoạch lên đến bạc tỉ ấy.

Chị nói, cuộc sống không ai biết trước điều gì, nên còn sống được ngày nào thì hãy vui vẻ ngày đó, yêu thương ngày đó. Nếu cứ sống mãi với nỗi đau thì chỉ khiến cho chúng ta thêm già nua và mất đi nghị lực, chi bằng cứ lạc quan mà sống để cho mình có thêm sức mạnh, niềm tin mà vượt qua chông gai, thử thách… Bao năm qua chị đã sống như thế!

Đâu đó trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn đọc-nghe-thấy những câu chuyện đau lòng về các mối quan hệ lỏng lẻo trong gia đình, những chém giết, chết chóc, tranh giành nhuốm màu tang tóc. Vậy nên, những tấm chân tình càng đáng để ngợi ca nhưng các nhân vật của tôi lại chối từ, bởi với họ “Việc ấy là đạo lý ở đời, ai trong phận dâu con thì cũng phải trọn đạo mà thôi!”.

Anh Sa (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN