Thêm một đứa con là có thêm một lí do để sống quyết liệt hơn

Thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta vẫn xem con cái như một thứ tài sản “bảo hiểm cuộc đời” (về già có con nuôi và phụng dưỡng mình; khi mất đi có con hương khói cúng giỗ). Anh, chị có sẵn sàng ở vai “tài sản bảo hiểm” và có chờ đợi sự đáp trả tương đương ở con cái mình?

Phan Huyền Thư: Con cái là “cái nợ đồng lần”… Tôi tin chắc rằng yếu tố duy trì nòi giống mang ý nghĩa lớn lao và thiêng liêng hơn nhiều so với việc mong nương nhờ con cháu khi về già. Tôi không thích quan điểm này, rất không thích! Phần lớn người ta đều phải lo cho con cháu đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay… chưa chắc đã hết lo. Nếu sinh con chỉ để chăm chăm “đòi nợ” lúc về già thì không nên sinh con làm gì! Một cuộc đầu tư vô tiền khoáng hậu và mạo hiểm… Người hạnh phúc là người luôn nhận thấy ở con cháu mình một phần máu thịt, một phần cốt cách, một phần ước mơ và khát khao chưa hoàn thiện của mình… các thế hệ sau sẽ làm nốt những gì mình còn dang dở… sứ mệnh của con người là tiếp nối và tiến hóa…

Phan Đăng Di: Tôi có bố mẹ là giáo viên, trong thời gian còn làm việc, cũng như nhiều bậc cha mẹ khác cùng hoàn cảnh, các cụ phải xoay xở đủ cách để nuôi con ăn học xong xuôi. Nay về hưu thì có lương hưu và bảo hiểm xã hội; và còn tích lũy được một khoản tiền nhỏ phòng khi đau ốm. Các cụ sống một đời sống giản dị, tiết kiệm, không từ chối sự phụng dưỡng của con cái nhưng cũng không đòi hỏi, vì từ lâu các cụ đã sẵn sàng một phương châm sống là trong mọi trường hợp, phải cố gắng tự lo được cho mình chứ không quá trông chờ vào ai khác.

Tôi đã học được rất nhiều từ phương châm sống đó, kể cả trong cuộc sống bình thường lẫn việc làm phim.

Có một điều tra cho thấy, những phụ nữ không muốn sinh con đều là người thành đạt hoặc công việc ổn định, dân trí cao, chín chắn và tự chủ trong cuộc sống. Lý do họ đưa ra thường là: để họ sống cho mình nhiều nhất, được toàn tâm toàn sức làm những việc mình ao ước, được sống theo cách mình muốn. Anh, chị có nghĩ đó là sự ích kỷ?

Phan Huyền Thư: Không, tôi không cho đó là sự ích kỷ. Tôi thấy đó là sự “ấu trĩ”. Những người phụ nữ ấy thật may mắn vô cùng vì mẹ của họ đã không có suy nghĩ giống họ… Nếu không thì họ đã không có mặt trên cuộc đời này để mà thành đạt hoặc sống theo cách mình muốn như họ đang suy nghĩ…

Phan Đăng Di: Nếu lựa chọn đó thực sự làm cho người phụ nữ hạnh phúc thì cũng tốt chứ, có gì mà ích kỷ? Cái quan trọng là họ đã suy nghĩ kỹ khi có quyết định như vậy. Trên thực tế, nhiều đứa trẻ được sinh ra trên đời chẳng phải vì một suy nghĩ nghiêm túc nào của bố mẹ hết, nhiều khi chỉ là kết quả của một phút nhỡ nhàng hay một cái chặc lưỡi thôi. Cha mẹ mà còn không có trách nhiệm với mỗi quyết định trong đời mình thì cũng khó mà có trách nhiệm với con cái được, và đây mới là sự ích kỷ.

Với người Á Đông, khi một em bé ra đời đồng nghĩ với việc bố mẹ bé bắt đầu một hành trình thương yêu và đầy lo âu (hành trình ấy chỉ kết thúc khi họ không còn trên đời này). Có con, thêm hạnh phúc nhưng cũng là thêm nỗi khổ. Bản thân đứa trẻ lại không được lựa chọn việc bé chào đời, bé là quyết định đơn phương (có thể ích kỷ) của người lớn. Nhưng chính các bậc cha mẹ lại không thể đảm bảo việc con mình sẽ là một cá nhân hạnh phúc. Như vậy, việc mỗi sinh mệnh có mặt trên cuộc đời, đâu chỉ đơn giản là hân hoan?

Thiếu con, cuộc sống của phụ nữ có bất toàn? Phan Huyền Thư: Nếu biết được sự hữu hạn của đời sống bé nhỏ thế nào trước vô hạn của hạo nhiên… chắc chắn mỗi cá thể làm người đều đã biết yêu thương đồng loại, biết trân trọng sự sống và biết nâng niu những giá trị tự thân của mình hơn rất nhiều lần có thể… Tôi tin chắc là như vậy, đến tận cuối con đường nhọc nhằn được xây đắp bằng hạnh phúc và khổ đau, con người ta phần lớn đều còn nhiều tiếc nuối và ân hận vì đã sống hoài, sống phí… mấy ai được thanh thản mỉm cười khi ra đi? Với tôi, vợ chồng là duyên nợ, con cái là phúc phận của đời người… một món quà thiêng liêng của tạo hóa… có người hân hoan đón nhận, có người muốn khước từ, có người buộc phải nhận và có người âm thầm vứt bỏ nó đi… Họ đều đã tự kiến tạo nên số phận của chính mình bằng hành vi mà họ lựa chọn trước một sinh mệnh, một cuộc đời khác độc lập với họ nhưng lại do chính họ có thể tạo ra…

Phan Đăng Di: Nhưng cũng phải thấy rằng cuộc đời là cuộc đời, chính vì không phải lúc nào nó cũng là hân hoan cả. Nỗi buồn, mất mát hay cả sự bất an là điều chúng ta muốn tránh nhưng nó cũng là cần thiết để chúng ta có một nhận thức trọn vẹn về cuộc sống. Đứa trẻ, nhất là một đứa trẻ Việt Nam, cũng nên được biết và làm quen với điều ấy, đừng nên bao bọc nó trong một sự an toàn hay tiện nghi thái quá, nhất là khi ta biết rằng môi trường sống mà rồi đây nó phải đối mặt, chắc chắn là đầy khó khăn chứ không như là một xứ sở thần tiên có bướm bay, hàng bạch dương hay dòng suối mát nào ở bên Âu châu đâu.

Để biết cách hạnh phúc vì sự sống tự thân của chính mình, chứ không phải do các giá trị “mượn vào” (như con cái, hay tài sản, danh vị) chị Thư, anh Di có thấy điều ấy khó khăn? Việc ta biết yêu và nâng niu chính mình, liệu có giúp ích được gì cho người khác?

Thiếu con, cuộc sống của phụ nữ có bất toàn? Phan Đăng Di: Rất khó vì con người thực ra cũng là một sinh vật yếu đuối và dễ bị hoàn cảnh tác động. Mà hoàn cảnh của chúng ta bây giờ còn quá nhiều ngộ nhận, quá nhiều ngụy biện và ít niềm tin. Chúng ta thiếu những giá trị căn bản để dựa vào như sự công bằng, lòng khoan dung, sự tôn trọng quyền tự do và tự do lựa chọn của cá nhân… Tuy nhiên, mọi sự thay đổi theo hướng tiến bộ suy cho cùng sẽ phải khởi phát từ mỗi cá nhân, mà việc ta biết tự yêu và ngay cả tự ghét mình – một nhận thức rất cao của nhân bản, là khởi đầu của quá trình đó. Bởi vì chỉ khi ta biết nhìn sâu vào chính mình, ta mới biết thật xấu hổ khi soi mói và tự tiện áp đặt suy nghĩ hay hành động chủ quan của mình vào đời người khác; và chỉ khi ta biết nhu cầu của chính mình ta mới hiểu nhu cầu của người khác để mà cho hay nhận, dù người khác đó có thể là con cái hay cha mẹ mình đi nữa.

Phan Huyền Thư: Giá trị tự thân của mỗi người nằm ở đâu: ở những gì ta tạo ra và mang đến cho cuộc đời này hay là những gì ta nhận được từ cuộc đời này để rồi tự cho rằng đó là thành giá trị của riêng ta?

Với riêng tôi, có thêm một đứa con là có thêm một lý do để sống quyết liệt hơn, có thêm một lý do để hy sinh và nâng cao trách nhiệm sống, có thêm một động lực để hoàn thiện nhân cách, có thêm một lý do để nhận biết giá trị tự thân và yêu thêm mình vì một phần máu thịt, thân xác và tâm hồn mình sẽ hiện hữu và tiếp tục tồn tại trên cõi đời này ngay cả khi mình đã kết thúc cuộc hành trình nhọc nhằn này để bước sang một hành trình khác… Thật tiếc cho những người phụ nữ nào chỉ sở hữu các giá trị tự thân mà không được nếm trải hạnh phúc và những lí do để làm mẹ trên cõi đời này…

Xin cảm ơn nhà thơ Phan Huyền Thư và đạo diễn Phan Đăng Di về cuộc trao đổi này!

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
1
2
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN