Con cái có nên xem là giá trị bắt buộc phải có của mỗi người? Khi một phụ nữ lựa chọn không sinh con (hoặc “bị” không có con) – liệu cuộc đời của cô ấy có bất toàn? Ở góc nhìn cá nhân của nhà thơ Phan Huyền Thư và đạo diễn Phan Đăng Di, từ chuyện con cái, chúng ta có thể suy ra nhiều điều… Những sắc sảo và đối lập ở họ đều khiến những phụ nữ ngày nay thấy sự lựa chọn nào (sinh con hay không sinh con) của mình trong cuộc sống cũng rất đáng giá.

“Chúng ta không ai sống thay cuộc đời của ai được”

Theo lối suy nghĩ thông thường của người Việt, phụ nữ phải lấy chồng và sinh con mới là người có hạnh phúc. Nếu khuyết một trong hai yếu tố trên (nhất là vế con cái), cuộc đời người phụ nữ đó bị xem như bất toàn. Nhà thơ Phan Huyền Thư và đạo diễn Phan Đăng Di nghĩ gì về quan điểm này?

Thiếu con, cuộc sống của phụ nữ có bất toàn? Phan Huyền Thư: Tôi biết rằng “nhân bất thập toàn” – con người vốn dĩ đã bất toàn rồi nên việc phấn đấu để hoàn thiện bản thân là việc cốt yếu. Thực ra, quan niệm về hạnh phúc của mọi người nói chung dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và văn hóa truyền thống của mỗi tộc người khác nhau, nói như vậy không có nghĩa là ngăn cản các quan niệm cá nhân và lối sống lập dị của cá thể trong cuộc sống. Có nhiều cách để trở nên hạnh phúc và toàn bích mà không cần phải nghiêng về đám đông, nhưng cũng không thể lấy tiêu chí của thiểu số cá tính ra để áp đặt lại các giá trị gốc của sự phát triển “cả loài” được!

Có chồng, sinh con hay không thuộc về quyền tự quyết của mỗi cá nhân… Nhưng có thể “có khả năng” làm được điều đó hay không lại do quyền quyết định của… đấng tối cao hay nói cách khác là còn do số phận định đoạt…


Phan Đăng Di:
Suy nghĩ đó có thể sẽ đúng trong một thời đại mà phụ nữ bị phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới và hầu như không có một thế đứng nào trong xã hội (về việc làm cũng như kinh tế), thậm chí là còn không có cả quyền được biết chữ nữa. Khi ấy, vai trò của họ phó thác cả vào người đàn ông và một xã hội đàn ông toàn trị, họ chắc chắn sẽ dễ dàng bị khuôn theo mô hình đóng khung làm vợ, làm mẹ, làm việc nhà, làm ruộng… trong đó làm mẹ là điều cốt tử vì chỉ có cách đó họ mới duy trì được một vị trí tạm gọi là an toàn đối với chồng và có con thiết thực là một dạng “bảo hiểm” để về già không lo bị hắt hủi hay đói rét. Mô hình được áp đặt trên toàn thế giới cả ngàn năm này (và hiện nay vẫn còn khá chắc chắn ở một số nền kinh tế kém phát triển hay một số nền văn hóa mà vì lí do tôn giáo, phụ nữ bị cho ra rìa) đã khiến xã hội (do đàn ông định hướng) của chúng ta hồn nhiên tin rằng phụ nữ còn gì để chọn mà chần chừ không chộp ngay mô hình “lý tưởng” đó (có chồng, có con). Nhưng hóa ra khi phụ nữ thoát ra khỏi thân phận phụ thuộc đàn ông về kinh tế và có quyền lựa chọn thì nhiều người trong số họ chọn khác. 30% phụ nữ Nhật ngoài 30 chưa kết hôn và nhiều người trong số này không thấy hôn nhân và con cái là vấn đề quá quan trọng với họ.

50% các cuộc hôn nhân ở Tây Âu kết thúc bằng ly hôn và chuyện phụ nữ hay đàn ông đơn thân nuôi con là phổ biến, chẳng ai nhìn việc một người có con hay không có con, nuôi con một mình hay chấp nhận nuôi con riêng của bồ là “bất toàn” cả. Đó được xem là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân. Quyền này là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ và hệ thống an sinh xã hội đảm bảo.

Chuyện của Nhật Bản hay phương Tây nói ra thì có vẻ xa xôi vì đạt đến trình độ phát triển như vậy chúng ta còn mất rất nhiều năm, nhưng một điều ta có thể thấy từ thực tiễn xảy ra những mô hình đó là: trong một xã hội, khi con người (cả đàn ông và phụ nữ) bằng lao động của mình có được một vị thế độc lập về kinh tế và được đảm bảo về an sinh xã hội thì sự lựa chọn phương cách sống của họ sẽ rộng hơn, những mô hình sống “truyền thống” sẽ tất yếu biến chuyển theo hướng cá nhân hóa lựa chọn, những quan điểm về hạnh phúc vì thế cũng sẽ được diễn dịch theo hướng cá nhân thay vì bị chi phối mạnh mẽ bởi định kiến hay thói quen của cộng đồng. Khi đó việc nhòm ngó và bình luận về lựa chọn của người khác tự nó sẽ trở nên lố bịch.

Vậy chúng ta có nghĩ nên tính con cái vào giá trị và trách nhiệm cuộc đời của mỗi người? Có phải việc thành bại của con cái được xem chính là thành bại của cuộc đời bố mẹ – đã đẻ ra hàng loạt những áp lực mà người lớn đang đổ lên đầu lũ trẻ?


Thiếu con, cuộc sống của phụ nữ có bất toàn? Phan Đăng Di:
Cái đó lại cũng tùy vào suy nghĩ và lựa chọn của mỗi người, không có một mẫu số chung nào cả. Một nữ tu chọn cuộc sống không con cái, dành cả đời đi chăm sóc những người bệnh phong, chắc chắn sẽ tin rằng mình đang sống một cuộc đời có giá trị và trách nhiệm. Lộng lẫy và nổi tiếng như Brigitte Bardot, sau khi chia tay thời xuân sắc, màn bạc và những ông chồng, giờ sống vui vẻ với một đàn chó xồm thì đời bà ta có vì thế mà kém ý nghĩa đi đâu…

Những người có tình yêu lớn với con cái, xem con cái là giá trị lớn nhất của đời mình thì đó cũng là một điều tự nhiên, nhưng nếu nghĩ rằng thành bại của con chính là thành bại của cuộc đời bố mẹ, rồi áp lực nó phải thành công như một sự bù đắp cho hy sinh của mình là một điều khá viển vông. Lý do rất hiển nhiên là chúng ta không ai sống thay cuộc đời của ai được cả. May lắm thì ta chỉ có thể tìm được cách mà sống ổn cuộc đời mình. Còn con cái, có khi cũng đành phó thác cho hên xui.

Phan Huyền Thư: Rất đơn giản, nếu có con thì sẽ được tính đúng như vậy đấy, ngược lại không có con thì sẽ chẳng có gì để mà tính đến và cũng chẳng có áp lực nào… khiến chúng ta phải sống có trách nhiệm và xây dựng giá trị tự thân và không có động cơ gắn kết giữa con người mang tính ruột thịt, máu mủ với nhau nữa…

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
1
2
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN