Dịch vụ giúp người Nhật biến mất

Tại Nhật Bản, nhiều công ty cung cấp dịch vụ giúp khách hàng biến mất khỏi cuộc sống đời thường, bỏ lại sau lưng gia đình, bạn bè và công việc.

Trong cuộc sống thường ngày, không ít người mong muốn được “biến mất” khỏi cuộc sống hiện tại, bỏ lại sau lưng người thân, bạn bè và công việc để bắt đầu một hành trình mới.

Tại Nhật Bản, hiện tượng này được gọi là “jouhatsu”, chỉ những người có mong muốn từ giã cuộc sống hiện tại, giấu kín tung tích của mình với người thân trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi với các mối quan hệ xã hội. Vì thế, tôi đã mang theo một chiếc vali nhỏ và biến mất. Giống như một cuộc bỏ trốn vậy”, Sugimoto (42 tuổi), một jouhatsu, nói.

Nhiều năm trước, anh được kỳ vọng tiếp quản cơ ngơi của gia đình, một doanh nghiệp địa phương. Thế nhưng, Sugimoto quyết định rời đi không một lời từ biệt để tìm sự bình yên cho mình.

g1Áp lực từ cuộc sống và các mối quan hệ xã hội đang trở thành “kíp nổ” thôi thúc mong muốn “biến mất” của người Nhật. Ảnh: Pak Han.

Dịch vụ “chuyển nhà ban đêm”

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lựa chọn của các jouhatsu như nợ nần chồng chất, hôn nhân không hạnh phúc, áp lực học hành…

Bất kể lý do gì, họ đều tìm đến những công ty cung cấp dịch vụ “night-moving” (tạm dịch: chuyển nhà ban đêm) để thuận lợi “biến mất không dấu vết”.

“Thông thường, nhiều người tạm biệt cuộc sống hiện tại để bắt đầu một chặng mới trong đời như lên đại học, nhận việc mới hay kết hôn. Tuy nhiên, không ít trường hợp mong muốn ‘biến mất’ vì những tổn thương trong quá khứ như bỏ học, mất việc hay bị kẻ xấu đeo bám”, Sho Hatori – nhà sáng lập một công ty “chuyển nhà ban đêm” – nói.

Hatory từng cho rằng vướng bận tài chính là nguyên nhân duy nhất thôi thúc con người chạy trốn thực tại. Thế nhưng, anh nhanh chóng nhận ra những vấn đề xã hội ẩn sau lựa chọn của các jouhatsu.

“Những gì chúng tôi làm là giúp khách hàng bắt đầu cuộc sống thứ hai của họ”, anh nói.

g2Tài chính, học hành, tình cảm… đều có thể trở thành nguyên nhân khiến các jouhatsu lựa chọn từ bỏ cuộc sống hiện tại của mình. Ảnh: Maika Elan.

Theo Hiroki Nakamori, nhà xã hội học dành hơn 10 năm nghiên cứu về xu hướng jouhatsu, thuật ngữ này được sử dụng lần đầu để chỉ những trường hợp mất tích bí ẩn vào những năm 60. Vì tỷ lệ ly hôn cực thấp, nhiều người Nhật thời ấy đã chủ động rời bỏ bạn đời của mình mà không thông qua thủ tục pháp lý.

Cho đến hiện tại, Nhật Bản vẫn là một quốc gia đặt quyền riêng tư của công dân lên hàng đầu. Những đối tượng được cho là “mất tích” có thể tự do rút tiền tại các cây ATM mà không bị truy vết, gia đình không có quyền truy cập camera an ninh công cộng để tìm kiếm tung tích người thân.

“Tại Nhật Bản, việc ‘bốc hơi’ khỏi cuộc sống rất dễ dàng. Cảnh sát sẽ không can thiệp nếu không thuộc diện ‘vụ án’ cụ thể. Những gì người thân có thể làm là trả thật nhiều tiền thuê thám tử tư hoặc chờ đợi. Tất cả chỉ có vậy”, Nakamori chia sẻ.

“Tôi đã rất sốc”

Với các jouhatsu, biến mất là cách để giã từ hoàn toàn con người cũ, cuộc đời cũ. Tuy nhiên, với những người thân bị bỏ lại, họ phải sống tiếp trong những ngày tháng đau buồn.

“Tôi đã rất sốc”, một phụ nữ ẩn danh đã mất liên lạc với người con trai 22 tuổi, bộc bạch. “Nó cảm thấy thất bại sau hai lần bỏ việc. Chắc hẳn nó đã cảm thấy vô cùng khổ sở”.

Sau sự biến mất đột ngột của con trai, bà đã lái xe khắp nơi, tìm kiếm các khu vực lân cận và chờ đợi trong nhiều ngày liền để được nhìn thấy con. Thế nhưng, anh không hề xuất hiện.

g3Sự biến mất đột ngột, không vết tích của các jouhatsu để lại trong lòng người thân những nỗi đau vô hạn. Ảnh: Quartz.

Người phụ nữ này nói rằng dù đã cầu cứu cảnh sát, họ không thể can thiệp trừ khi đây có khả năng là một vụ tự sát. Không có giấy nhắn và bằng chứng để lại, cảnh sát chẳng thể làm gì hơn.

“Tôi hiểu rằng luật bảo vệ quyền riêng tư giúp chúng ta tránh khỏi sự xâm phạm của những kẻ theo dõi. Thế nhưng, tại sao tội phạm, kẻ biến thái và những bậc cha mẹ tha thiết tìm con lại bị đối xử như nhau vì điều luật này?”, người phụ nữ chia sẻ.

“Với pháp luật hiện hành, với điều kiện tài chính hạn chế, tất cả những gì tôi có thể làm là ngày ngày chờ đợi”.

Những người “biến mất”

Dù đã cắt đứt liên hệ với quá khứ, cảm giác buồn bã và tiếc nuối sẽ đi theo các jouhatsu trong một khoảng thời gian dài.

Để chạy trốn khỏi kỳ vọng và áp lực từ người thân và xóm giềng, Sugimoto đã rời bỏ quê hương, bỏ lại sau lưng vợ con của mình.

“Tôi luôn cảm thấy có lỗi vì quyết định của mình. Tôi đã không gặp con được một năm rồi. Trước khi đi, tôi nói với chúng rằng mình phải đi công tác xa nhà”, Sugimoto trải lòng.

g4Biến mất để bắt đầu một cuộc sống mới, song cảm giác tiếc nuối, tội lỗi vẫn đi theo các jouhatsu trong một thời gian dài. Ảnh: Kofler.

Hiện tại, Sugimoto sống tại một khu dân cư đông đúc ở Tokyo. Công ty “chuyển nhà ban đêm” mà anh thuê được điều hành bởi Saita, một người phụ nữ từng “bốc hơi” 17 năm về trước vì bị bạn trai bạo hành.

Khi được hỏi về nguyên nhân thành lập công ty, cô nói: “Tôi có nhiều kiểu khách hàng: có người chạy trốn khỏi nỗi đau, có người làm vì cái tôi hoặc đơn giản vì muốn thử nghiệm cảm giác ‘biến mất’. Tôi không đánh giá họ, càng không bao giờ nói: ‘Trường hợp của bạn không nghiêm trọng đến thế’. Mỗi người đều có nỗi khổ riêng”.

Dù đã sống một cuộc đời mới, quá khứ vẫn đeo bám Sugimoto.

“Con trai lớn của tôi, 13 tuổi, đã biết sự thật này. Nó từng nói một câu khiến tôi không thể nào quên: ‘Bố có quyền quyết định cuộc đời bố và con không thể thay đổi điều đó’. Nó thực sự trưởng thành hơn tôi, phải không?”, Sugimoto nói.

Trang Minh (Theo Zing.vn)

Zing trích dịch bài đăng trên BBC News về xu hướng “jouhatsu” và các công ty cung cấp dịch vụ giúp khách hàng “bốc hơi” khỏi cuộc sống hiện tại, bỏ lại sau lưng tất cả để bắt đầu một chương mới trong đời.
Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN