Ai mà không muốn làm dâu thảo…

Nhưng cái khó là, dù biết phải làm gì để có mối quan hệ tốt đẹp với nhà chồng, không phải cô dâu nào cũng nỗ lực kiên trì đến cùng, thậm chí chưa làm dâu đã sẵn sàng “ứng phó”!   

Xóa măng-set “mẹ chồng – nàng dâu” ngay từ đầu – Nhạc sĩ Võ Đại Hoài Phúc

Khái niệm dâu thảo với tôi không phải là công, dung, ngôn, hạnh hay chịu đựng nhà chồng. Dâu thảo là không phân biệt nhà chồng với nhà mẹ, nhà anh hay nhà em. Sống ở gia đình chồng như sống ở nhà mình, đó là dâu thảo.

Ai mà không muốn làm dâu thảo…
Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc

Tôi không biết cụm từ “mẹ chồng – nàng dâu” có từ lúc nào, nhưng mặc nhiên cụm từ ấy đã tạo thành thế đối lập. Mặc định trong đầu tôi là mẹ chồng nàng dâu sẽ xung đột. Tôi cảm nhận được điều đó 1 thì các nàng dâu cảm nhận đến 10. Vì vậy, thứ nhất là phải xóa măng-set “mẹ chồng nàng dâu” ngay từ đầu. Ở vấn đề này, thành cũng là anh chồng mà bại cũng do anh chồng. Đối đầu vì anh chồng, hòa thuận yêu thương nhau cũng vì anh chồng mà thôi. Tâm lý lớn nhất của bà mẹ chồng không ưa con dâu là thằng con mình dứt ruột đẻ ra lại không nghe lời mình trong khi răm rắp nghe theo lời cô gái  trẻ con nhà ai mới cưới về,… Đó chỉ là những ganh tị rất nhỏ trong cuộc sống gia đình chồng hằng ngày. Thứ hai, là yêu người bạn đời và gia đình bạn đời như yêu bản thân và gia đình mình. Đa phần dâu rể đụng với gia đình chồng hoặc gia đình vợ do họ chưa từng đặt mình vào vai trò là thành viên của gia đình đó. Nếu xem cha mẹ chồng như cha mẹ mình thì sẽ rất vô tư. Khi chị dâu tôi có em bé, có bà mẹ chồng nào đem đồ ăn sáng đến tận giường con dâu dù trước đó chị ấy cũng “chết lên chết xuống” với mẹ tôi. Tại sao chị tôi được đãi ngộ đó? Chuyện duy nhất chị làm là yêu thương ba má tôi y như yêu thương ba má chị. Thời gian đầu chị cũng ngây ngô, dù không học cao nhưng được cái đẹp nết đẹp người, công việc trong nhà miệng nói tay làm, nấu ăn cũng được, dọn dẹp kỹ lưỡng, đã vậy người cũng lành tính. Cái gì cũng chịu đựng. Sau 1, 2 tháng sống chung, ưu điểm vượt trội lên, vậy là tự dưng được cưng thôi. Với mẹ tôi, yêu là yêu tới nóc, mà ghét là ghét tới đáy. Khi bà yêu quá rồi thì sẽ bỏ qua mọi lỗi lầm, ghét quá rồi thì phủ nhận mọi công đức. (cười)

Và thứ ba là sống chân thành. 10 bà mẹ chồng là 10 tính cách khác nhau, 10 “chiêu trò” khác nhau. Cách duy nhất bạn hãy cứ là bạn, chân thành đối đãi với mọi người. Chân thành ví như bạn không làm được thì nói không biết, má ơi má chỉ con làm đi hoặc bạn biết mình không giỏi nội trợ thì nói thẳng với má chồng, má chồng sẽ sẵn sàng chỉ dẫn cho bạn thôi. Sống một cách hòa thuận và chân thành với mọi người, mình ở nhà chồng sẽ thoải mái, an toàn, giống hệt như ngày xưa sống cùng cha mẹ ruột.

Nhưng dâu thảo không phải là chịu đựng, có bao nhiêu uất ức đều để trong lòng, cắn răng mà sống. Nếu người phụ nữ nghĩ mình đang hy sinh vì gia đình thì gia đình đó không hề tồn tại. Điều đó có nghĩa là mặc nhiên bạn nghĩ gia đình chồng phải có trách nhiệm hồi trả lại những gì bạn đã hy sinh, ngay từ đầu chữ thảo đó đã mất rồi. Bạn không thích cuộc sống nhà chồng, sớm muộn gì bạn cũng như con chim muốn sổ lồng…

Chưa làm dâu đã sẵn sàng “ứng phó”! – Nhà văn Phong Điệp

Trước khi lấy chồng, chị có hay nghe ngóng về chuyện những người quen của mình làm dâu thế nào không? Có tưởng tượng ra chuyện sau này mình làm dâu thì sẽ rút kinh nghiệm thế này, chọn cách ứng xử thế kia để giữ mỗi quan hệ tốt với mẹ chồng?

Tôi bước chân về nhà chồng với rất ít kiến thức về chuyện làm dâu phải thế nào, chuyện nữ công gia chánh tôi không đảm cho lắm, mà tôi cũng không có ý định nghe ngóng xem người khác làm dâu thế nào, mình phải rút kinh nghiệm ra làm sao. Mẹ đẻ tôi cũng có dặn dò nhiều điều, bà sợ tôi có gì sơ suất làm phật ý nhà chồng nhưng tôi thì nghĩ đơn giản, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Mình cứ sống chân thành, thì dù có vụng về, dù chưa được chu toàn thì mẹ chồng và gia đình chồng chắc cũng thể tất.

Ai mà không muốn làm dâu thảo…
Nhà văn Phong Điệp

Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được xếp vào loại quan hệ sóng gió nhất, theo Phong Điệp thì cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu?

Cốt lõi – theo tôi, vẫn nằm ở chính quan niệm của mọi người. Chưa làm dâu các cô gái đã sẵn tâm thế đề phòng từ chính những lời cảnh báo của những người đi trước. Chưa làm dâu, nhưng nhiều nàng dâu tương lai đã sẵn sàng “ứng phó” như thể bước vào một cuộc chiến không phân thắng bại. Tại sao mẹ chồng nàng dâu không thể là đồng minh? Tại sao cứ phải là đối đầu? Tôi nghiệm thấy, có khi cùng một câu nói, ví dụ “sao dạo này đi làm về muộn thế con” – nếu là mẹ đẻ nói thì không sao, nhưng mẹ chồng nói thì lập tức vấn đề trở nên nghiêm trọng, là mặt mũi sa sầm, là tức giận ngấm ngầm như thể đang bị mẹ chồng theo dõi, nghi ngờ điều gì đó khuất tất. Tại sao những bà mẹ không thể đón nhận những cô con dâu như là con gái, và những cô con dâu không thể đón nhận mẹ chồng như là mẹ đẻ. Nếu làm được điều ấy thì tôi tin, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu sẽ rất thuận hòa.

Chị có sống cùng mẹ chồng không? Nếu có, thì được nhiều hơn hay… mệt nhiều hơn?

Tôi sống gần mẹ chồng, chứ không sống cùng. Vợ chồng tôi sống cách nhà bà chừng hơn cây số. Ngày mới lấy nhau, chiều chiều hai vợ chồng còn chở nhau về nhà bà ăn cơm rồi mới về nhà mình. Tôi nghĩ sống cùng hay không sống cùng mẹ chồng thì sự “được nhiều” hay “mệt nhiều” cũng như nhau mà thôi. Sống cùng mẹ chồng, thì vợ chồng nhàn hơn, vì có bà đỡ đần nhà cửa, con cái, nhưng sẽ không thể tự do theo ý mình. Còn sống riêng thì tự do được theo ý mình nhưng phải hoàn toàn xoay sở chuyện con cái, nhà cửa. Nên tôi nghĩ, không nên đặt ra vấn đề được nhiều hay mất nhiều.  Bởi đặt ra điều đó, biết đâu lại làm tổn thương nhau.

 Chồng chị có bao giờ phải cảm thấy khó xử khi là người ở giữa hai người phụ nữ mà anh tôn trọng và thương yêu?

Những mâu thuẫn, xung đột là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Ngay cả với mẹ đẻ của tôi, nhiều khi tôi cũng gặp những mắc mớ không dễ giải quyết. Nhưng dù sao, với mẹ đẻ và con gái thì xung đột có lớn đến đâu thì cũng dễ hóa giải. Còn mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, nếu cả hai bên không có thái độ hợp tác, và người chồng không uyển chuyển hóa giải xung đột thì mâu thuẫn sẽ ngày càng gay gắt hơn. Tôi nhớ mãi câu này của chồng tôi: “Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì cũng phải đối thoại được với nhau. Như thế mới giải quyết được vấn đề”. Thực tế, khi có xung đột giữa tôi và mẹ chồng, hai mẹ con tôi đã thẳng thắn ngồi nói chuyện với nhau cho hết nhẽ. Chính vì thế mọi khúc mắc từng bước được hóa giải.

Nếu có thể làm một việc gì đó có ý nghĩa nhất cho mẹ chồng, chị sẽ làm gì?

Tôi nghĩ điều ý nghĩa nhất tôi có thể làm cho mẹ chồng đó là sống tốt, chăm chồng chăm con tốt. Gia tài của người mẹ chính là đứa con. Chồng tôi là con của bà. Tôi chăm sóc chồng, yêu thương chồng, và sau này là những đứa cháu của bà; điều ấy ắt hẳn sẽ làm bà hạnh phúc hơn mọi thứ của cải vật chất trên đời này.

Kiều Mai – Diễm Thúy (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN