Bệnh nhân phi công xuất viện

Bộ Y tế sáng nay hội chẩn lần cuối, kết luận bệnh nhân phi công Anh sạch nCoV, đủ điều kiện sức khỏe, xuất viện và hồi hương trong ngày.

Đây là cuộc hội chẩn quốc gia lần thứ 7, cũng là cuối cùng trước khi bệnh nhân về Anh theo nguyện vọng.

Hội chẩn diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi bệnh nhân kết thúc điều trị. Hội chẩn có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Tổng lãnh sự quán Anh, UBND TP HCM, Sở Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, công ty bảo hiểm, cơ sở y tế vận chuyển và Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines – cơ quan chủ quản của bệnh nhân.

Sau hội chẩn, lễ ra viện cũng được thực hiện để tiễn bệnh nhân về nước. Phi công không có mặt trong lễ tiễn.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Phó Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, cho biết, bệnh nhân khỏi Covid-19 hoàn toàn, ra viện mà không cần cách ly thêm 14 ngày như các trường hợp khác.

“Chúng tôi đã gửi lời tạm biệt, trao giấy chứng nhận ra viện bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho bệnh nhân sáng nay”, ông Khuê nói.

Dự kiến tối nay, anh ta đáp chuyến bay từ TP HCM đi Hà Nội, sau đó khởi hành lúc nửa đêm về Anh. Chuyến bay sẽ đến Frankfurt (Đức) để trả khách, sau đó đi tiếp đến London (Anh).

Trong thời gian chờ khởi hành, sau lễ xuất viện, phi công được đưa về Đoàn bay 919. Phó Trưởng Đoàn bay 919 nói: “Đoàn bay rất vui mừng được đón đồng nghiệp về trong tình trạng bình phục”.

s1Đại diện Đoàn bay 919 đón bệnh nhân phi công ra viện, tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 11/7. Ảnh: Hữu Khoa.

Một bác sĩ và một điều dưỡng thuộc Phòng khám Family đi cùng bệnh nhân về Anh để theo dõi, kịp thời chăm sóc sức khỏe.

“Phòng khám Family nằm dưới sự quản lý của Bộ Y tế. Quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là phải chuyển viện bệnh nhân an toàn. Chúng tôi hy vọng phòng khám sẽ hoàn thành nhiệm vụ, đưa phi công về nước an toàn”, ông Khuê nói.

Đánh giá sau hồi phục của bệnh nhân phi công, các chuyên gia cho rằng “ra viện là rất tốt nhưng để tái hòa nhập và làm việc trở lại sẽ còn rất khó khăn”.

Đại diện Tổng lãnh sự quán Anh tại TP HCM nói rằng “vô cùng ấn tượng” với nỗ lực hết mình của Bộ Y tế, Chính phủ trong hành trình chống dịch, để Việt Nam không có trường hợp nào tử vong vì Covid-19.

“Tôi xin mượn lời từ bệnh nhân phi công ‘Tôi xin nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng’ để gửi tới các bác sĩ, người dân Việt Nam và Chính phủ. Thật may mắn vì không có ai nặng hơn Stephen”, đại diện Tổng Lãnh sự Anh phát biểu. Tên của bệnh nhân phi công là Stephen Geogre Cameron.

s2Bệnh nhân (áo xanh) chụp ảnh kỷ niệm với Cục trưởng Khám Chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (thứ hai từ phải sang), các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, đại diện Tổng Lãnh sự quán Anh, trước khi ra viện ngày 11/7. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Nhìn lại quá trình điều trị bệnh nhân, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Đây là một chuyến bay dài”.

Phi công Anh, 43 tuổi, “bệnh nhân 91″, trải qua hai giai đoạn điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong suốt quá trình, Tiểu ban Điều trị và chuyên gia đầu ngành các bệnh viện đã lập nhiều group để hội chẩn đưa ra các phác đồ điều trị riêng. Bệnh nhân mắc hội chứng bão cytokine – hệ miễn dịch hoạt động thái quá chống lại chính cơ thể, phổi đông đặc 90%, sống phụ thuộc hệ thống ECMO – tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (tim phổi nhân tạo)…

Sau hơn 60 ngày điều trị Covid-19 tại bệnh viện nhiệt đới, bệnh nhân 5 lần âm tính và được chuyển sang Chợ Rẫy ngày 23/5. Quãng đường chuyển viện ngắn chỉ khoảng 3 km nhưng rất nhiều nguy cơ. Bệnh viện dốc toàn lực cứu chữa bệnh nhân. Bác sĩ túc trực ngày đêm.

Ngày 26/5, bệnh nhân hồi tỉnh. Ngày 3/6, bệnh nhân cai ECMO thành công. Ngày 18/6, phổi phục hồi 85%. Đã có 6 cuộc hội chẩn quốc gia dành cho bệnh nhân, và đây là lần thứ 7.

“Đến nay bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh”, bác sĩ Linh khẳng định.

s3Bệnh nhân phi công trong những ngày điều trị phục hồi tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh do Bộ Y tế cung cấp.

Ông Khuê đánh giá: “Đây là nỗ lực phi thường đối với bệnh nhân”. Riêng với các bác sĩ Việt Nam, trong bối cảnh chủng virus mới không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vaccine, không phác đồ… ca này mang lại nhiều bài học kinh nghiệm.

“Các bác sĩ phải vừa tìm tòi vừa thử cách điều trị, rút kinh nghiệm. Đây là ca bệnh mới, bệnh khó lần đầu tiên ở Việt Nam”, ông Khuê đúc kết.

Anh Thư (Theo Vnexpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN