Phi công người Anh ‘vật tay’ gay cấn với bác sĩ Trần Thanh Linh

Trong phòng hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy, viên phi công người Anh với bàn tay to bản nắm chặt bàn tay bác sĩ Trần Thanh Linh – phó khoa hồi sức tích cực. Họ chuẩn bị một màn đọ sức “vật tay” gay cấn.

dpbenhnhan91-5-2read-only-1592752395955537716427 Sự quan tâm ân cần, chu đáo của bác sĩ Việt Nam dành cho bệnh nhân 91 – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Căn phòng nơi viên phi công người Anh nằm điều trị che kính trong suốt, ông có thể thỏa sức nhìn ra không gian bên ngoài. Ở đó có cây cối, xe cộ và cả bầu trời xanh trong.

Đây là thời gian yên ổn nhất của ông kể từ ngày ông được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới qua Bệnh viện Chợ Rẫy (22-5) và hơn 3 tháng kể từ ngày ông biết mình nhiễm “virus lịch sử” – COVID-19.

“Thật tuyệt. Nếu ở một nơi nào khác trên Trái đất này, tôi hẳn đã chết. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi được chữa trị ở Việt Nam. Tự tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn Việt Nam”. Bệnh nhân người Anh tâm sự.

Đọ sức “vật tay”

Trong phòng hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy, viên phi công người Anh với bàn tay to bản nắm chặt bàn tay bác sĩ Trần Thanh Linh – phó khoa hồi sức tích cực. Họ chuẩn bị một màn đọ sức “vật tay” gay cấn.

“1, 2, 3 cố lên, cố lên nào”. Cứ sau mỗi lần chiến thắng hoặc thất thủ, cả hai lại nhìn nhau với ánh mắt động viên rồi cười nói rộn ràng…

Tròn một tháng được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ như trút được tâm trạng thấp thỏm âu lo khi sức khỏe bệnh nhân tiến triển ngoạn mục. Trên giường bệnh, ông đã có thể thực hiện được các cử động tập đi đứng, đánh răng, cười nói…

Bác sĩ Phan Thị Xuân, trưởng khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Chợ Rẫy) – nơi đang điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh, nói rằng mục đích chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Chợ Rẫy là để ghép phổi nhưng trong thâm tâm chị vẫn hi vọng điều ấy không xảy ra.

“Thực sự giữ lại được phổi vẫn tốt hơn rất nhiều phổi được ghép. Bởi bệnh nhân có thể chết ngay sau khi ghép do dùng rất nhiều thuốc ức chế miễn dịch. Thành ra lúc ấy chúng tôi cố gắng hết sức để giữ lại phổi. Từ chỉ 1 loại thuốc ban đầu, êkip quyết định dùng cùng lúc 3 loại thuốc liều cao triệt vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi. Song song với “tổng tấn công” vi khuẩn, chúng tôi ngưng dần các thuốc an thần, giãn gân gây nghiện. Và quyết định ấy đã dần phát huy tác dụng” – bác sĩ Xuân kể.

Nhìn lại một hành trình đi qua, bác sĩ Xuân nói đó là dấu ấn đậm nét trong suốt thời gian làm nghề. Đó là những ngày mà khi cảm xúc của chị cùng êkip như “trôi” theo diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Chị vui khi nhìn thấy sức khỏe bệnh nhân tiến triển, và không ít phen mất ăn mất ngủ khi bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch.

Hoàn thành sứ mệnh

Từng là người bệnh COVID-19 nặng nhất, thời gian điều trị dài nhất và để neo sự sống cho ông, cả ngành y tế Việt Nam phải dồn một lực lượng chuyên gia đông đảo nhất. Chỉ với những “cái nhất” này, chắc chắn ông là một bệnh nhân đặc biệt. Sự đặc biệt còn thể hiện ở cái cách mà người đàn ông này vượt qua “vòng tử sinh”.

“Quả thật phải nói đây là ca bệnh vô cùng đặc biệt, sự phục hồi vô cùng ngoạn mục” – bác sĩ Phan Thị Xuân thốt lên đầy ngạc nhiên.

Hành trình điều trị cho bệnh nhân này là câu chuyện dài chưa kể. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, diễn biến bệnh của bệnh nhân ngày một xấu đi, có lúc mất kiểm soát.

Trước một bệnh nhân đặc biệt, ngành y tế huy động nhiều trang bị máy móc hiện đại cùng một đội ngũ nhân viên y tế chưa từng có. Có tất cả 12 bác sĩ giỏi và hơn 20 điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được điều động thay ca liên tục chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới còn được Bệnh viện Chợ Rẫy “chi viện” lực lượng, khi biệt phái 4 bác sĩ giỏi về chạy ECMO (thiết bị hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể) qua túc trực cùng neo giữ sự sống cho bệnh nhân.

Và lúc tưởng chừng như hết hi vọng thì các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới lại nhen nhóm niềm tin. Kết quả chụp CT-scan cho thấy phổi phục hồi 20 – 30% và bệnh nhân trải qua 5 lần xét nghiệm đều âm tính. Đó cũng là lúc “sứ mệnh lịch sử” của bệnh viện kết thúc, bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị cho một ca ghép phổi, vốn là lựa chọn bất đắc dĩ, là hi vọng mong manh cuối cùng giúp người bệnh duy trì sự sống.

Điều kỳ diệu đã đến

Từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lẫn khi qua Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 được các bác sĩ nhận xét khá “cứng đầu”. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có những ngày ông không chịu ăn uống, không chịu đánh răng và chơi điện thoại… quá nhiều. Và chỉ có bác sĩ Trần Thanh Linh mới có thể “trị” được.

Bước ra từ phòng hồi sức, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bác sĩ Linh nói: “Cả êkip, người lạc quan nhất cũng không nghĩ bệnh nhân có thể hồi phục. Thế nhưng sau 4 ngày chuyển qua bệnh viện, bệnh nhân ngưng được thuốc ngủ và bắt đầu hồi tỉnh. Lúc ấy tôi và các đồng nghiệp rất vui, xem đó là động lực thúc đẩy mọi người càng phải quyết tâm đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch”.

Trong những ngày ấy, bác sĩ Linh bảo từ bác sĩ, điều dưỡng thay nhau túc trực 24/24 giờ bên cạnh bệnh nhân. “Bệnh nhân nằm im lìm, còn chúng tôi nhiều ngày trời phải chăm chút từng tí một, phải thức ngồi bên canh từng thông số oxy, huyết động trên máy monitor. Từ kết quả chụp CT và sự cải thiện mỗi ngày của bệnh nhân khi tự đánh răng, ăn uống, nói chuyện được giúp êkip bác sĩ điều trị thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

Hội chẩn đưa ra phương án cuối cùng

Saigontourist muốn hỗ trợ đưa bệnh nhân người Anh về nước

Bộ Y tế cho hay đầu tuần tới tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia sẽ tổ chức hội chẩn trước khi chuyển bệnh nhân sang khu vực phục hồi chức năng, bên cạnh các thủ tục đưa bệnh nhân phi công người Anh về quê hương.

Hiện tại, bệnh nhân đã hít thở bình thường không cần sự trợ giúp, sức cơ tay đã trở lại như cũ, sức cơ chân đã phục hồi được 4/5, bệnh nhân tự ăn uống, tự ngồi dậy được, tự đứng trên khung tập… Bệnh nhân đã đủ sức rời khỏi khu vực hồi sức tích cực, bước tiếp theo một mặt phục hồi sức cơ chân, hỗ trợ để bệnh nhân có thể đi lại được, một mặt xúc tiến các thủ tục để đưa bệnh nhân về quê hương.

Trước đó xuất phát từ nguyện vọng của bệnh nhân 91 sớm được về quê hương Scotland, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tính toán, đề xuất bệnh nhân có thể mua vé ngồi hạng thương gia kèm theo nhân viên y tế hộ tống, chi phí không nhiều.

“Với thể trạng hiện tại bệnh nhân có thể xuất viện và đây cũng là nguyện vọng của bệnh nhân sớm được về nước, vì vậy đơn vị đề nghị Bộ Y tế sớm có giải pháp cho bệnh nhân về quê hương để tránh nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện (sức đề kháng kém, tổn thương phổi). Đơn vị chỉ lo vấn đề chuyên môn, còn việc xuất viện lúc nào cần có sự trao đổi thống nhất từ Ban chỉ đạo với Đại sứ quán Anh, từ đó mới có phương án cụ thể cuối cùng” – ông Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.

Ông Phạm Huy Bình, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết đơn vị sẵn sàng tham gia cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ để sớm thực hiện mong muốn của bệnh nhân 91 người Anh là trở về nước. Theo đó, dựa trên tư vấn của bác sĩ điều trị, Saigontourist Group sẽ hỗ trợ các chi phí liên quan đưa bệnh nhân phi công người Anh về quê hương.

Mệnh lệnh từ trái tim

Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết quá trình điều trị bệnh nhân 91 cho đến nay, Việt Nam được bạn bè trong nước và trên thế giới công nhận, đánh giá rất thành công. Trong đó, có nhiều thầy cô, chuyên gia người nước ngoài gửi thư khen các bác sĩ của bệnh viện.

dpbenhnhan91-4-2read-only-15927524879342062922090 Những ngày đầu bệnh nhân người Anh được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh: BVCC

“Từ những ngày đầu điều trị, các cuộc hội chẩn chuyên môn cấp quốc gia được tổ chức liên tục, qua đó tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, cũng như các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Theo tôi, đây là điều quan trọng nhất để mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân” – bác sĩ Thức nói.

Ngoài ra, để đạt được kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay, bác sĩ Thức cho biết đơn vị còn lập nhóm hội chẩn online 24/24 giờ. Khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào, nhóm lập tức được “kích hoạt” bất kể ngày đêm, giờ giấc để đưa ra các phương án tối ưu. “Duy trì sự sống cho bệnh nhân 91 như là mệnh lệnh trái tim của tất cả các nhân viên y tế” – bác sĩ Thức khẳng định.

Theo Hoàng Lộc – tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN