Phó ban ATGT TP HCM: ‘Xe phân khối lớn nẹt pô, ai cũng muốn chửi’

Tại buổi tọa đàm An toàn giao thông và xe phân khối lớn chiều 6/5, ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng, tiếng ồn của xe phân khối lớn là điều bất cập với xã hội.

“Nếu xe đang bảo vệ đường đua hay tham gia sự kiện cần tiếng pô lớn để dẹp đường thì không nói làm gì. Nhưng ban đêm, tôi nhiều lần chứng kiến xe phân khối lớn qua các khu dân cư nẹt pô ầm ĩ, khiến cả khu phố bức xúc. Những người trong khu phố, kể cả tôi, cũng muốn chửi tục vì kiểu chạy xe này”, ông Tường nói.

Phó ban ATGT TP HCM: 'Xe phân khối lớn nẹt pô, ai cũng muốn chửi'
Xe phân khối lớn tham gia dẫn đoàn trong giải đua xe đạp cúp truyền hình Bình Dương. Ảnh: Đức Đồng

Thừa nhận tiếng pô gây khó chịu cho mọi người, song một thành viên CLB xe phân khối lớn ở Sài Gòn cho rằng đó là điều khó tránh đối với dòng xe này. Nhưng nếu người điều khiển có ý thức, kỷ luật sẽ không có chuyện nẹt pô, kéo ga ầm ĩ gây bất bình, gây tai nạn trên đường.

“Nhóm chúng tôi luôn phải đảm bảo 2 yếu tố là kỹ thuật và kỷ luật. Mỗi tháng phải tập một lần, các thành viên lớn tuổi như tôi thường xuyên nhắc nhở ý thức người mới. Nhưng tiếc là nhiều người trẻ chơi xe phân khối lớn hiện nay không làm được như vậy”, ông này chia sẻ.

Theo thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng CSGT TP HCM, từ năm 2014 đến nay thành phố xảy ra 5 vụ tai nạn liên quan đến môtô phân khối lớn, làm chết 4 người và bị thương 5 người. “Những lỗi họ thường mắc phải là tốc độ, vi phạm làn đường, phần đường; gắn thêm các thiết bị không được phép như còi, đèn ưu tiên. Chúng tôi cũng kiến nghị các anh em chơi xe phân khối lớn trong các hội, nhóm cần có quy chế khắt khe để tuân thủ pháp luật”, ông Phong nói.

Thượng tá Trần Hữu Toán – đại diện Cục cảnh sát đường bộ, đường sắt – cho biết, 70-80% người điều khiển loại xe phân khối lớn hiện rất yếu luật, thiếu kỹ năng. Điều này là do công tác đào tạo chưa tốt.

“Khi khảo sát việc đào tạo, sát hạch cấp bằng A2 cho người điều khiển môtô phân khối lớn tôi thấy độ khó chỉ hơn bằng A1. Trong khi đó, để điều khiển loại xe này cần hiểu luật, kỹ năng rất cao”, thượng tá Toán đánh giá.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Liên đoàn môtô, xe đạp Việt Nam Ngô Quang Vinh cho rằng, nguyên nhân là do Nghị định 38 của Bộ Giao thông, ban hành tháng 3/2014, đã nới lỏng. Trước đó chỉ có khoảng 6.000 bằng lái A2 được cấp, nhưng sau nghị định, người dân được thoải mái đăng ký học bằng A2, nên lượng bằng được cấp đã trên 28.000 chiếc. Riêng TP HCM chiếm gần một nửa.

“Chúng tôi đang rất bối rối về vấn đề này. Câu lạc bộ, hiệp hội xe phân khối lớn mọc lên khắp nơi và có ở hầu hết các tỉnh thành”, ông Vinh nêu.

Phó ban ATGT TP HCM: 'Xe phân khối lớn nẹt pô, ai cũng muốn chửi'
Ông Khuất Việt Hùng chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Trần

Ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch UBATGT quốc gia – nhận định, bắt môtô 1.000 phân khối chạy trong làn xe máy với tốc độ 40 km/h là không đúng thiết kế, hao nhiên liệu. Nhưng người điều khiển môtô chạy vào làn khác hoặc phóng quá tốc độ lại vi phạm luật.

“Điều này rất khó cho anh em chơi xe nhưng hiện không có cách nào khác. Sắp tới khi có dự thảo sửa đổi luật giao thông chúng tôi sẽ kiến nghị nên chăng cho xe phân khối lớn chạy chung làn với ôtô hoặc vào đường cao tốc. Độ tuổi điều khiển xe cũng được xem xét, song trước mắt tôi mong muốn nhân rộng những mô hình chơi xe chuyên nghiệp, có ý thức, tôn trọng luật”, ông Hùng nói.

Theo VnExpress

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN