Bộ Tài chính: ‘Giá xăng đáng lẽ tăng 3.300 đồng một lít’

Do giá thế giới tăng hơn 14% trong nửa tháng qua, Bộ cho rằng giá xăng trong nước lẽ ra phải tương xứng và điều này không liên quan tới thuế môi trường.

Với mức tăng gần 2.000 đồng, giá xăng lại vượt 19.000 đồng một lít, thậm chí lên trên 20.000 đồng ở khu vực xa trung tâm.

Theo công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá bán mới áp dụng từ 21h ngày 5/5, trong đó xăng các loại tăng 1.950-1.990 đồng một lít, dầu hoả giảm nhẹ còn các loại dầu khác không đổi. Ở khu vực 1, giá xăng cao nhất là 19.830 đồng, còn ở khu vực 2 là 20.220 đồng (RON 95)

Biểu giá bán lẻ từ 5/5/2015, tại vùng 1

Đơn vị: đồng/lít hoặc kg

Sản phẩm

Giá cũ

Giá mới

Mức điều chỉnh

Xăng RON 95

17.880

19.830

1.950

Xăng RON 92

17.280

19.230

1.950

Xăng E5 RON 92

16.950

18.900

1.950

DO 0,05S

15.880

15.880

0

DO 0,25S

15.830

15.830

0

Dầu hoả

16.070

15.810

(-) 260

Mức tăng giá xăng lần này mạnh nhất kể từ tháng 3/2011. Tính cả lần điều chỉnh gần nhất vào 11/3, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 3.600 đồng và vượt mốc 19.000 đồng sau nhiều tháng người tiêu dùng được hưởng mức giá 15.000-17.000 đồng một lít.

Bộ Tài chính: 'Giá xăng đáng lẽ tăng 3.300 đồng một lít'

Biểu đồ giá xăng RON 92 từ đầu năm 2011, cho thấy mức tăng giá ngày 5/5 là lớn nhất kể từ cuối tháng 3/2011. Giá xăng giảm một mạch từ tháng 7 năm ngoái, từ kỷ lục 25.640 đồng xuống đáy 15.670 đồng một lít vào tháng 1 năm nay do giá dầu thô trên thị trường thế giới trượt dốc. Đà giảm chững lại sau đó và bắt đầu tăng rõ rệt kể từ tháng 3.

Quyết định điều chỉnh được lý giải do giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới tăng cao trong chu kỳ tính giá kể từ 20/4 đến hết ngày 4/5. Cũng trong tối 5/5, Liên bộ Công Thương – Tài chính có văn bản cho biết giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao trong 15 ngày qua, và ngày 4/5 xăng RON 92 lên mức 80,89 USD một thùng. Vì vậy, giá cơ sở xăng dầu trong nước chênh lệch đáng kể so với giá bán, trong đó xăng RON 92 có giá cơ sở lên tới 20.673 đồng một lít, cao hơn 3.387 đồng so với giá bán lẻ và tăng 13% so với kỳ trước.

Vì vậy, sau khi giữ nguyên thuế nhập khẩu xăng và giảm gần một nửa thuế nhập khẩu các loại dầu, liên bộ cho phép doanh nghiệp tăng sử dụng quỹ bình ổn để bù lỗ. Với mỗi lít xăng khoáng, doanh nghiệp được sử dụng 1.437 đồng, thay vì mức xăng từ 991 đồng; còn xăng sinh học E5 được trích 1.272 đồng thay vì 991 đồng như hiện nay.

Đồng thời, liên bộ cũng nâng mức giá bán tối đa mà doanh nghiệp có thể áp dụng đối với xăng RON 92 lên 19.236 đồng, xăng E5 lên 18.906 đồng mỗi lít.

Theo chu kỳ 15 ngày tại Nghị định 83, lẽ ra việc điều chỉnh giá bán xăng dầu rơi vào ngày 28/4, song do trùng với kỳ nghỉ lễ nên cơ quan điều hành quyết định lùi lại.

Ngày 4/5, Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu dầu diezel từ 20% xuống còn 12% trong khi xăng RON 92 và 95 giữ nguyên mức 20%. Với quyết định này, các chuyên gia đã dự báo giá xăng khó giữ nguyên.

‘Giá xăng đáng lẽ tăng 3.300 đồng một lít’

Bộ Tài chính: 'Giá xăng đáng lẽ tăng 3.300 đồng một lít'

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng thị trường thế giới là nguyên nhân chính khiến giá bán lẻ xăng dầu tăng kỷ lục. Ảnh: N.M

Giá xăng bán lẻ RON 92 vừa tăng kỷ lục gần 2.000 đồng một lít, tương đương 10-11%. Đại diện Bộ Tài chính cho biết quyết định được Liên bộ Công Thương – Tài chính đưa ra sau nhiều lần “nhấc lên hạ xuống” và báo cáo Chính phủ và lẽ ra giá xăng bán lẻ phải tăng hơn 3.300 đồng vì giá thế giới tăng quá cao.

Trong chu kỳ điều hành 15 ngày (từ ngày 20/4 đến 4/5), giá xăng RON 92 bình quân là 77,67 USD một thùng (tăng gần 10 USD, tương đương hơn 14%) so với bình quân 15 ngày trước đó.

“Để chia sẻ với người tiêu dùng, liên bộ cho phép tăng sử dụng quỹ bình ổn thêm 446 đồng mỗi lít. Nếu không dùng quỹ bình ổn, giá xăng có thể phải tăng 3.300 đồng”, vị đại diện Bộ Tài chính giải thích.

Đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này diễn ra trong bối cảnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vừa được tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít, đúng bằng mức tăng giá xăng dầu khiến nhiều người một lần nữa cho rằng giá bán lẻ tăng vì đợt điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn khẳng định giá xăng tăng hôm 5/5 là do giá thế giới. “Thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35% xuống còn 20%, mức giảm 15% này tương tứng trong cơ cấu giá cơ sở tại thời điểm tính toán là 2.000 đồng – bằng mức tăng thuế bảo vệ môi trường nên không thể nói đây là nguyên nhân khiến giá bán lẻ xăng dầu đội thêm”, lãnh đạo của Bộ Tài chính phân tích.

Với mặt hàng dầu – ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, cơ quan điều hành quyết định không điều chỉnh tăng giá bán mà sử dụng triệt để công cụ giảm thuế nhập khẩu dầu diesel từ 20% xuống 13% và tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn từ 188 đồng lên 322 đồng để giữ giá bán mặt hàng này.

Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu vừa qua còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá trong nước thấp hơn các nước láng giềng.

Vnexpress

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN