Dịch COVID-19 ngày 20-8: Châu Âu chứng kiến ca nhiễm tăng kỷ lục

Thủ tướng Úc kêu gọi tiêm vắcxin là bắt buộc trong bối cảnh cuộc đua sản xuất vắcxin COVID-19 đang nóng. Nhiều nước châu Âu và Hàn Quốc tiếp tục có số ca tăng mạnh.

2020-08-19t231730z101954298rc2bhi942axcrtrmadp3health-coronavirus-india-economy-15978794959881040125523Người dân Ấn Độ ở Mumbai lên đường trở về quê sau khi lệnh phong tỏa tại đây tiếp tục bị kéo dài – Ảnh: REUTERS

Tính đến sáng ngày 20-8, giờ Việt Nam, thế giới đã có hơn 22,5 triệu ca mắc COVID-19, hơn 789.000 ca tử vong. Trong số đó, khoảng 15,2 triệu ca đã hồi phục.

Thủ tướng Úc muốn tiêm ngừa toàn dân

Ông Scott Morrison tuyên bố ông muốn tất cả 25 triệu người dân Úc được tiêm ngừa sau khi nước này đảm bảo được nguồn cung loại vắcxin do hãng AstraZeneca và đại học Oxford phát triển.

“Sẽ luôn có các ngoại lệ vì lý do y tế đối với bất cứ loại vắcxin nào, nhưng đó nên là căn cứ duy nhất”, hãng tin AFP ngày 20-8 dẫn lời ông Morrison nói.

Thế giới đang chạy đua sản xuất vắcxin COVID-19 với khoảng 30 loại đang được thử nghiệm trên người. Nga mới đây tuyên bố đã phát triển được vắcxin đầu tiên trên thế giới và đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.

Cuộc đua cũng gây nhiều tranh cãi về việc các quy định tiêm ngừa đụng chạm đến tự do cá nhân.

Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng tất cả các nhóm dân số có nguy cơ cao cần phải được tiêm ngừa. Tổ chức này cũng kêu gọi các nước tham gia chương trình chia sẻ vắcxin.

Theo tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, 20% dân số có nguy cơ cao trên toàn cầu cần được tiêm vắcxin gồm các nhân viên y tế, người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền.

“Cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch này và mở cửa kinh tế là bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ cao nhất ở mọi nơi, hơn là toàn bộ dân số tại chỉ một số quốc gia”, ông Tedros nhấn mạnh.

1178661483847023328902774479585367782181181n-1597882061370425943211Châu Âu tiếp tục chứng kiến các kỷ lục hậu phong tỏa

Pháp ghi nhận thêm 3.776 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Bộ Y tế Pháp cho biết virus đang lây lan mạnh trong giới trẻ và đặc biệt hoành hành tại 2 thành phố lớn nhất là Paris và Marseille. Tuy nhiên, tổng thống Emmanuel Macron vẫn bác bỏ việc tái phong tỏa toàn quốc.

Tương tự, Ý có thêm 642 ca bệnh mới trong ngày, cao nhất kể từ tháng 5-2020, buộc chính phủ phải áp dụng một số biện pháp hạn chế. Trong khi đó, Tây Ban Nha có số ca trong ngày cao nhất trong hai tháng qua với 3.715 ca mới ngày 19-8.

Ngoài châu Âu, Hàn Quốc cũng là quốc gia chứng kiến số ca nhiễm virus corona chủng mới tăng liên tiếp nhiều ngày, với 297 ca mới trong ngày 19-8. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc cảnh báo nước này đang đối mặt với “một cuộc khủng hoảng nguy hiểm”.

Hàn Quốc từ ngày 19-8 đã yêu cầu mọi người ở thủ đô Seoul nên ở trong nhà, lo ngại việc xét nghiệm, truy dấu và cách ly không hiệu quả.

1178382872268494486539152775274944106317557n-15978820970141029167096Thái Lan phủ nhận làn sóng thứ hai

Chính quyền Thái Lan tối 19-8 phủ nhận nguy cơ xảy ra đợt dịch COVID-19 thứ hai sau khi phát hiện 2 trường hợp có kháng thể COVID-19, dù đã trải qua thời gian cách ly 14 ngày. Đây là lần đầu tiên sau 86 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo đó, 2 trường hợp bệnh nhân mới phát hiện tại Thái Lan đều trở về từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ tháng 6-2020 và cách ly bắt buộc ngay sau khi nhập cảnh. Sau khi hết thời gian cách ly, cả 2 bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính và có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, sau khi về nhà, qua gần 2 tháng, họ xét nghiệm lại để lấy hồ sơ đi nước ngoài để làm việc thì được phát hiện ra là có kháng thể COVID-19.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết cả 2 bệnh nhân mới được phát hiện này đều đã được nhập viện và khả năng họ có thể lây lan virus ra cộng đồng là rất thấp. Tuy nhiên, những người tiếp xúc gần với 2 người này sẽ được xét nghiệm.

Giới chức y tế Thái Lan khẳng định đây không phải là đợt dịch COVID-19 thứ hai tại nước này.

Trần Phương (Theo Tuổi Trẻ)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN