Bệnh bạch hầu: Biết phòng ngừa, không quá lo

Ngành y tế đang tập trung khoanh vùng, cách ly để dập ổ dịch bạch hầu – lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp, có thể tử vong đột ngột. Tuy nhiên, bệnh này có thể dự phòng nếu tiêm đủ vắcxin và đúng lịch.

s3Cán bộ y tế đến các cụm dân cư để khám, sàng lọc ngăn chặn bệnh – Ảnh: Tâm An

Đã có một ca bệnh ở TP.HCM, nhưng được điều trị khỏi. Từ đầu tháng 6-2020 đến nay, tại tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện 3 ổ dịch bạch hầu với 12 ca dương tính, trong đó có 1 bé gái tử vong.

Suốt 3 tuần qua, bất kể ngày đêm, các y bác sĩ tại các ổ dịch cũng như tại các cụm dân cư người Mông xa xôi liên tục lấy mẫu đem đi xét nghiệm, phun thuốc khử trùng…

Phong tỏa, hạn chế giao tiếp

Theo ông Hà Văn Hùng – phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, đến nay ngành y tế đã cách ly, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người tại các ổ dịch. Người dân tại các ổ dịch phải ở trong khu vực cách ly hết 7 ngày, không được đi ra khỏi vùng có ổ dịch để đảm bảo dập dịch tại chỗ.

Đồng thời, hàng trăm cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên đã được huy động cùng với nhiều nhu yếu phẩm như gạo, mắm muối, thức ăn cung cấp cho người dân trong những ngày cách ly, phòng bệnh…

Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa – chủ tịch UBND xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong), nơi phát sinh ổ dịch bạch hầu thứ 2 của tỉnh Đắk Nông với 5 ca dương tính – cho biết xã có 70% dân số là người đồng bào dân tộc ít người và sống rải rác ở các khu dân cư.

Theo tập tục, mối quan hệ họ hàng người dân thường qua lại với nhau nên công tác ngăn chặn nguồn bệnh gặp khó khăn, trong khi có những cụm dân cư cách trung tâm xã 25-30km.

“Xã cho mời những cụm trưởng, các lãnh đạo nhà thờ lên làm việc và đề nghị tạm thời ngưng đi lễ nhà thờ, các hoạt động cộng đồng ở thôn, buôn… một thời gian để đảm bảo chống dịch. Bên cạnh đó, qua những người có uy tín của cộng đồng, xã nhờ tuyên truyền cho người dân ăn uống, sinh sống đảm bảo vệ sinh, phòng tránh bệnh tốt nhất” – ông Khoa nói.

Trắng đêm dập dịch

Bác sĩ Hà Văn Hùng cho biết một trong những việc làm trước mắt là các y bác sĩ, cán bộ địa phương trong vùng rốn dịch phải dập dịch tại chỗ, tránh lây lan ra các cụm dân cư khác. Ngoài việc phun hóa chất khử trùng, tiêu độc tại các địa phương có ổ dịch, sở cũng lấy hàng ngàn mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Bên cạnh đó, tại tất cả các cụm dân cư người Mông ở Đắk Glong và Krông Nô đang được tầm soát để ngăn chặn bệnh lây lan.

Anh Nguyễn Hữu Hoản, cán bộ làm việc tại xã Quảng Hòa, cho biết từ nhiều ngày nay các y bác sĩ, bộ đội, công an và thanh niên luôn túc trực tại vùng dịch. Các đơn vị phối hợp thiết lập các vòng cách ly từ ngoài vào trong đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch.

“Các cán bộ y tế liên tục phun thuốc khử trùng tiêu độc ở các khu, cụm dân cư mỗi ngày 2 lần cả sáng lẫn đêm, cả khu vực có dịch cũng như những khu vực lân cận. Bên cạnh đó, nhiều nhóm bác sĩ túc trực ở UBND xã, đến tận các nhà dân lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, khám sàng lọc những người nghi ngờ, có tiếp xúc. Có những hôm, 9-10h đêm chúng tôi cùng cán bộ y tế vẫn phải đi bộ đến tận một cụm dân cư cách trung tâm mấy cây số để thăm khám, lấy mẫu đi kiểm tra” – anh Hoản nói.

Ông Hà Văn Hùng thông tin thêm, bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh, nguy cơ tử vong rất cao. Khác với các bệnh thông thường, đây là loại bệnh vừa nhiễm khuẩn vừa nhiễm độc nên thời gian ủ bệnh đến tử vong chỉ khoảng 5-7 ngày. Vì vậy, khi có các ổ dịch, lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế đã yêu cầu tập trung nguồn lực để dập dịch tại chỗ, tránh lây lan.

“Khó khăn của chúng tôi là các ổ dịch vừa qua đều tập trung ở các cụm dân cư của người Mông, nằm rải rác, cách xa trung tâm nên điều kiện dự phòng, chữa bệnh cũng gặp trở ngại. Có những cụm dân cư, cán bộ y tế phải lội bộ nhiều cây số mới tiếp cận để khám sàng lọc, lấy mẫu điều tra, phòng dịch” – ông Hùng nói.

Dịch trở lại do tỉ lệ tiêm phòng thấp

Theo ông Hà Văn Hùng – phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, nguyên nhân dẫn đến dịch xuất hiện tại các cụm dân cư người Mông là do việc tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đạt thấp nên khi thời tiết ẩm thấp, cộng với nơi ở không đảm bảo vệ sinh dẫn đến xuất hiện mầm bệnh, lây lan nhanh trong cộng đồng.

“Sở vừa tiếp nhận 10.000 liều vắcxin uốn ván, bạch hầu giảm liều (Td) từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nhưng chưa triển khai tiêm ở các ổ dịch cũng như một số nơi khác. Tại các ổ dịch, ngành y tế vẫn thực hiện cách ly, cho người dân uống kháng sinh và theo dõi đủ ngày cách ly. Sau cách ly, ổ dịch đã được dập mới tiêm vắcxin để phòng bệnh tái phát” – ông Hùng nói.

Kon Tum khống chế thành công 5 ổ dịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết ngành y tế đã khống chế thành công 5 ổ dịch bùng phát tại TP Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy.

Cụ thể, tại TP Kon Tum, huyện Đăk Hà và huyện Sa Thầy có 1 ổ dịch, riêng huyện Đăk Tô có 2 ổ dịch, với tổng cộng 6 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 người lành (xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây bệnh nhưng chưa phát bệnh).

Các ổ dịch xuất hiện từ cuối tháng 1-2020 đến giữa tháng 6-2020, với triệu chứng ban đầu của người bệnh đều sốt, viêm họng, viêm amidan, họng nhiều giả mạc. Ngay sau khi phát hiện, các ca bệnh đều được điều tra tiền sử tiêm chủng và tiến hành cách ly, điều trị tích cực. Đến nay, các ca bệnh đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện.

Các địa phương tỉnh Kon Tum đã lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để điều trị dự phòng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Đối với vùng dịch, ngành y tế triển khai các biện pháp như hạn chế đi lại; cho uống kháng sinh Erythromycine để điều trị dự phòng; tổ chức vệ sinh và xử lý môi trường bằng chloramine B; truyền thông theo nhóm về tác dụng, lợi ích của việc tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

Đồng thời tổ chức rà soát, tiêm vét vắcxin DPT-VGB-Hib cho trẻ em từ 2-18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi, và tiêm nhắc vắcxin DPT4 cho các đối tượng từ 18-48 tháng tuổi chưa được tiêm. (Huỳnh Công Đông)

Trung Tân (Theo Tuổi Trẻ)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN