Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng: SOS tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới

Một vài năm trở lại đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, các sản phẩm thuốc lá hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng mạnh, đặc biệt ở những đối tượng trẻ tuổi.

2,6% học sinh từ 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử

Thực trạng hút thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên Việt Nam tăng cao là vấn đề nóng được đưa ra tại hội thảo “Cung cấp thông tin về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/7.

Ở Việt Nam, báo cáo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS 2015) đã cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 1,1% và chiếm 0.2% số người hiện đang sử dụng thuốc lá truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế chứng minh, trong những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá truyền thống. Song mỗi năm chỉ giảm được từ 1-2%. Trong khi đó, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam đang ngày một gia tăng ở các thành phố lớn, đặc biệt là với nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ.

Thống kê điều tra của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, năm 2015 có 0,2% người tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Còn kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho thấy, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử.

hut-vape-1463004810-1605691058828177892194-1605695083435-1605695083671914810562 Thực trạng hút thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên Việt Nam tăng cao. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Còn trong một nghiên cứu về điều tra sức khoẻ học đường toàn cầu thực hiện tại Việt Nam năm 2019 bởi Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh từ 13-17 tuổi là 2,6% (nam 3,6% và nữ 1,5%). Trong đó, học sinh 15-17 tuổi có tỉ lệ hút thuốc lá điện tử khá cao là 3,1%. Tỉ lệ này ở nam học sinh 15-17 tuổi là 4,8% và nữ học sinh là 1,4%.

Song, theo các chuyên gia, loại thuốc lá này tiềm ẩn nguy cơ gây hại rất lớn.

Thuốc lá điện tử có hại như thế nào?

Thuốc lá điện tử (ENDs) hay còn gọi là vape/POD hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng (chất lỏng điện tử) tạo ra sol khí cho người dùng hít vào. Chúng được thiết kế với nhiều màu sắc, đa dạng hình dáng như cây bút, USB,… cùng nhiều hương vị hấp dẫn như trái cây, bạc hà,…. Dung dịch trong thuốc lá điện tử thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể giúp một số người cai thuốc lá. Theo kết luận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), thuốc lá điện tử có thể mang lại lợi ích cho người lớn hút thuốc lá miễn là họ sử dụng chúng thay thế thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, không hẳn là thuốc lá điện tử sẽ an toàn đối với người sử dụng.

Một nghiên cứu khác được công bố hồi tháng 7 chỉ ra rằng, hơn 90% người hút thuốc lá vẫn không thể bỏ được thói quen sau một năm sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, 54% vẫn hút thuốc lá và vape, 37% tiếp tục hút thuốc lá nhưng từ bỏ hẳn vape.

1-6292-1573872799-16056909498601957838468-1605695086531-1605695086708229292210 Nhiều người tin rằng thuốc lá điện tử có thể giúp người hút giảm sự thèm nicotine, song, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy điều này. (Ảnh: Internet)

Mặc dù thuốc lá điện tử không nhả ra khói độc như thuốc lá thông thường nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng là sự lựa chọn lành mạnh để thay thế thuốc lá thông thường. Nhiều người tin rằng thuốc lá điện tử có thể giúp người hút giảm sự thèm nicotine, song, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy điều này. Chưa kể, khi sử dụng nhiều có thể sẽ bị “nhờn”, theo đó cơ thể bắt đầu xuất hiện cảm giác khao khát nicotine, nếu kéo dài sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi và cáu kỉnh.

Cùng với đó, người không hút thuốc khi phơi nhiễm thụ động với hơi thuốc lá điện tử hấp thu lượng nicotine tương đương với khói thuốc thông thường.

Nicotine ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, làm tăng huyết áp và nhịp tim. Lượng nicotine càng lớn thì huyết áp và nhịp tim càng cao. Do đó có thể gây loạn nhịp tim. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đặc biệt là khi dùng liều lượng lớn nicotine, loạn nhịp tim có thể gây suy tim và tử vong.

Ngoài ra, người dùng còn có nguy cơ gặp một số tác dụng phụ như ho, buồn nôn, đau ngực, tăng huyết áp, tăng nhịp tim…

Không chỉ thế, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong thuốc lá điện tử chứa formaldehyde, benzene, nitrosamines (chất gây ung thư), acetaldehyde, các chất gây ung thư khác. Với những người hút trực tiếp có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật như ung thư phổi, thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… hay các vấn đề sẽ ảnh đến chất lượng cuộc sống như vô sinh, liệt dương, dạ dày.

Bên cạnh đó, các chất lỏng dùng để đốt thuốc lá điện tử có mùi thơm thu hút trẻ con. Theo nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Thương tích tại Bệnh viện Nhi đồng Toàn quốc ở Ohio, tình trạng trẻ em nhập viện vì nuốt chất lỏng nicotine trong thuốc lá điện tử ngày càng tăng tại phương Tây. Từ năm 2012-2015, các cuộc gọi phản ánh việc trẻ em nuốt hoặc hít thuốc lá điện tử đã tăng từ 14 lên 223 trong ba năm ngắn ngủi.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức. Mỹ ghi nhận 7 người chết do hút thuốc lá điện tử và hơn 450 người mắc các bệnh lý nghi liên quan thuốc lá điện tử. Canada cũng ghi nhận người đầu tiên nước này chết do hút thuốc lá điện tử.

Dẫn nguồn vnexpress.net theo Neovape, có 21 quốc gia, vùng lãnh thổ sau đã ra lệnh cấm thuốc lá điện tử hoàn toàn (tư liệu từ năm 2017) và cho đến nay (2020) đã có 41 nước trên thế giới cấm thuốc lá điện tử trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines…

Theo An Nhi – phunuvietnam.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN