Nữ đạo diễn, đáng gờm đấy!

Trong phong trào bình đẳng giới, có một ngành nghề dường như phụ nữ rất khó chiếm ưu thế áp đảo, đặc biệt nếu chỉ nhìn trên số lượng là đạo diễn phim. Thế nhưng ngay từ những ngày đầu tiên của lịch sử điện ảnh thế giới đến nay, vẫn có những nữ đạo diễn đã và đang tạo dấu ấn trong ngành nghề đòi hỏi cao cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật này

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết bài này không có ý định làm một bài liệt kê chiến công hào hùng của các nữ đạo diễn mà đơn giản là chỉ kể lại vài câu chuyện của những nhân vật tiêu biểu của trong và ngoài nước khi chúng ta thể tiếp cận nguồn phim của họ và tự mình có thể cảm nhận tài năng cũng như nỗ lực của những phụ nữ chọn con đường chông gai nhất để tiếp cận điện ảnh này.

phim-ảnh

Phá vỡ định kiến, phát huy thế mạnh

Trong một đoàn phim, đạo diễn chính là vị trí nặng nhọc nhất cả về yêu cầu chuyên môn lẫn khối lượng công việc. Đây cũng là vị trí sống còn của cả đoàn phim và là chỉ dẫn hàng đầu cho các thành phần sáng tạo khác của đoàn. Thông thường, có hai cách tiếp cận phổ biến nghề đạo diễn từ chính một ngành nghề khác trong điện ảnh: một là từ ngành quay phim – kể chuyện bằng khung hình; hai là từ biên kịch – kể chuyện bằng ngôn từ. Rõ ràng phụ nữ có thế mạnh hơn từ vai trò kể chuyện bằng ngôn từ trong khi nhiều nhà làm phim nam giới xuất thân từ nghề quay phim, tiêu biểu là đạo diễn Việt kiều đẳng cấp quốc tế Trần Anh Hùng. Bên cạnh đó, nhiều nữ minh tinh với tư duy văn học và tầm nhìn của nhà sản xuất, cũng có nhiều điểm thuận lợi để bắt đầu công việc đạo diễn của mình. Đặc trưng về khả năng làm nhiều việc một lúc (multitask) cũng vừa là lợi thế vừa là thách thức của phụ nữ trong công tác đạo diễn, khi họ thường sa đà ôm đồm quá nhiều công việc trong đoàn. Nhưng sự vun vén lo toan ấy lại rất thích hợp trong việc kết nối, gầy dựng, củng cố ekip của một công việc đòi hỏi sự kết hợp và gắn bó. Chúng ta quen thuộc với các cặp bài trùng Ngọc Diệp – Trà Giang, Nhuệ Giang – Hồng Ánh (Việt Nam), Lý Ngọc – Phạm Băng Băng, Triệu Vy – biên kịch Lý Tường (Trung Quốc)… với những bộ phim từ chất lượng khá trở lên.

Nhung-moc-son-trong-20-nam-su-nghiep-cua-Trieu-Vy-9

Triệu Vy

Vì là phái yếu, do định kiến xã hội trước đây ít được học hành, tham gia làm việc, lại bị hạn chế về sức khỏe nên trước giờ, so với nam giới, phụ nữ chủ động tham gia vào quá trình làm phim muộn hơn và cũng e dè hơn. Đó cũng là lý do hiếm hoi các đạo diễn tạo được dấu ấn trong thời kỳ phim câm hay khi còn quay bằng phim nhựa tốn kém. Nhưng kỷ nguyên số đã mang đến nhiều cơ hội cho các nhà làm phim nữ, đặc biệt là ở khía cạnh giải thoát cho họ khỏi áp lực về kỹ thuật và tài chính. Kèm theo đó, số lượng rạp chiếu bùng nổ, cơ hội dành cho nhà làm phim nói chung cũng có phần rộng mở cho các đạo diễn và các nữ đạo diễn cũng không là ngoại lệ.

Sophia-Coppola-2

Sophia Coppala

Theo thống kê gần đây của The Guardian và Variety, Hollywood chỉ có khoảng 7% đạo diễn nữ thuộc top dẫn đầu những tác phẩm nhưng các đạo diễn nữ thành danh trên đất Mỹ và những người đồng nghiệp của họ ở khắp nơi nếu đã chọn vẫn kiên trì con đường của mình như cách thức hầu hết phụ nữ điều hành cuộc đời mình. Và cũng theo một thống kê không chính thức trên tình hình thực tế, phụ nữ là người quyết định sẽ xem phim gì khi một cặp đôi cùng đến rạp. Sở hữu một cảm giác mạnh mẽ về thị hiếu và xu hướng chính là thế mạnh đặc biệt về nội dung để rút ngắn khoảng cách với các đồng nghiệp nam giới, đặc biệt trong cách tiếp cận đề tài của nữ đạo diễn.

Những thành tựu đáng để tự hào

Càng lúc càng có nhiều những tác phẩm tốt của đạo diễn nữ chinh phục khán giả và những nhà chuyên môn.

9e01b036-6cf7-11e6-8d62-04011537df01

Những tên tuổi tiêu biểu của điện ảnh Âu Mỹ phải kể đến Kathryn Bigelow. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải Oscar cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất vào năm 2009 với The Hurt Locker  một bộ phim làm về đề tài chiến tranh với lối kể chuyện phi cấu trúc. Đây cũng là tác phẩm được Viện hàn lâm trao giải phim xuất sắc nhất năm đó. Hollywood cũng sản sinh ra một nữ đạo diễn từng nhận giải thưởng cao của ba Liên hoan phim danh giá nhất trên thế giới Berlin, Venice, Cannes cùng đề cử của viện hàn lâm Mỹ là Sophia Coppola. Con gái đạo diễn bố già Fancis Coppola này đã đánh tan những chỉ trích của miệng lưỡi thế gian về chuyện con ông cháu cha khi làm phim đều đều ở nhiều thể loại khác và được công nhận  bởi những giải thưởng danh giá và sự đón nhận của công chúng.

Directors-Cuts-Bigelow-042715

Kathryn Bigelow

Ở châu Á, điện ảnh Hoa ngữ và Nhật Bản là nơi sản sinh ra nhiều đạo diễn nữ tài năng. Thế hệ thứ năm và thứ sáu của Hoa ngữ ghi tên nữ đạo diễn Ninh Doanh, Lưu Gia Nhân, Hứa An Hoa, Trương Ngải Gia… với các phim gắn liền với cảm xúc đô thị phức tạp. Nhiều ngôi sao Hoa ngữ có tố chất văn chương đã khẳng định tài năng qua hành trình làm phim đầy ấn tượng. “Én nhỏ” Triệu Vy mở màn thành công với bộ phim đầu tay So Young – Gửi tuổi thanh xuân đã qua của chúng ta và tiếp tục chinh phục khán giả với bom tấn Không có tình yêu khác. Từ Tịnh Lôi, nữ diễn viên, hot blogger hàng đầu cũng ghi dấu ấn với nhiều bộ phim tâm lý tình cảm hiện đại, tiêu biểu là Cha và tôi, Nhật ký của Địch Ba Lạp đã mang đến cho cô nhiều giải thưởng uy tín và cả lời ngợi khen của công chúng. Kinuyo Tanaka – một trong những đại diện tiêu biểu của nữ quyền điện ảnh Nhật, từng tham gia khoảng 260 bộ phim trước khi làm đạo diễn. Một nhà làm phim nữ Nhật Bản khác cũng từng nhận giải Grand Prix tại Cannes 2007 là Naomi Kawase.

naomi-kawase

Naomi Kawase

Trong khi đó, nền điện ảnh Hàn Quốc lại khá dè dặt với các nữ đạo diễn dù năm 2016 vừa qua có thể coi là năm khởi sắc nhất từ trước đến nay khi phim đầu tay của Lee Yoon Jeong Remember You có sự tái xuất của ngôi sao Jung Woo Sung ở vai trò nhà sản xuất và diễn viên ở thể loại phim tình cảm đã lâu anh không tham gia. Năm 2016 cũng có thêm các phim đầu tay tốt khác do các nữ đạo diễn thực hiện như Like for Likes của Park Hyeon Jin, Pure Love của nữ đạo diễn trẻ Lee Eun Hee, được công chúng đón nhận.Thế nhưng, có một thực tế cay đắng là ở Hàn, hầu hết nhà đầu tư và các ngôi sao đều ngại ngần tham gia một bộ phim do nữ đạo diễn chỉ đạo diễn xuất, dù có thể từng khen ngợi thích thú câu chuyện. Cơ hội để một nữ đạo diễn bắt đầu làm phim đầu tay hay thực hiện bộ phim tiếp theo thực sự nhiều chông gai trong một môi trường đề cao nam tính như ở đây. Trung bình mỗi năm Hàn Quốc sản xuất khoảng 250 bộ phim điện ảnh và khoảng 200 phim trong số này sẽ được công chiếu tại thị trường nội địa, các phim do nữ làm đạo diễn nhiều lắm cũng chỉ chiếm khoảng 5%.

director_yoonjunglee2

Lee Yoon Jeong

Câu chuyện nữ đạo diễn ở Việt Nam – cơ hội nhiều hơn thách thức

Ở Việt Nam, đạo diễn nữ cũng bị các nam đồng nghiệp áp đảo về số lượng nhưng những dấu ấn họ tạo ra trong nền điện ảnh non trẻ nhưng nhiều biến động này là không thể phủ nhận và ngày càng có nhiều cơ hội cho họ.

Ngay từ khi nền điện ảnh Cách mạng ra đời, đã có nhiều cột mốc được kiến tạo bằng tài năng của những nữ đạo diễn. NSND Bạch Diệp được xem là nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam đã thực hiện một loạt các tác phẩm đưa bà đến giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như Ngày lễ thánh, Điện Biên Phủ, Hoa ban đỏ, Huyền thoại về người mẹ. Nàng Mị – NSƯT Đức Hoàn của bộ phim kinh điển Vợ chồng A Phủ cũng là một nữ đạo diễn tài năng của điện ảnh Cách mạng với số lượng phim nhiều và chất lượng cũng đều tay như Từ một cánh rừng, Hà Nội mùa chim làm tổ, Tình yêu và khoảng cách, Đời mưa gió… Ở thời  kỳ đổi mới, đạo diễn Việt Linh với phong cách điện ảnh đầy sâu lắng nhưng cũng dữ dội và ám ảnh, cũng ghi dấu với những tác phẩm theo đuổi đề tài khó, gây sự chú ý của quốc tế như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Theo, Thời vang bóng… Cùng thế hệ với Việt Linh là đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang, người từ lâu đã thoát khổ cái bóng của người chồng nổi tiếng hay phụ huynh đôi bên là những nhà làm điện ảnh lẫy lừng (bố chồng chị là đạo diễn, NSND Hải Ninh, bố đẻ chị là đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa) để khẳng định tài năng với  nhiều bộ phim làm về phụ nữ gây ấn tượng mạnh như Thung lũng hoang vắng, Tâm hồn mẹ. Trước đó, chị cũng làm trợ lý cho chồng, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân trong nhiều dự án đạt những giải thưởng quốc tế và trong nước như Đời cát, Người đàn bà mộng du.

2-ac694

Phạm Nhuệ Giang

Thời gian gần đây, Việt Nam đang đón nhận một lứa nữ đạo diễn mới với những phong cách đa dạng và một quyết tâm, thậm chí là tham vọng chinh phục con đường mình đã lựa chọn. Sau thành công của Phan Đăng Di, người tiên phong cho phim độc lập ở Việt Nam, thành công trên đấu trường quốc tế của Bộ phim dài đầu tay mang tên Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã khẳng định vị thế nữ quyền ở địa hạt thách thức này. Chị đang tiếp tục chiến đấu cho dự án thứ hai hứa hẹn cơ hội và cả nhiều rủi ro Câu chuyện buồn nhất thế gian. Là tác giả loạt phim truyền hình thu hút đông đảo khán giả và có nhiều giải thưởng như Mười ba bến nước, Vũ khúc ánh trăng, Bánh đúc có xương… nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền, thực hiện phim điện ảnh đầu tay Người trở về, lấy đề tài hậu chiến, là dự án trọng điểm ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam. Bộ phim là một thử thách lớn cả về điều kinh phí đến kỹ thuật làm phim khi quay trên chất liệu phim nhựa 35 mm và thành công phần nào với lối khác thác nữ tính nhiều ám ảnh về thân phận con người, đặc biệt là bi kịch người phụ nữ thời hậu chiến. Nữ diễn viên nhiều giải thưởng Hồng Ánh sau vai trò làm bà đỡ cho Đường đua của đạo diễn trẻ Khắc Huy, đã trở thành nữ đạo diễn Đảo của dân ngụ cư, bộ phim dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến. Một bộ phim xuất phát từ đề tài thách thức, nhiều cảnh nóng và bạo lực, lại không hứa hẹn hút khách khi dùng các gương mặt như Ngọc Thanh Tâm, Nhan Phúc Vinh… cho thấy quyết tâm và cả độ liều của chị.

daodiennguyenhoangdiepduocnuocphaptraotanghuanchuonghiepsi

Nguyễn Hoàng Điệp

Ở dòng phim thương mại, nhiều nữ đạo diễn không chỉ tác giả sáng tạo của những bộ phim giải trí mà còn kiêm vai trò nhà sản xuất, nhà đầu tư và đã huy động được những nguồn vốn khiến cho các đồng nghiệp nam phải kính nể. Đả nữ Ngô Thanh Vân dũng cảm theo đuổi dòng phim fantasy từ Ngày nảy ngày nay ở vai trò sản xuất, tiếp tục làm phim đầu tay Tấm Cám với đề tài này, 22 tỷ đồng kinh phí và 18 tháng ròng quay. Còn những hạn chế về chuyên môn, nhưng đây là một dự án cho thấy sức mạnh truyền thông và tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận của Ngô Thanh Vân và ekip với nền điện ảnh Việt, tạo đà cho chị tiếp tục sản xuất bộ phim xuyên không đề tài thời trang Cô Ba Sài Gòn. Poster và các đoạn phim teaser đẹp lung linh và đậm chất Việt tiếp tục là tài nguyên để chị đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Luk Vân, một đạo diễn triệu view trên mạng, kiên trì làm phim thanh xuân, đã có phim đầu tay 4 năm 2 chàng 1 tình yêu xinh xắn, đạt doanh thu 20 tỷ và đang tiếp tục chuẩn bị cho bộ phim thứ hai về đề tài giới trẻ.

dao-dien-ngo-thanh-van-showbizvn-11112015a1-9

Ngô Thanh Vân

Xu hướng là người xem sẽ chờ đợi lắng nghe mỗi câu chuyện điện ảnh thay vì băn khoăn đó là phim của nữ hay nam đạo diễn. Cũng giống như không nên phân biệt phim nghệ thuật chiếu thiểu số hay phim giải trí chiếm số đông, với khán giả chỉ có phim hay hoặc không mà thôi.

Và các nữ đạo diễn, họ đáng gờm vì tài năng chứ không phải vì giới tính!

Hàn Thuỷ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN