Nhạc sĩ Vinh Sử “chê” Hoài Linh: Có phải cuộc “tấn công” cá nhân?

Vừa qua, trong một bài trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Vinh Sử đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều chương trình truyền hình về dòng nhạc Bolero đồng thời nhân xét: “Hoài Linh thì biết gì về nhạc, về Bolero mà chấm trong khi Linh ca cũng chỉ bình thường”.

Game show là phá bỏ khuôn khổ?

“Ông hoàng nhạc sến” Vinh Sử cho rằng, việc ông chia sẻ về Bolero và nghệ sĩ Hoài Linh là trong một cuộc trò chuyện vui vẻ và không có ý chê bai gay gắt về nam nghệ sĩ nổi danh. Tuy nhiên, phát ngôn này của vị nhạc sĩ gạo cội đã “châm ngòi” cho một cuộc tranh luận khá gay gắt giữa những người làm nghề lẫn công chúng mến mộ Bolero.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Dương Triệu Vũ chia sẻ về quan điểm xung quanh câu chuyện đang gây tranh cãi: “Nhạc bolero được tồn tại đến bây giờ là vì sự dễ hiểu, đơn giản, rập khuôn của nó, cộng với lời lẽ gần gũi không quá bác học, xa vời. Và trong khuôn khổ đó, bất kỳ ai cũng có thể viết ra bài bolero, khác nhau là hay hoặc là không hay mà thôi”.

Nam ca sĩ bày tỏ thêm: “Tôi không hiểu sao lại có cuộc tấn công một cách cá nhân như vậy và tôi tin đây có thể là từ một cuộc trò chuyện ngẫu hứng, đùa giỡn rồi bị đưa ra khỏi ngữ cảnh vì một người lớn tuổi như ông không thể nào nói như thế này được. Nhất là về một người đồng nghiệp cũng đã có một vị trí nhất định trong lòng khán giả như nghệ sĩ Hoài Linh”.

Đồng tình với Dương Triệu Vũ, nhạc sĩ Đức Huy cho rằng, ý kiến của nhạc sĩ Vinh Sử là không hợp lý. “Làm việc với Hoài Linh, tôi hiểu rằng anh ấy không chỉ là một nghệ sĩ hài mà còn có kiến thức rất rộng về các dòng nhạc truyền thống và Bolero. Nếu có ai bảo anh ấy chưa đủ tầm làm giám khảo Bolero, tôi cho rằng điều đó là không đúng”, nhạc sĩ chia sẻ.

Không chỉ trong giới nghệ sĩ, nhiều khán giả cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm, tranh luận về vấn đề này. Trong đó, không ít người cho rằng, nghệ sĩ Hoài Linh là một trong những cây hài kì cựu của làng giải trí Việt, tuy nhiên nếu nói rằng anh đủ chuyên môn “cầm cân nảy mực” về cuộc thi Bolero thì chưa hẳn.

Dòng nhạc Borelo xuất hiện khá lâu, cũng như một số loại hình nghệ thuật khác với nét đặc trưng riêng, Bolero cần sự hiểu biết thấu đáo cả chuyên môn lẫn tình cảm thì mới tạo nên độ sâu sắc, mùi mẫn về nghề. Nghệ sĩ Hoài Linh thành công, nhưng đó là ở lĩnh vực hài kịch còn nếu anh lấn sân sang Bolero liệu có phải sự hợp lý?

1

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, nhạc sĩ Phạm Việt Long cho biết: “Có lẽ ý của nhạc sĩ Vinh Sử là người làm giám khảo phải mang tính chất “chuyên” chứ không phải là không biết gì. Bởi một người bình thường cũng có thể biết sơ sơ. Ví dụ, nhạc nào người ta nghe thì cũng biết nhưng để hiểu được sâu sắc lại là một vấn đề khác.

Người làm ban giám khảo có thể là người chuyên nghiệp hơn, còn Hoài Linh là nghệ sĩ rất chuyên nghiệp về hài nhưng lại không chuyên về âm nhạc. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, tôi tin rằng, khi đã là một nghệ sĩ lớn, đôi khi họ có thể thấm thấu được những lĩnh vực nghệ thuật khác chứ không hẳn là không biết gì cả”.

Theo nhạc sĩ Phạm Việt Long, ông đồng tình với quan điểm rằng người làm ban giám khảo phải là người có trình độ chuyên môn sâu và hiểu biết rộng về lĩnh vực đó. Song, ông cũng cho rằng việc “chê” Hoài Linh “không biết gì” là không đúng, hoặc có chăng người khác đã hiểu sai về ý kiến của nhạc sĩ Vinh Sử.

Giám khảo chỉ để nhận xét “điểm nhìn”

Vài năm trở lại đây, sự đổ bộ ào ạt các chương trình truyền hình thực tế trên sóng truyền hình đã tác động đáng kể vào cảm xúc đa chiều của khán giả, đôi khi lôi kéo, “dắt mũi”, “tung hỏa mù” cả giới truyền thông vào “mê trận” của những cuộc cạnh tranh do chính các nhà tổ chức xác định ngay từ ban đầu.

Bản chất của chương trình truyền hình thực tế, yếu tố giải trí, trải nghiệm, tương tác với khán giả được đặt lên hàng đầu. Nếu chiêu trò ở các cuộc thi mang tính chuyên nghiệp, hàn lâm khi bị “bóc mẽ” có thể “khai tử” chương trình thì tại cuộc chơi Game show, càng nhiều chiêu trò, càng nhiều ầm ĩ ồn ào thì càng sinh lợi. Có lẽ vì thế mà yếu tố chiêu trò đã bị lạm dụng quá mức trên sóng truyền hình thực tế những năm vừa qua khi chất lượng nghệ thuật bị sụt giảm đáng kể.

Cùng với thực trạng này, hiện tượng các gương mặt “một đêm thành sao” trong thi thố, tranh tài hay những gương mặt chỉ mang yếu tố “câu view” ngồi ghế giám khảo, huấn luyện viên đã không còn xa lạ. Không ít lần, theo dõi cuộc thi truyền hình thực tế khán giả đã “tức sôi máu” vì chuyên môn của ban giám khảo với tên gọi “kêu như chuông” của chương trình hầu như chẳng liên quan gì nhau.

Suốt cả đêm thi, để tìm ra một bình luận vừa hóm hỉnh vừa sâu sắc, chuẩn mực về chuyên môn khiến khán giả “tâm phục khẩu phục” hoặc cao hơn nữa là mang tính khai mở cho thí sinh, khán giả gần như không có. Thay vào đó, giám khảo chủ yếu làm nhiệm vụ nhận xét về “điểm nhìn” và nói những câu ai cũng thấy kiểu: “Em hôm nay trông thật lộng lẫy”, “Bộ trang phục này, vũ đạo này không hợp với em”…

2

Cách đây chưa lâu, việc diễn viên hài Việt Hương đưa ra những lời nhận xét về chuyên môn với ca sĩ Siu Black trong chương trình “Sinh ra để tỏa sáng” cũng khiến khán giả tranh cãi. Nhất là Siu Black lại tham gia với tư cách thí sinh, còn Việt Hương là bình luận viên, nhận xét các phần thi của cô và nghệ sĩ khác. Chưa kể, rất nhiều diễn viên hài “đá chéo sân”, nhận lời làm giám khảo của các cuộc thi ca hát trên truyền hình. Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu họ có đủ “tầm” để truyền đạt, đào tạo, nhận xét cho thí sinh? Họ dạy gì, lấy gì để nhận xét khi chính bản thân không đủ chuyên môn, kiến thức về lĩnh vực này?

Tuy nhiên, như đã nói, truyền hình thực tế luôn coi trọng rating và nguồn lợi “ăn theo”. Nghệ sĩ Hoài Linh chỉ là một trong nhiều gương mặt được các đài truyền hình, nhà sản xuất “chọn mặt gửi vàng” cho những sản phẩm rất cần doanh thu của họ.

Việc giám khảo “ngồi nhầm chỗ” không phải là chuyện mà chỉ nhạc sĩ Vinh Sử nhìn ra, từ lâu. đó đã được xem như mẫu số chung của các chương trình này. Có chăng, dư luận nên cởi mở hơn với những chương trình thực tế, bởi dù có hay không thì những chương trình dạng này.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long chia sẻ thêm: “Nên ưu tiên thành phần giám khảo có chuyên môn về lĩnh vực đó. Dù vậy, không phải bắt buộc tất cả đều phải có chuyên môn mà có thể hài hòa giữa những người có chuyên môn và những người đại diện “gương mặt” cho chương trình đó bởi họ có những cách nhìn khác khách quan, có những phát hiện mới mẻ hơn mà đôi khi những người chuyên môn lại không nhận thấy được. Việc dư luận cởi mở hơn với sự lựa chọn của những chiếc ghế giám khảo phần lớn phụ thuộc nhiều vào nhà đài nếu họ hài hòa được giữa những người có chuyên môn và người là gương mặt “hái ra vàng”.

Theo Gia đình & Xã hội

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN