Chê bai, miệt thị Hoa hậu: Người Việt có thực sự “văn minh”?

Có một nghịch lý đang tồn tại bấy lâu nay là những cô gái bị chê nhiều nhất chính là Hoa hậu. Mới đây nhất, tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – H’Hen Niê – tại chương trình truyền hình thực tế “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” đã phải nhận nhiều lời chê bai, miệt thị về nhan sắc bị cho là “lệch chuẩn”, “không hợp nhãn” với quan niệm số đông.

Lâu nay, nhiều người Việt, trong đó có không ít đàn ông, người thuộc giới trí thức đã không ngừng chê bai các Hoa hậu. Không chỉ Hoa hậu người Việt mà ngay cả các Hoa hậu quốc tế được chấm điểm, lựa chọn bởi các giám khảo uy tín bậc nhất thế giới cũng chịu sự dè bỉu ấy với những lời chê nào miệng rộng, nào da đen, mắt xếch…

Tất nhiên, mỗi lời chê có một mục đích riêng và không phải lúc nào sự chê trách cũng chỉ mang hàm ý tiêu cực. Nhiều lời chê như một cách phản biện cái xấu, cầu thị về một vẻ đẹp toàn diện, đủ thuyết phục để đại diện cho “một nửa thế giới”. Điều đó hợp lý với sự tiến bộ.

Vậy thì việc khen Hoa hậu đẹp hay chê Hoa hậu xấu là bình thường. Thậm chí, có thể mở rộng chuyện khen-chê theo nghĩa dí dỏm hơn rằng: Hoa hậu đẹp là đương nhiên, ai chê được Hoa hậu xấu mới đáng nói. Nhưng trong nhiều cách chê, trong mọi sự công bằng và bình đẳng của nhân loại thì sự miệt thị hay ví von thô tục về nhan sắc một phụ nữ rõ ràng vẫn đi ngược với sự văn minh.

hoa hau

Thật khó để đưa ra định nghĩa, thang điểm cụ thể, chính xác cho một phụ nữ đẹp bởi mỗi thời kỳ, vùng miền, lãnh thổ hoặc phạm vi tiêu chí cuộc thi, giám khảo sẽ có cách đánh giá riêng nhưng quan niệm: Hoa hậu thì phải đẹp luôn đúng.

Đẹp ở đây được hiểu như một tổng thể hài hòa của nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn. Lịch sử các cuộc thi Hoa hậu từ cổ chỉ kim, ở bất cứ vùng miền lãnh thổ thường cũng dựa trên tiêu chí cơ bản ấy.
Đấu trường nhan sắc quốc tế uy tín bậc nhất thế giới là cuộc thi Hoa hậu Thế giới từng có những nhan sắc gây tranh cãi vì không “hợp nhãn” số đông nhưng bản thân những người đẹp này sau đó đã chứng minh được khả năng tỏa sáng của bản thân bằng vẻ đẹp trí tuệ, hoạt động cộng đồng, từ thiện đồng thời tỏa ra một năng lượng ấm áp, nhân hậu của người phụ nữ.

hoa hau 2

Năm 2015, sự kiện người đẹp Philippines – Pia Wurtzbach – đoạt ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2015 đã tạo nên một làn sóng chê bai dữ dội từ người Việt với những ví von đầy “nhạy cảm”, “ngoa ngoắt”, không ngừng “mổ xẻ”, chế ảnh từng chi tiết trên gương mặt Hoa hậu mà theo cảm nhận chủ quan của mỗi người chê đều cho rằng như thế là “bất hợp lý”.

Thế nhưng, ở chính đất nước này, người dân đã cổ vũ nhiệt tình cho sự trở về của Pia Wurtzbach từ cuộc thi quốc tế với lễ diễu hành đình đám.

Vài năm trở lại đây, Philippines được đánh giá như một cường quốc về nhan sắc tại các cuộc thi lớn. Nhiều ứng viên đất nước này còn xuất sắc vượt qua những cường quốc mạnh, có công nghệ đào tạo Hoa hậu cao như Venezuela, Mỹ, Pháp…

Và một trong những cách lý giải có phần hợp lý từ các chuyên gia sắc đẹp uy tín chính là: Cảm hứng văn minh và cách thức chuyên nghiệp mà những người đẹp quốc gia này học hỏi được ở chính đất nước mình.Ngược lại, nhiều người Việt trước một nhan sắc vừa đăng quang ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Hoa hậu là lập tức có phản ứng tìm cách chê bai, “ném đá”. Công chúng có quyền được bày tỏ ý kiến của mình song từ việc bày tỏ một cách văn minh đến lối ứng xử miệt thị, chà đạp, xúc phạm người khác, bất chấp bản thân người phát ngôn đang vi phạm pháp luật là điều nhiều người tự cho mình quyền được bỏ qua.

Xét cho cùng, chẳng Hoa hậu nào xấu cả! Những nhan sắc đã đi thi Hoa hậu, được chọn vào vòng trong đều sở hữu thân hình, gương mặt tương đối hài hòa, nhiều phụ nữ ước ao.

Nếu họ là những cô gái bình thường ở ngoài đời sống kia, bước qua hàng quán, xuất hiện chốn đông người, có khi đã là “tiêu điểm” nổi bật. Nhưng ngày mai, họ lên mặt báo với ngôi vị fHoa hậu, với chiếc vương miện sắc đẹp thì bỗng chốc bị so sánh với người này người nọ, chê bai nhan sắc thế này thế kia.

hoa hau1

Ý nghĩa chung của hầu hết các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới ngoài việc chọn ra một người có ngoại hình đẹp nhất thì còn là sự lựa chọn một người đẹp có trí tuệ, tâm hồn, truyền cảm hứng niềm tin và thái độ sống tích cực cho cộng đồng. Nếu xét ở góc độ này, rất nhiều cô gái Việt xứng đáng. Họ đầy bản lĩnh, năng lực, sự tự tin dù có thể vẻ bề ngoài không được “mười phân vẹn mười”.

H’Hen Niê – cô gái vừa đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2017 là một trường hợp như thế. Cô đã vượt qua 41 thí sinh trong đêm chung kết để trở thành tân Hoa hậu. Ngoài vẻ đẹp không trộn lẫn, thần thái tự tin, body gần như chuẩn nhất trong dàn thí sinh lọt vào đêm chung kết, H’Hen Niê còn truyền cảm hứng cho những cô gái trẻ khởi đầu khó khăn trở ngại nhưng vẫn cháy hết mình để chinh phục ước mơ.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 tiết lộ, cô hy vọng thành công của mình truyền cảm hứng đến nhiều phụ nữ Ê đê vốn chưa một lần bước khỏi buôn làng trong đời.

“Tôi tự hào về những gì đã đạt được bởi tôi luôn ước mơ và suy nghĩ tích cực. Người ta thường bảo tôi một cô gái dân tộc thì chẳng bao giờ đăng quang hoa hậu đâu, đừng mơ mộng. Nhưng đêm nay, tôi đã chứng minh mình làm được điều đó”, cô nói.

Trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp quy mô lớn tại Việt Nam, rất hiếm khi một cô gái người dân tộc thiểu số đăng quang ngôi vị Hoa hậu, Á hậu. Trước H’Hen Niê, Á hậu Trương Thị May (người dân tộc Khmer) đã để lại ấn tượng tốt đẹp qua hình ảnh một người đẹp hướng thiện, vì cộng đồng, không scandal.

Đám đông không bầu lên Hoa hậu, và ở góc độ của truyền hình thực tế, kết quả có thế nào đó vẫn là một sân chơi thì chiến thắng thuộc về ai họ cũng không đáng trở thành mục tiêu bị miệt thị nặng nề, đầy chủ quan, áp đặt.

Trước cả rừng nhan sắc, chiếc vương miện có thể thuộc về bất cứ ai trong số những cô gái ấy, chưa kể, đôi khi, kết quả còn bị nghi ngờ có sắp đặt, can thiệp… Song, việc người đội vương miện tỏa sáng sau đó hay không lại phụ thuộc vào chính bản thân họ mà không hào quang từ chiếc vương miện nào mang lại phép màu ấy.

Vậy thì tại sao trước một nhan sắc có thể là khác biệt nhưng được chọn lựa trong phạm vi một chương trình truyền hình thực tế, bởi một đội ngũ ban giám khảo với những tiêu chí riêng lại bị “ném đá” như cuộc “khủng bố tinh thần”, xúc phạm danh dự, hình ảnh từ đám đông.

Theo giadinhnet

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN