Ở Hà Lan, bố mẹ là những người bạn lớn của con

Nhìn con lớn lên mỗi ngày là hạnh phúc của bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, con càng lớn đồng nghĩa với việc dạy con càng khó, nhất là ở một đất nước không dùng đòn roi để giáo dục trẻ như Hà Lan. Chị Vũ Hoàng Hương Linh, một bà mẹ trẻ hiện sống tại Hà Lan đã có những chia sẻ thực tế về việc giáo dục con ở xứ người.

Xin chào chị Hương Linh. Theo chị, việc dạy con ở Hà Lan có giống ở Việt Nam?

Một quốc gia ở châu Á và một quốc gia ở châu Âu tất nhiên sẽ có sự khác biệt về nhiều thứ, ngay cả cách giáo dục. Theo tôi, sự khác biệt tiêu biểu mà tôi thấy được đó là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái của người Hà Lan rất nhỏ, cha mẹ giống như người bạn lớn của con vậy.

Họ rất chịu khó giải thích những thắc mắc của trẻ, từ chuyện đơn giản đến những chuyện khó nói, kiên nhẫn trả lời cho đến khi trẻ cảm thấy hài lòng. Vì thế mà trẻ Hà Lan rất tự tin khi đặt câu hỏi với người lớn. Khi cha mẹ bận việc hoặc “bí” đáp án, họ sẽ hẹn trả lời con vào lúc khác. Sau đó, họ phải bỏ chút ít thời gian để hỏi “bác Google” và trả lời con như đã hứa.

Họ cũng rất tôn trọng ý kiến và sở thích của con cái nên trẻ được tự do phát biểu những suy nghĩ. Nhờ vậy, cha mẹ cũng nắm bắt được tâm lý và tư duy thật sự của con mình.

Hinh nhan vat

Gần gũi con như những người bạn, vậy có khi nào bé không sợ bố mẹ và trở nên bướng, nói mãi không nghe? Lúc đó chị sẽ phạt con thế nào? Có đánh đòn bé không?

Ở Hà Lan không cho phép dùng roi vọt với các bé. Dạy trẻ bằng đòn roi là cách tệ nhất vì không giải quyết được vấn đề một cách triệt để, lại còn tạo ra hố sâu khoảng cách giữa trẻ và cha mẹ. Tôi nghĩ rằng một đứa trẻ ương bướng ở một thời điểm nào đó cũng không là điều quá nghiêm trọng. Trẻ con nó cũng lúc vui, lúc buồn, lúc ương ương giống người lớn. Tôi phải chấp nhận có lúc con sẽ không nghe lời nhưng không phải để chìu hư con mà là cách để tôi bình tĩnh giải quyết vấn đề khi xảy đến.

Lúc bé nhà tôi dưới 4 tuổi, khi bé bướng, tôi chỉ cần nói “con làm như vậy mẹ buồn lắm” là bé ngoan ngay vì độ tuổi này bé vẫn còn rất gần gũi với mẹ. Sau này bé lớn hơn thì những hình phạt là cần thiết. Tùy cái sai của bé mà tôi có những hình phạt tương ứng. Bé nhà tôi ham đi chơi lắm. Vì vậy mỗi lần bé phạm lỗi, tôi thường phạt không cho đi chơi, bắt ở nhà để tự suy nghĩ về hành động sai của mình. Cách này rất hiệu quả với cô nhóc ham chơi nhà tôi.

Và còn những lời khen? Tôi thấy các bà mẹ thường khen con và cả khoe con. Riêng chị thì sao?

Tôi nghĩ khen con đúng chỗ, đúng cách là rất cần thiết. Khen hợp lý sẽ là động lực để con tiếp tục cố gắng làm tốt hơn. Tôi không khen nhiều hoặc quá lố vì tôi nghĩ làm như vậy trẻ không còn coi trọng, thấy quen nên chẳng cần phải cố gắng. Còn khoe con, tôi rất hạn chế. Khi hài lòng về bé, tôi chỉ nói với những người thân thiết để họ có thể chia vui cùng tôi, thế thôi.

Bé nhà chị đã đến tuổi đi học? Ở độ tuổi của bé đến trường sẽ được học những gì?

Con tôi năm nay 6 tuổi và đã đến trường chính thức từ khi 4 tuổi. Đây cũng là độ tuổi bắt buộc trẻ em đến trường ở Hà Lan. Lúc 4-5 tuổi, bé chơi là chính và qua trò chơi, bé cũng học được những kiến thức cơ bản như về chữ cái, số đếm, phép tính đơn giản, các mùa, các ngày… Thỉnh thoảng, bé sẽ được học những chủ đề về cuộc sống xung quanh. Bất kỳ chủ đề nào, các bé cũng đều được học một cách trực quan sinh động nên bé nào cũng háo hức mỗi khi đến lớp.

Ví dụ khi học về chủ đề “Bệnh viện”, trong hai tuần các bé sẽ được nghe cô nói đến những vấn đề liên quan như: Bệnh viện để làm gì? Ai làm việc trong đó? Khi nào cần đến bệnh viện… Trong lớp cũng sẽ được trang trí những hình ảnh liên quan đến vật dụng y tế. Khi làm thủ công, các bé sẽ được học làm giường bệnh nhân, đóng đủ vai bác sĩ, y tá, bệnh nhân để chơi khám bệnh với nhau. Trường cũng tạo điều kiện cho bé tiếp xúc với một chiếc xe cấp cứu thật, được nghe các y tá kể chuyện để hiểu hơn về công việc của họ.

IMG_3843

Và cách nhà trường tương tác với phụ huynh như thế nào?

Gia đình thật sự là trợ thủ đắc lực của nhà trường. Khi đến dịp tổ chức tiệc cho trẻ, phụ huynh sẽ cùng giáo viên nấu ăn và tổ chức các hoạt động vui chơi cho bé. Cách khoảng ba tháng sẽ họp phụ huynh một lần để trao đổi về tình hình học tập của bé. Tôi thấy rất hay khi chỉ có giáo viên gặp riêng từng phụ huynh để nói chuyện chứ không phải là một buổi họp chung tất cả. Tôi đến chỉ nghe về những vấn đề của con mình, từ cái hay đến cái dở của bé mà không cần phải nghe thêm vấn đề của các cháu khác. Điều này tạo cho phụ huynh được cảm giác gần gũi, thoải mái và cảm thấy con mình được quan tâm thật sự sát sao.

Có những chính sách hay quyền lợi nào đặc biệt dành riêng cho trẻ con và cả phụ nữ ở Hà Lan không thưa chị ?

Trẻ em ở đây (dưới 16 tuổi) bắt buộc phải đến trường và không phải đóng học phí (trừ trường hợp bạn chọn trường tư cho con). Cha mẹ chỉ phải đóng “phụ phí” để nhà trường tổ chức các buổi đi dã ngọai và các buổi tiệc cho các em. “Phụ phí” này chỉ là số tiền rất nhỏ, khoảng vài chục Euro/năm.

Phụ nữ Hà Lan có con nhỏ thường không đi làm hết 5 ngày/tuần. Họ chỉ đi làm 2-3 ngày/tuần để có thời gian dành cho con cái.

Bé sinh ra ở nước ngoài, vậy chị có sợ bé sẽ dần quên tiếng Việt? Liệu chị có cảm thấy con mình bị chút “thiệt thòi” khi bé sống xa quê hương, không được trải qua những lễ hội vui chơi đậm nét văn hóa truyền thống mà chỉ có trẻ con Việt Nam mới biết?

Tôi vẫn cố gắng nói tiếng Việt với con, cho bé coi phim hoặc nghe truyện bằng tiếng Việt để bé có thể giao tiếp với người thân còn ở quê nhà. Tôi không nghĩ bé “thiệt thòi tuổi thơ” vì ở Hà Lan cũng có những lễ hội và hoạt động dành riêng cho trẻ em để bé có thể tham gia vui chơi. Vào ngày lễ Sint Maarten (11-11), trẻ em sẽ cầm đèn đi đến từng nhà, hát hò và xin kẹo. Rồi ngày 5-12, trẻ em sẽ được ông Sinterklaas tặng quà. (Sinterklaas là một nhân vật tương tự như ông già Noel và sẽ đến tặng quà cho những em bé ngoan). Vào những ngày này, trẻ em sẽ được xem những phim về Sinterklaas trên đài, được học hát về Sinterklaas trên trường. Đây là thời gian các bé rất thích thú rủ nhau viết thư xin quà và đặt giày, hào hứng chờ đợi nhận quà từ ông Sinterklaas (thực chất là từ bố mẹ).

IMG_4003(1)

Chị đã có định hướng gì cho tương lai của bé?

Hiện tại, bé còn khá nhỏ. Tôi muốn con được vui chơi thoải mái theo đúng độ tuổi. Một vài năm nữa định hướng vẫn chưa muộn.

Cám ơn chị đã chia sẻ.

Vy Lê Nguyễn (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN