Cha mẹ hãy làm bạn với con

Mt trong những điều tốt đẹp nhất mà cha mẹ có thể mang đến cho con cái đó chính là một tình bạn thật sự giữa cha mẹ và con. Với một tình bạn thật sự, trẻ sẽ không chỉ được yêu thương, chăm sóc mà còn được tin cậy và tôn trọng nữa.

Vì sao cần làm bạn?

Nét đặc trưng nhất trong quan hệ bạn bè chính là sự bình đẳng. Nhưng giữa trẻ nhỏ và cha mẹ rất hiếm khi có được điều này. Thường thì trẻ phải khá lớn, cha mẹ mới bắt đầu tôn trọng con và cho con một chút bình quyền.

Cha mẹ chỉ có thể đem lại cho con một tương lai tốt đẹp khi mà họ chăm sóc, dạy dỗ con một cách thân ái và tôn trọng chứ không phải theo kiểu thể hiện uy quyền hay bảo bọc thái quá. Sự bảo bọc hay uy quyền của người lớn rồi sẽ phải suy giảm khi mà đứa trẻ lớn dần, chỉ có mối quan hệ thân ái như kiểu bạn bè là còn lại và được vun đắp bền chặt hơn mà thôi. Khi trẻ đã lớn khôn, chúng không cần đến sự “o bế” hay những biểu hiện quyền lực của phụ huynh nữa. Đó là lý do tại sao ngoài việc dạy bảo, giám sát con cái, cha mẹ còn phải học cách làm bạn với con nữa. Và để có được tình bạn ấy thì ngay từ lúc con còn thơ bé, cha mẹ đã phải lưu ý xây dựng một quan hệ bình đẳng, thân ái với con.

Cha mẹ hãy làm bạn với con

Đi tìm “mẫu số chung”

Bất kỳ tình bạn nào cũng được tạo dựng trên những mối quan tâm, sở thích, trải nghiệm chung. Càng có nhiều điểm chung thì tình bạn càng gắn bó. Ngay từ khi con còn bé, cha mẹ hãy tích cực tạo ra những “mẫu số chung” ấy bằng cách thường xuyên chơi cùng con, đưa con đi công viên, đến rạp xiếc, vào nhà hát… Ngay cả việc cùng nhau xem một cuốn sách hoặc nấu một bữa tối cũng là cách rất tốt để bồi đắp tình bằng hữu với con. Cứ thường xuyên “ba cùng” (cùng chơi, cùng làm, cùng ăn) với con như vậy, cha mẹ sẽ có rất nhiều cơ hội để tâm tình với con, để có thể hiểu con hơn. Khi trẻ lớn dần lên, ngoài việc chia sẻ các mối quan tâm với con, cha mẹ còn phải “đón đầu” những suy nghĩ mới của con, lưu tâm đến đến những nhu cầu đang thay đổi trong con.

Thời gian tựa như bóng chim câu và trẻ con thì lớn rất nhanh. Bởi vậy, khoảng thời gian mà ta có thể dành cho đứa con nhỏ của mình thực ra rất ngắn ngủi. Nếu ta lại còn bớt xén thời gian đó (cho những việc mà ta tưởng rằng quan trọng hơn!) thì sau này rất có thể ta sẽ phải nếm “trái đắng” khi đứa con lớn lên, bắt đầu ương bướng, hỗn hào, thậm chí chống lại ta.

Cha mẹ hãy làm bạn với con

Cây nào nuôi “trái đắng”?

Chẳng ai có thể quay ngược bánh xe thời gian. Nếu như suốt thời thơ bé, trẻ đã phải mòn mỏi trông chờ sự quan tâm của những ông bố bà mẹ thừa độc đoán thiếu thân thiện, luôn luôn bận bịu thì trong lòng chúng chắc chắn sẽ tích tụ nhiều oán thán. Chính những oán thán đó là chiếc barie ngăn cản việc tạo dựng một quan hệ thân tình giữa cha mẹ và con sau này.

Chỉ cần bước sang tuổi thiếu niên là trẻ đã bắt đầu có cuộc sống riêng với các mối quan hệ mới, đam mê mới, bởi vậy chúng sẽ chẳng thiết gần gũi, chẳng còn “cầu thân” với cha mẹ nữa. Rồi chúng tiếp tục lớn lên, tiếp tục bận bịu với học hành, sự nghiệp. Chúng sẽ có gia đình riêng, sẽ phải chăm lo cho vợ con mình và hầu như chẳng nhòm ngó gì đến cha mẹ nữa. Các vị phụ huynh, khi đó đã già nua, mới quay lại trách cứ con cái sao nỡ thờ ơ, bỏ bê cha mẹ. Họ kết tội con cái mà quên rằng chính họ cũng từng ứng xử y như vậy với con khi chúng còn nhỏ dại, khi chúng luôn khát khao được gần gũi, gắn bó với họ.

Một người cha phàn nàn rằng cậu con trai 18 tuổi không còn tôn trọng ông nữa, thậm chí tỏ ra khinh thường ông. Khi ông muốn nói chuyện với cậu như một người bạn, như người đàn ông với người đàn ông, thì cậu đáp rằng cuộc trò chuyện ấy chẳng ích gì nữa, rằng đáng ra ông cần phải nói chuyện với cậu từ lúc cậu còn bé… Người cha sững sờ, ông nhận ra rằng trong những lời nói tàn độc của con trai quả là chứa đựng một sự thật cay đắng.

cuộc thi viết cho con

Khi còn nhỏ, dường như đứa bé nào cũng ra sức “đấu tranh”, giở đủ “chiêu trò” để giành cho được tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ. Trong khi đó, đa phần phụ huynh lại cho rằng đó chỉ là thói nhũng nhiễu trẻ con và họ đã phớt lờ để khỏi làm “hư” đứa trẻ. Tuy nhiên, chỉ có một thời kỳ rất ngắn đám nhóc tì ưa đeo bám, cầu thân với cha mẹ mà thôi. Lớn lên một chút, khi đã có thể tự lập hơn, chúng bắt đầu lảng tránh những vị phụ huynh đã tỏ ra lãnh đạm với chúng. Rồi chúng sẽ quay sang giao du với đám bạn cùng trang lứa và chẳng buồn quan tâm đến cha mẹ nữa. Và cũng từ đó, tình hình sẽ đảo ngược: cha mẹ lại quay sang tìm kiếm tình cảm, sự quan tâm, ân cần từ đứa con. Nhưng mọi cố gắng của họ đều vô ích, bởi đã từ lâu con họ không còn thói quen gần gũi, chia sẻ với cha mẹ nữa. Cứ như vậy, cho đến khi cha mẹ sang tuổi xế chiều, ngay cả khi họ khẩn khoản mong được quan tâm thì đứa con vẫn… bình thản làm ngơ.

Họ đã từng làm ngơ trước những khát khao yêu thương của con như thế nào thì bây giờ con họ cũng sẽ đối xử với họ y như vậy. Bạn chỉ có thể dạy con trở thành một người nhân ái, thân thiện, biết quan tâm, chia sẻ khi mà bạn làm gương cho con và tạo dựng được với con một tình bạn thật sự ngay từ khi con còn nhỏ dại.

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN