Viêm màng não ở trẻ em và những điều bạn cần biết

Viêm màng não ở trẻ em là căn bệnh nguy hiểm, nếu không kịp thời điều trị có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm, nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến tử vong.

Viêm màng não là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó xảy ra khi lớp màng bảo vệ não và tủy sống bị viêm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhưng triệu chứng thường giống nhau và rất khó để nhận biết. Do vậy các bậc phụ huynh nên tìm hiểu thật kỹ về viêm màng não ở trẻ em để có thể đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Hầu hết các trường hợp viêm màng não ở trẻ em là do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và viêm màng não mô cầu.

viem-mang-nao-1280x720-1600426613195480179286-1600655069678-160065506987845628713 Viêm màng não ở trẻ em (Ảnh: Internet)

1.1. Viêm màng não do vi khuẩn Hib

Vi khuẩn Hib tên đầy đủ là Haemophilus Influenza type B, cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi và thường xảy ra ở trẻ không được chủng ngừa. Chúng lây truyền từ người sang người thông qua con đường hô hấp.

Bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib gây tử vong ở trẻ em với tỷ lệ khá cao. Thời gian ủ bệnh thường dưới 10 ngày kể từ khi mắc bệnh và bệnh nhân thường tử vong vào những ngày đầu tiên.

1.2. Viêm màng não do phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn có tên tiếng Anh là Streptococcus pneumoniae. Nó cũng là nguyên nhân gây ra các căn bệnh khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Bệnh là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, do việc sử dụng kháng sinh không còn hiệu quả nên việc điều trị bệnh càng ngày càng khó khăn.

viem-mang-nao-16004276515882132220383-1600655071188-16006550714861353175204 Phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra viêm màng não ở trẻ em và các bệnh khác như viêm phổi, nhiễm trùng huyết (Ảnh: Internet)

1.3. Viêm màng não mô cầu

Viêm màng não mô cầu hay Neisseria meningitides có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau tại nhiều cơ quan như hệ thần kinh, mắt, đường hô hấp hay màng tim, khớp, đường tiết niệu…

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột với những triệu chứng ban đầu như nhức đầu, ho, đau họng, người mệt mỏi… Các triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm.

Sau đó, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như:

– Sốt cao từ 39 đến 40 độ C.

– Nhức đầu, buồn nôn và nôn.

– Cơ thể thấy ớn lạnh, rét run.

– Đau khớp và đau cơ, đặc biệt là ở vùng sống lưng và hai chân.

– Tụt huyết áp, mạch đập nhanh và có thể bị sốc.

Tuy nhiên, viêm màng não mô cầu có triệu chứng điển hình là nổi các đốm xuất huyết xung quanh nách, hông, các khớp chân, khuỷu, gối. Nốt ban có hình dáng như nốt phỏng và thường xuất hiện cũng như lan rộng từ 1 đến 2 ngày sau khi sốt.

2. Dấu hiệu cảnh báo

Dấu hiệu cảnh báo là cách duy nhất giúp phụ huynh phát hiện viêm màng não ở trẻ em để có thể xử trí kịp thời. Cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ có các dấu hiệu sớm như sau:

– Sốt, sốt cao trên 39 độ. Nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng rất nhanh và bạn khó có thể hạ sốt cho bé.

– Trẻ biếng ăn, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy.

– Buồn nôn và nôn.

– Ho, chảy nước mũi.

20190611081913340487benh-viem-mang-nao-max-1800x1800-16004270628271687450865-1600655072714-1600655072952583514059 Sốt cao là một trong những dấu hiệu sớm của viêm màng não ở trẻ em (Ảnh: Internet)

Những dấu hiệu sớm này khá tương tự với cảm cúm hay sốt do virus. Do đó, ngoài cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ thì phụ huynh phải để ý theo dõi cơ thể trẻ liên tục. Những triệu chứng có thể cảnh báo viêm màng não ở trẻ em bao gồm:

– Co giật ở tay, chân và toàn thân.

– Rối loạn ý thức. Trẻ dễ bị kích động, sau đó lờ đờ dần rồi ngủ li bì, hôn mê.

– Đau đầu, nôn, liệt mặt hoặc liệt nửa người, giảm vận động ở tay, chân.

– Phát ban do xuất huyết dưới da.

– Bé nằm nghiêng, đầu ngửa ra sau, hai tay co lại, hai đầu gối co sát bụng, lưng cong ra sau. Kể cả khi cố gắng xoay đỡ qua vị trí khác, bé sẽ có xu hướng nằm lại như cũ.

– Sợ ánh sáng chói. Ánh sáng chói khiến trẻ cảm thấy đau nhức mắt, chảy nước mắt.

Cần lưu ý rằng các dấu hiệu ban đầu thường không rõ ràng và rất khó để phân biệt. Do vậy phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các triệu chứng của trẻ.

3. Cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu viêm màng não?

Phụ huynh khi phát hiện những triệu chứng ở trẻ và nghi ngờ trẻ bị viêm màng não cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm và chẩn đoán cũng như điều trị phù hợp nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Mẹ tuyệt đối không sử dụng thuốc cũng như cho trẻ uống các loại lá khi không có sự chỉ định của bác sĩ. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hay để lại các di chứng về thần kinh nếu không được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi và cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ vì hiện nay ở Việt Nam đã có đầy đủ vaccine phòng tránh viêm màng não do vi khuẩn Hib, viêm màng não phế cầu khuẩn và viêm màng não mô cầu. Ngoài ra, chỉ nên cho trẻ ăn thức ăn nấu chín hoặc đã được tiệt trùng và dạy trẻ cách che miệng khi ho, hắt hơi, tập cho bé thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để phòng tránh bệnh hiệu quả.

Theo Anh Dũng – phunuvietnam.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN