Con ơi, sao chưa lấy chồng đi?

Làm sao cho phụ huynh hiểu “Ế'” không phải đang chạy theo xu thế? Chỉ là mình muốn đợi người xứng đáng để đi cùng.

bichphuong12(1)

Chừng nào lấy chồng?

Mùng 2 tết chị đồng nghiệp gọi điện bảo tao bực quá, chả lẽ đặt vé vô Sài Gòn sớm chớ mới 29 Tết mà ngày nào bà già cũng càm ràm chuyện chồng con vầy sao chịu thấu. Mình vừa buồn cười vừa thấy thương. Cảnh thường ngày ở huyện của mấy nàng đang băm mấy nhát. Mỗi lần về gọi điện về nhà, nói đông nói tây rồi thế nào cũng lái câu chuyện về vụ chồng con. Má tặc lưỡi nói con Lan hậu đậu vậy mà giờ con hai đứa, con Nhung cũng mới đám cưới đây. Còn nó, cứ cà nhõng vác va lô đi khắp xứ, nhắc chuyện chồng con tưởng nói chuyện của ai, rầu hết sức.

Mà, nhà không chỉ có Má. Lần nào về thăm mình cũng nghe ngoại hỏi: “Chừng nào lấy chồng, để tui già cúp thùng thiếc rồi”. Bao giờ mình cũng toe toét cười: “Dạ, sắp rồi. Ngoại chờ con chút.” Có khi ngoại nghiêm mặt: “Tui hổng có giỡn chơi à.” Mình cũng ngưng cười, dạ con nói thiệt mà. Có lần bị dí quá cũng tình thiệt thưa là dạ con cũng muốn lắm chớ mà tìm hoài chưa thấy cháu rể ngoại đâu.

lay-chong

Cưới ai, ai cưới 

Má bảo ngày xưa tao lấy ba mày có cái quần tà lỏn mà giờ cũng nhà cửa đề huề, con cháu đầy nhà đó thôi. Mấy đứa bây giờ cứ bày đặt kén chọn. Thiệt oan hết sức. Con nhà người ta, công ty đa quốc gia, đi nước ngoài như đi chợ, muốn mua gì có thể tự mình quẹt thẻ, váy áo xúng xính, có cả đám bạn hội độc thân vui tính chỉ chờ rảnh là tụ tập. Đang yên đang lành bỗng dưng kết hôn làm gì.

Kiểu của tụi mình bây giờ, độc lập tự do là hạnh phúc. Chưa kể càng đi qua năm tháng, những mong đợi về đối phương càng khắc khe hơn. Không chỉ là con nhà đàng hoàng, lo làm ăn nữa mà còn cần phải tâm đầu ý hợp. Chứ vô rạp xem xong bộ phim, mình thì cảm động rơi nước mắt vì cô vợ đáng thương còn cha nội đi cùng chứ khen cô đào đó bốc lửa ghê thì kiểu gì cũng có đứa ngoắc taxi bỏ về.

Chỉ số AQ

Thi thoảng bắt gặp đâu đó hình ảnh hai cụ già đi cạnh nhau, chầm chậm, mình vẫn thầm ngưỡng mộ. Nhìn hai mái đầu bạc trắng đó, mình hình dung ra những năm tháng, những sóng gió cuộc đời họ đã cùng nhau trải qua. Còn bây giờ bạn bè mình mới hớn hở cắt bánh cưới chưa bao lâu, khua chén khua bát chừng vài bận là thấy đưa nhau ra toà, thấy đổi trạng thái trên Facebook rồi. Đi đám cưới tụi nó, mình hay nửa đùa nửa thật bảo rằng: “Chúc hai đứa mày hạnh phúc bên nhau càng lâu càng tốt” chứ mình không chúc bách niên giai lão, răng long đầu bạc nữa. Chỉ số vượt khó trong hôn nhân bây giờ có vẻ thua xa thế hệ ba má tụi mình. Nhìn bạn bè lần lượt lên xe hoa, rồi lại lần lượt ly hôn  không ít, mình lại càng muốn né vết xe đổ của người đi trước, càng muốn đợi đúng người.

1_205991

“Phụ huynh ơi, xin hãy hiểu”

“Chừng nào lấy chồng, con gái lớn rồi?”. Mình nghe riết thấy cũng bình thường, như nghe ông Bảy hàng xóm hỏi: “Đứa nào đó bây?” Người lớn mà, mình cau có khó chịu chi. Lâu lâu mới về thăm nhà, thôi ráng cho cả nhà vui. Rồi chừng mình trở lại Sài Gòn, mình sống sao mình thấy hạnh phúc được rồi, tranh cãi làm gì cái chuyện không thể phân định đúng sai.

Mình không giận không bực bởi mình hiểu vì sao phụ huynh cứ hay hối thúc. Nuôi con lớn lên chỉ mong nó lớn lên khoẻ mạnh, học hành giỏi giang. Đến khi có công ăn việc làm đàng hoàng, có thể tự lo cho bản thân thì chỉ mong nó lập gia đình để ổn định. Hình như trong mắt người lớn, chỉ khi nào đã yên bề gia thất, đứa con ấy mới thật sự trưởng thành. Chỉ khi nào dựng vợ gả chồng xong thì cha mẹ mới thấy mình đã làm tròn trách nhiệm. Còn không thì cứ canh cánh khôn nguôi.

Căn bản vẫn là cha mẹ mong con mình hạnh phúc. Vậy thì mình làm sao để phụ huynh thấy mình đang ổn lắm, để phụ huynh có thể tạm yên tâm đôi chút, là được rồi. Chứ đòi hỏi sự thông cảm nhau tuyệt đối giữa hai thế hệ coi bộ khó à. Làm sao cho phụ huynh hiểu Ế không phải đang chạy theo xu thế. Chỉ là mình muốn đợi người xứng đáng để đi cùng. Nửa kia của mình chắc cũng đang tìm mình ở đâu đó, chỉ cần kiên nhẫn thêm chút nữa. Thì phụ huynh ơi, xin hãy yên lòng nhé!

Hạnh Nhân

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN